| Hotline: 0983.970.780

Thắng lợi trên mặt trận nhân quyền và môi trường

Thứ Tư 18/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Ở bài này chúng ta sẽ cùng đề cập đến những thắng lợi trên mặt trận nhân quyền và môi trường, gọi tắt là an ninh phi truyền thống của Tổng thống Obama.

Hai thành tựu được đề cập đến sẽ là những đóng góp không ngừng nghỉ của Obama cho thỏa thuận Paris vào cuối năm ngoái và việc Tòa án Liên Bang tuyên bố hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn 50 bang của nước Mỹ. 

Tầm ảnh hưởng của những thành quả này vượt qua ngoài biên giới của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã góp phần làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Hôn nhân đồng tính

Mặc dù không phải là người trực tiếp có quyền đưa ra quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính (đó là quyết định của 9 thẩm phán Liên bang) nhưng Tổng thống Obama chắc chắn là người góp công rất lớn cho quyết định này.

Năm 2012, ông là Tổng thống đầu tiên phát biểu trong một thông điệp được phát toàn liên bang là ông ủng hộ và tin rằng hôn nhân không chỉ là giữa một người đàn ông và một người phụ nữ mà nó còn là quyền cơ bản của mỗi con người, bất kể giới tính, thiên hướng tình dục.

Thay đổi trong quan điểm, suy nghĩ của Tổng thống Obama cũng tượng trưng cho sự chuyển mình của xã hội Mỹ với vấn đề nhạy cảm này.

Năm 2004, Obama khi đó còn là một Thượng nghị sĩ nói trong một bài phát biểu là ông tin rằng hôn nhân là giữa một người đàn ông và phụ nữ, khi đó, ông dùng đức tin Thiên Chúa giáo của mình để lập luận cho quan điểm của mình. Khi đó, tỉ lệ ủng hộ cho hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ chỉ là 31%.

Nhưng kể từ khi nhậm chức ông chủ Nhà Trắng, Obama đã có những đóng góp để bình đẳng hóa những quyền của người đồng giới như xóa bỏ lệnh cấm người đồng tính trong quân đội, cấm tòa án liên bang ra luật kì thị người đồng tính nhưng ông vẫn chưa làm rõ chính kiến của mình đối với vấn đề hôn nhân đồng tính vào thời điểm này.

Việc ông Obama quyết định đứng ra ủng hộ quyền hôn nhân cho người đồng tính là một quyết định dũng cảm vì ở Mỹ, một quyết định công khai như thế của một người đứng đầu Chính phủ có thể bị phe đối lập dung để đả kích.

Trong bài phát biểu về suy nghĩ của mình sau khi Tòa án liên bang tối cao đưa ra quyết định, Tổng thống Obama nói: "Đất nước của chúng ta được thành lập dựa trên một nguyên tắc căn bản đó là tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng… Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài nhưng cuối cùng thì hôm nay, chúng ta cũng có thể tự hào nói với thế giới rằng những người đồng tính có quyền cưới nhau như mọi người khác ở mọi nơi trên đất Mỹ và quyền cơ bản này được bảo vệ bởi pháp luật".

Rõ ràng, đã có sự dịch chuyển trong góc nhìn, thể hiện qua ngôn ngữ của Obama. Trước kia, ông tin rằng hôn nhân không đơn thuần chỉ là kết quả của hai người gặp và yêu nhau. Nó còn là một thứ gì đó mang tính chất thần giáo.

Bây giờ, hôn nhân đối với Obama là một vấn đề thuộc quyền căn bản của mỗi con người. Những người khác không có quyền dùng tôn giáo của mình để phản đối quyền cơ bản của một người khác.

10-09-05_nguoi-n-mung-quyet-dinh-cu-to-n-toi-co-my
Người dân ăn mừng vì quyết định công nhận hôn nhân đồng giới

Bill Mears, chuyên trách báo chí của tòa án Tối cao, cho rằng sự dịch chuyển quan điểm của ông Obama cũng tượng trưng cho sự phát triển của xã hội Mỹ khi mà sức mạnh của nhân quyền dần dần thay thế tôn giáo trong vị trí ‘la bàn đạo đức’.

Hiệp định Paris về môi trường

Việc hiệp định Paris về giảm thiểu lượng khí carbon thải ra môi trường và bắt các nước công nghiệp lớn chung tay cùng các nước nhỏ trong việc giảm thiểu tác hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu là thành công lớn nhất của Obama trên khía cạnh môi trường.

Hiệp định Paris cũng là ‘đứa con nuôi’ của ông và Ngoại trưởng John Kerry và là hiệp định về môi trường đầu tiên mà có chữ kí của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Để hiểu về quãng đường đã trải qua để đạt được thỏa thuận này của Obama và những nguyên thủ khác, phải biết rằng ý tưởng về một hiệp định mang tính toàn cầu về cắt giảm khí thải đã có từ những năm 1990.

Liên tiếp sau đó, ở mỗi hội nghị môi trường thế giới, hy vọng về một thỏa thuận như vậy được nhen nhóm lên rồi lại vụt tắt. Ngay sau khi trở thành Tổng thống vào năm 2008, Obama đã khởi động một kế hoạch lớn trị giá 90 tỷ đô la nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng sạch ở Mỹ.

Sau đó, ông mong rằng việc này có thể tạo một tiền đề tốt để một thỏa thuận môi trường có thể được kí tại Copenhagen năm 2009. Kế hoạch này đã thất bại thảm hại ở cả hai viện khi một số nghị sĩ Dân Chủ liên minh với hầu hết toàn bộ đảng Cộng Hòa đánh bại bản đề nghị sơ thẩm của Obama và Ngoại trưởng Clinton.

Chắc chắn là môi trường là một vấn đề khó đối với chính trị gia ở tất cả mọi nơi khi mà những thiệt thòi về mặt kinh tế ở ngay trước mắt trong khi hiệu quả đạt được lại ở rất xa trong tương lai.

Nhưng không ở đâu nó khó như ở Mỹ. Mỹ là nước dân chủ duy nhất mà ở đó có một đảng phái lớn không tin vào những bằng chứng khoa học của vấn đề nóng lên toàn cầu có sự "góp sức" lớn từ những hành động của con người.

Đảng Cộng Hòa tổ chức hội thảo để tuyên truyền ngược lại những gì mà 99.99% cộng đồng khoa học thế giới tin vào, từ chối tin vào những tài liệu khoa học chứng minh rằng những phát triển chóng mặt của nền công nghiệp thế giới có những tác động không thể đảo lộn lên hệ sinh thái và tương lai của Trái Đất.

Trong bối cảnh đó thì việc Hiệp định Paris được kí kết càng khẳng định rằng ông Obama luôn sẵn sàng đấu tranh đến cùng với phe đối lập để bảo vệ cái mà mình tin là đúng.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.