| Hotline: 0983.970.780

Thành công từ các giải pháp phi công trình

Thứ Tư 11/03/2020 , 09:55 (GMT+7)

Đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL đã thành công trong bối cảnh hạn mặn nghiêm trọng. Nỗi lo bây giờ là bảo vệ cây ăn trái.

Lúc đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sơn.

Lúc đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sơn.

Bài học dịch chuyển thời vụ

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thành công của vụ đông xuân 2019-2020, bắt đầu từ sự chủ động của Bộ NN-PTNT và các địa phương.

Từ tháng 7 và 9/2019, dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và các dự báo về tình hình thủy văn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của các cơ quan chuyên môn, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kịch bản gồm 2 phương án cho vụ đông xuân 2019-2020.

Theo đó, phương án 1 là nếu tình hình hạn mặn tương tự như vụ 2015-2016, sẽ cắt giảm 50 ngàn ha ở những khu vực ngặt nghèo về nguồn nước. Nếu hạn mặn nghiêm trọng hơn năm 2015-2016, ngoài việc cắt giảm 50 ngàn ha, sẽ lùi thời gian xuống giống 50 ngàn ha khác đến khi có nước ngọt.

Bên cạnh đó, là các giải pháp phi công trình như dịch chuyển lịch thời vụ, thay đổi cơ cấu giống và đưa cây ngắn ngày vào những diện tích không xuống giống lúa.

Bộ NN-PTNT và các tỉnh đã luôn chỉ đạo sát sao, thực hiện đúng theo các dự tính, dự báo. Trước hết là thực hiện nghiêm túc việc dịch chuyển lịch thời vụ nhằm tránh hạn mặn.

Cụ thể, trong tháng 10/2019, đã xuống giống tới 470 ngàn ha lúa đông xuân, tăng 100 ngàn ha so với cùng thời điểm của vụ đông xuân 2018-2019 và tăng 250 ngàn ha so với cùng thời điểm vụ đông xuân 2015-2016.

Trong tháng 11, diện tích xuống giống là 700 ngàn ha, tăng 150 ngàn ha so với cùng thời điểm vụ đông xuân 2018-2019. Tháng 12, việc xuống giống lúa đông xuân diễn ra như bình thường. Nhờ việc dịch chuyển lịch thời vụ như trên, trong tháng 1, gần như đã không còn xuống giống trên toàn ĐBSCL (chỉ xuống giống 30.000 ha ở vùng đảm bảo nước ngọt).

Bên cạnh việc chuyển lịch thời vụ là chuyển đổi cơ cấu giống. Theo đó, vùng từ bờ biển vào sâu đến 20-30 km, nông dân được khuyến cáo sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày. Vùng từ 20 km cách biển đến 40 km, sử dụng các giống lúa dưới 100 ngày. Vùng từ 40 km trở lên sử dụng các giống từ 90-105 ngày. Kiên quyết không sử dụng các giống dài ngày trong vụ đông xuân.

Song song với đó là khuyến cáo nông dân đưa cây trồng ngắn ngày vào gieo trồng trên diện tích 50 ngàn ha không xuống giống lúa đông xuân do khó khăn về nguồn nước. 

Bên cạnh những giải pháp quan trọng nói trên, có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống các công trình thủy lợi ở ĐBSCL trong việc phòng chống hạn, mặn. Công tác dự báo của các cơ quan chuyên môn từ trung ương tới các địa phương được làm tốt hơn với thời gian dự báo dài hơn, cũng đã góp phần quan trọng vào thành công trong công tác phòng chống  hạn mặn vụ đông xuân 2019-2020.

Nhờ vậy, trong vụ đông xuân 2019-2020, chỉ có 23 ngàn ha bị giảm năng suất do hạn mặn. Đây là con số nhỏ so với 1,54 triệu ha đã được xuống giống.

Áp dụng mọi biện pháp giữ vườn cây ăn trái

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn chưa nhiều, nhưng nếu tình hình hạn mặn còn kéo dài, sẽ tác động không nhỏ tới các nhà vườn. 

Chính vì vậy, từ nay đến hết tháng 3, phải có giải pháp hỗ trợ các nhà vườn tích nước, trữ nước, thậm chí lên phương án sẵn sàng chở nước từ nơi khác về tưới cho cây ăn trái.

Về trữ nước, đã có nhiều biện pháp hiệu quả như sử dụng các túi chứa nước loại lớn để trữ nước ngọt, lót bạt dưới đáy các mương trong vườn rồi đưa nước ngọt vào dự trữ, đắp mương nổi trữ nước… Bên cạnh đó, các nhà vườn phải triệt để sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm. Khi nước ngọt quá khó khăn, các nhà vườn cần chủ động giãn thời gian tưới cây ăn trái để giúp cây có thể cầm cự qua mùa khô hạn.

Đặc biệt, không chỉ ở vùng nhiễm mặn, mà cả ở vùng ngọt, chính quyền và các nhà vườn cũng không được chủ quan với nguồn nước. Kinh nghiệm từ mùa khô 2015-2016 cho thấy, hàng loạt vườn cây ăn trái ở vùng ngọt đã bị chết do khi lấy nước tưới, các nhà vườn đã không kiểm tra độ mặn của nguồn nước khi mà nước có độ mặn thấp xâm nhập vào sâu.

Trên thực tế, nước chỉ có độ mặn 0,5 g/l, đã ảnh hưởng không nhỏ tới cây ăn trái. Nước có độ mặn 1 g/l, nếu đưa lên để tưới cho cây ăn trái, cây sẽ không chết ngay, nhưng tùy từng loại cây mà 10 ngày hoặc 1 tháng sau, sẽ bắt đầu chết hàng loạt. Độ mặn 1 g/l lại không thể kiểm tra bằng cách nếm thông thường. Do đó, các nhà vườn cần sử dụng dụng cụ đo độ mặn để kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước tưới cho vườn cây.

Nếu tình hình xâm nhập mặn ở mức độ nghiêm trọng, độ mặn của nguồn nước không đảm bảo an toàn cho cây trồng, các nhà vườn nên mạnh dạn ngừng việc tưới cây ăn trái.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.