| Hotline: 0983.970.780

Thành công với bò sữa từ dự án khuyến nông

Thứ Tư 15/12/2021 , 09:30 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ bỏ nghề trồng hoa, ông Nhiệm tham gia dự án khuyến nông hỗ trợ giống và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Hiện ông đã ổn định, có thu nhập cao với nghề mới.

Bén duyên với bò sữa từ dự án khuyến nông

Về lại mảnh đất Châu Pha vào những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm trang trại với cái tên thân thiện “Bò sữa Ông Nhiệm” của ông Nguyễn Văn Nhiệm ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, Thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Từ 4 con bò sữa do dự án khuyến nông hỗ trợ cho vay vốn, đến nay, ông Nhiệm đã gây dựng được cơ ngơi trang trại bò sữa trên 50 con. Ảnh: Hoàng Trọng.

Từ 4 con bò sữa do dự án khuyến nông hỗ trợ cho vay vốn, đến nay, ông Nhiệm đã gây dựng được cơ ngơi trang trại bò sữa trên 50 con. Ảnh: Hoàng Trọng.

Trong lúc mọi người đang tất bật với dây chuyền chế biến sữa để kịp chuyển đi cho các đại lý theo đúng hợp đồng, lau khô những giọt mồ hôi trên má, sắp xếp công việc, dành chút thời gian tiếp chúng tôi bên chiếc bàn gỗ làm bằng rễ cây, ông Nhiệm kể: Trước đây, gia đình ông lập nghiệp bằng nghề trồng hoa. Công việc vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng được là bao. Hoa đến thì nhưng không trùng với dịp lễ Tết thì coi như thất thu, nhiều lúc phải bán dưới giá thành, thu không đủ bù chi, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Năm 2003, Trung tâm Khyến nông tỉnh triển khai Dự án bò sữa, gia đình ông may mắn được chọn hỗ trợ vay vốn mua 4 con bò mà không tính lãi suất.

Khi nhận bò, ông đã xác định đây chính là cơ hội để gia đình chuyển hướng làm ăn. Sau khi được địa phương giới thiệu tham quan một số mô hình nuôi bò hiệu quả tại một số tỉnh lân cận, được Trung tâm Khuyến nông mời tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa sinh sản, ông quyết định xây chuồng và chăm sóc bò theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Nhiệm kể tiếp, thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm trong khâu chọn giống, chăm sóc vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật phối trộn thức ăn cũng như thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn nên thời gian thành thục kéo dài, sản lượng sữa chưa đạt, chất lượng sữa chưa đáp ứng yêu cầu với người tiêu dùng.

Hiện ông Nhiệm đã mạnh dạn đầu tư thêm công nghệ để chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ sữa nguyên liệu của chính trang trại nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản xuất - chế biến. Ảnh: Hoàng Trọng.

Hiện ông Nhiệm đã mạnh dạn đầu tư thêm công nghệ để chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ sữa nguyên liệu của chính trang trại nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản xuất - chế biến. Ảnh: Hoàng Trọng.

Do vậy, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, hàng ngày ông vẫn miệt mài tìm hiểu qua sách báo và các trang mạng điện tử, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Vừa chăn nuôi vừa mày mò học hỏi kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm, sau những năm tháng cần mẫn, miệt mài với công việc mà mình yêu thích, đàn bò bắt đầu cho sữa đúng chu kỳ và đúng chất lượng. 

Lấy số vốn dành dụm từ bán sữa, ông đầu tư chuồng trại, trồng cỏ để nhân rộng đàn bò. Đến nay, trang trại của ông có khoảng 1,7 ha đất trồng cỏ voi, đủ đáp ứng thức ăn xanh cho đàn bò 50 con, trong đó có 30 con đang cho sữa, số bò còn lại là bò hậu bị. Tất cả đàn bò đang được nuôi nhốt trong chuồng trại khang trang với diện tích khoảng 2.000 m2.

Xây dựng thương hiệu "Bò sữa Ông Nhiệm"

Quy trình chăn nuôi ổn định, nguồn sữa bò đạt chất lượng, số lượng sữa thu hoạch trung bình mỗi ngày khoảng 200kg nhưng đầu ra phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh nên tới đầu năm 2017, ông quyết định đầu tư đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm từ sữa như máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa rồi học cách chế biến làm ra các sản phẩm sữa chua đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Trong các đợt giãn cách xã hội năm 2021 do dịch Covid-19, ông Nhiệm đã hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch hơn 25 nghìn bịch sữa chua các loại. Ảnh: NVCC.

Trong các đợt giãn cách xã hội năm 2021 do dịch Covid-19, ông Nhiệm đã hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch hơn 25 nghìn bịch sữa chua các loại. Ảnh: NVCC.

Để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng, ông Nhiệm tìm hiểu quy trình sản xuất VietGAP rồi chuyển trang trại từ trồng cỏ nuôi bò theo phương thức truyền thống sang quy trình sản xuất VietGAP.

Để được cấp chứng chỉ VietGAP, tất cả dây chuyền từ chuồng trại, đến quy trình chăm sóc, xư lý, vệ sinh, phòng bệnh, trồng cỏ, chế biến thức ăn cho bò ông đều thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt về chăn nuôi bò sữa an toàn tại Việt Nam theo quyết định Số1579/QĐ-BNN-KHCN.

Chăn nuôi bò theo quy trình khép kín đòi hỏi người chủ phải có tâm huyết, yêu nghề mình đã chọn mới thành công. Nuôi bò sữa không có ngày nghỉ, tất cả thời gian 365 ngày trong năm không có ngày nào là ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ Tết.

Muốn có lượng sữa đạt cả về chất lượng và số lượng, phải chăm sóc đàn bò thật tốt, cắt cỏ cho bò ăn ngày hai lần, trời nắng cũng như trời mưa. Sữa bò vắt ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Trước khi vắt, máy vắt và bầu sữa được vệ sinh sạch sẻ. Sữa sau khi thu, được thanh trùng ngay ở nhiệt độ 75 - 80 độ C, sau đó đem đóng chai hoặc chế biến thành các sản phẩm sữa chua.

Hiện nay, ông Nhiệm đã chế biến ra đa dạng các sản phẩm có chất lượng cao từ sữa bò của trang trại, được người tiêu dùng đánh giá. Ảnh: Hoàng Trọng.

Hiện nay, ông Nhiệm đã chế biến ra đa dạng các sản phẩm có chất lượng cao từ sữa bò của trang trại, được người tiêu dùng đánh giá. Ảnh: Hoàng Trọng.

Hiện nay, một ngày gia đình làm khoảng 2.000 bịch sữa chua dẻo, cùng vài trăm hũ sữa chua trân châu, sữa chua nếp cẩm và sữa thanh trùng đóng chai tương đương khoảng 200kg sữa tươi. Với cách làm này, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu lãi khoảng 600 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 15 công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. 

Là Chi hội trưởng thuộc Hội Nông dân xã Châu Pha, ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Nhiệm còn tích cực tham gia tốt hoạt động các phong trào nông dân ở địa phương, các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn nông dân trong vùng khi đến tham quan mô hình nuôi bò khép kín của ông.

Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 vừa qua, trang tại Bò sữa Ông Nhiệm đã đóng góp cho tuyến đầu chống dịch trên 25.000 bịch sữa chua các loại. Với những đóng góp tích cực, từ năm 2018 đến nay ông Nguyễn Văn Nhiệm liên tục được UBND tỉnh tặng bằng khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Năm 2020, ông Nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ảnh: HT.

Năm 2020, ông Nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ảnh: HT.

Năm 2020, ông Nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ tổ quốc.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha chia sẻ và cho biết thêm: “Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Nhiệm được biết đến là nông dân nuôi bò sữa và chế biến các sản phâm từ sữa có tiếng ở địa phương được nhiều người yêu mến. Thương hiệu Bò sữa Ông Nhiệm là minh chứng cho nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm