Anh Nguyễn Văn Tám, Dân tộc Mường ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình được nhiều nhà nông trong khu vực coi là “cao thủ” chăn nuôi bò sữa, bởi cùng khởi nghề với anh, nhiều hộ đã phải “bỏ của chạy lấy người”, vì càng nuôi càng lỗ vốn.
Nói về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi bò sữa, anh Tám cho biết, cách nay gần 8 năm, anh từng nuôi hàng trăm con heo thịt, nhưng xuất chuồng đúng lúc lợn rớt giá thê thảm, bị lỗ mất hơn 70 triệu đồng. Đang loay hoay mãi không biết làm gì để khôi phục sản xuất, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho tham gia dự án chăn nuôi bò sữa.
Như “chết đuối vớ được cọc”, anh Tám đi tham quan học hỏi mô hình khắp nơi, sau lại được cán bộ khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăm sóc bò sữa và trợ giá mua con giống, hạt cỏ, máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy phát điện... Nhờ vậy, sau hơn 1 năm nuôi gối đàn 15 con bò sữa, gia đình anh đã có lãi bình gần 20 triệu đồng 1 tháng sau khi đã trừ hết chi phí.
Khi được hỏi bí quyết nào đã giúp anh nuôi bò sữa có lãi cao, anh Tám khiêm tốn, là chỉ làm theo đúng những gì học hỏi được. Theo đó, để có đủ thức ăn thô xanh cho bò sữa, anh đã trồng 3ha cỏ voi, cỏ nước và thu lượm thêm 1 số rơm rạ, cỏ mọc tự nhiên và rau muống dạ làm thức ăn lâu dài cho đàn bò.
Theo anh Tám, sở dĩ anh đưa cây cỏ nước vào cơ cấu gieo trồng bởi vì loại cỏ này phát triển tốt ngay cả trong mùa lạnh và trên những chân ruộng trũng, còn cỏ voi chỉ sinh trưởng thuận lợi trong điều kiện thời tiết ấm áp và phải trồng trên các chân ruộng cao, thoát nước nhanh.
Về con giống, anh Tám chia sẻ, cần chọn mua những con sinh ra từ bò mẹ cho năng suất sữa cao, đã đẻ từ 5-6 lứa. Con giống phải có thể trọng lớn và phát triển cân đối, đầu thanh, tai mỏng, trong tai không có lông, mắt to hiền có biểu cảm, mồm to, mũi to, cổ dài vừa phải, sừng trung bình.
Bên cạnh đó, bò sữa phải có sườn nở, hông rộng, ngực sâu mạnh mẽ, lưng dài rộng nhìn rõ các đầu xương nhô ra nhưng không thô ráp Vai, lưng và hông không võng và rộng dần về phía xương chậu. Chân cao chắc chắn, chân sau hơi thấp hơn chân trước, không chụm kheo, lông lang trắng bóng mượt, da mềm đàn hồi tốt, đuôi ngắn hơi dẹt.
Đặc biệt, đầu vú bò phải rộng, mềm, không chảy xệ, 4 núm vú dài to vừa phải và đều đặn, sờ bầu vú thấy có dạng hạt hơi bở, các tĩnh mạch vú dài nổi cuộn rõ như sợi dây thừng… sẽ cho sản lượng và chất lượng sữa sau này rất tốt.
Chuồng trại chăn nuôi phải luôn sạch sẽ, diệt muỗi và các loài ký sinh trùng ngoài da, vệ sinh tắm rửa cho bò 2 lần/ngày trước khi tiến hành vắt sữa, vắt sữa đúng giờ, cho bò ăn 2-3 bữa/ngày. Tùy theo khả năng cho sữa mà định lượng thức ăn cho 1 bò/1 ngày như sau:
Thức ăn thô (rau, cỏ các loại) khoảng 40kg/ngày, thức ăn tinh tính từ lít sữa thứ 6 trở lên, cứ lấy thêm 1kg sữa cần cho ăn 0,4-0,5kg cám chuyên dùng. Có điệu kiện thay một phần thức ăn tinh bằng bã bia, bã rượu, sẽ kích thích bò ham ăn, tăng năng suất, chất lượng sữa.
Cũng theo anh Tám, thụ tinh nhân tạo và cai sữa đột ngột cho bò là 2 giải pháp căn cơ nhất, trong đó thụ tinh nhân tạo, giúp giảm kinh phí mua nuôi bò đực, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cai sữa/cạn sữa bằng cách bơm thuốc vào các ống núm vú sẽ tránh được bệnh viêm vú trên bò, quá trình nuôi dưỡng, cho ăn và vắt sữa cũng đơn giản hơn rất nhiều.
Nhưng anh Tám lưu ý, trong thời gian cai sữa, phải cho bò ăn đầy đủ dưỡng chất để nuôi thai, và phải thả bò ra ngoài chuồng cho vận động, giúp bò để dễ đẻ hơn.
Khi thụ tinh cho bò phải chọn đúng thời điểm bò rụng trứng, biểu hiện là bò đứng yên khi có con khác trong đàn nhảy lên, quan sát thấy âm hộ bò hơi mở, có dịch nhầy dạng sợi keo dính chảy dài từ âm hộ, đồng thời niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang hồng nhạt.