| Hotline: 0983.970.780

Tiến bộ kỹ thuật nuôi bò sữa

Thứ Tư 04/03/2020 , 12:08 (GMT+7)

Ở mỗi loại thức ăn, máy tính đưa ra chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng giúp người chăn nuôi bò phối trộn một cách khoa học, từ đó cải thiện chất lượng sữa.

Từ các chỉ số về hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi loại thức ăn thô mà máy tính đưa ra, nông dân tự phối trộn thức ăn hỗn hợp cho bò. Ảnh: Minh Hậu. 

Từ các chỉ số về hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi loại thức ăn thô mà máy tính đưa ra, nông dân tự phối trộn thức ăn hỗn hợp cho bò. Ảnh: Minh Hậu

Ở trang trại của gia đình, sau khi trao đổi với chuyên gia nông nghiệp về sức khỏe và chất lượng sữa của đàn bò, anh Bùi Xuân Song (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) bắt tay vào điều chỉnh, phối trộn thức ăn mới cho đàn gia súc. Nông dân 39 tuổi này cho biết, anh đến với nghề nuôi bò sữa từ năm 2004 với vốn ban đầu là 2 bê con. Sau 16 năm, bò mẹ đẻ bò con và tổng đàn đã lên đến 30 con.

Anh Bùi Xuân Song chia sẻ: “Mấy năm trước, việc chăn nuôi bò làm theo kiểu “tay quen”, dựa vào kinh nghiệm nên đôi khi chất lượng sữa không đảm bảo. Khi mang sữa đi bán thì hay bị đơn vị thu mua trả về hoặc chỉ bán với giá rẻ do chất béo, chất khô hoặc tế bào sôma không đạt yêu cầu”.

Cũng theo nông dân này, năm 2019, khi Sở NN-PTNT Lâm Đồng triển khai các chương trình tập huấn về chăn nuôi bò sữa nên anh biết được phải có phương pháp khoa học về chế độ dinh dưỡng cho bò. Một khi chế độ ăn đảm bảo cả chất và lượng thì nguồn sữa thành phẩm mới đảm bảo được các chỉ số.

Cũng trong thời gian này, gia đình anh tham gia vào chương trình sử dụng phần mềm tính toán khẩu phần ăn cho bò. Phần mềm trên máy tính này giúp gia đình anh nắm bắt các chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi loại thức ăn thô. Dựa vào đó, gia đình áp dụng công thức phối trộn phù hợp, loại bỏ lối chăm sóc “mùa nào thức nấy” như trước đây.

“Có đầy đủ thông tin về chất và lượng nên mọi việc trở nên dễ dàng. Hiện gia đình vẫn trộn thức ăn bằng phương pháp thủ công và thời gian tới sẽ đầu tư máy móc để việc chăn nuôi thuận lợi hơn”, nông dân 39 tuổi thổ lộ và cho biết thêm, đối với bò cho 20 lít sữa/ngày, anh áp dụng công thức trộn gồm 20kg cám hỗn hợp, 2kg cám viên, 1kg bắp lên men cùng bột bắp ủ chua và cỏ.

Chất lượng thức ăn được đảm bảo giúp bò sữa phát triển mạnh, chất lượng sữa được cải thiện. Ảnh: Minh Hậu. 

Chất lượng thức ăn được đảm bảo giúp bò sữa phát triển mạnh, chất lượng sữa được cải thiện. Ảnh: Minh Hậu. 

Ở xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh đang chăm sóc đàn bò 30 con. Trong tổng đàn có khoảng 13 bò cho khai thác sữa với 280 lít/ngày.

Theo anh Khánh, kể từ khi áp dụng chương trình tính toán khẩu phần ăn trên máy tính, sức khỏe của bò được đảm bảo và thời gian đạt đỉnh sữa kéo dài hơn trước. Chi phí chăn nuôi giảm và công chăm sóc cũng được rút ngắn.

Nông dân Nguyễn Quốc Khánh cho hay, nhờ áp dụng phần mềm tính toán khẩu phần ăn cho bò nên sản lượng sữa đảm bảo và chất lượng tốt. Mỗi tháng, gia đình bán sữa cho Công ty VinaMilk với giá 14.000 đồng/lít và đạt lợi nhuận ròng 30 triệu đồng.

“Điều quan trọng hơn cả là chất lượng sữa luôn đảm bảo. Kể từ ngày áp dụng mô hình này, chất béo, chất khô và tế bào sôma luôn đạt chuẩn nên sữa được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định 14.000 đồng/lít”, anh Khánh vui thổ lộ.

Ông Huỳnh Văn Minh, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi, thú y, thủy sản (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình tính toán khẩu phần ăn cho bò và bước đầu mang lại hiệu quả.

Nông dân đang phối hợp cùng các chuyên gia và cán bộ nông nghiệp để thực hiện mô hình nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sữa. 

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, địa phương có khoảng 22.000 con bò sữa với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi tập trung. Năng suất sữa tươi bình quân 20 lít/con mỗi ngày và mỗi con đạt khoảng 6.000 lít/chu kỳ.

Nghề nuôi bò sữa ở Lâm Đồng đang cho nhiều gia đình nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Nghề nuôi bò sữa ở Lâm Đồng đang cho nhiều gia đình nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Tổng sản lượng sữa đạt trên 80.000 tấn/năm và được tiêu thụ bởi Công ty Vinamilk, Cô gái Hà Lan và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk).

Thời gian tới, tỉnh phát triển nuôi bò sữa theo phương thức nâng quay mô trang trại, quy mô đàn ở nông hộ. Đồng thời đẩy mạnh việ áp dụng khoa học, kỹ thuật, mô hình chăn nuôi công nghệ cao để phát triển đàn bò.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, bò sữa là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện địa phương đang thực hiện đề án phát triển chăn nuôi và lai tạo giống chất lượng kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Kế hoạch nâng tổng đàn lên 23.000 con trong năm 2020 với sản lượng sữa tươi ước đạt 84.000 tấn.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất