Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa hiện còn 938 phương tiện (tàu, thuyền) với hơn 4,7 nghìn lao động đang hoạt động trên biển. Số phương tiện còn lại (hơn 5,5 nghìn phương tiện) đang neo đậu tại các cảng cá, âu tránh tránh trú bão.
Theo ghi nhận của phóng viên NNVN, để ứng phó với cơn bão số 1 (bão TALIM), tại khu vực cảng cá, âu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, lực lượng chức năng đã có mặt để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân lai dắt tàu cập bến an toàn.
Tại khu neo đậu Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) các tàu cá đang hối hả chạy vào bờ trú bão. Phía bên trong âu thuyền tránh trú, những con tàu công suất lớn được xếp liền kề nhau, giằng néo kỹ lưỡng bằng dây thừng để cố định tài sản. Nhiều ngư dân vui mừng khi tàu, thuyền của mình cập bến an toàn.
Ngoài việc giằng néo ghe thuyền, các chủ tàu thuyền còn dùng lốp ô tô buộc vào hông thuyền để tránh va đập trong trường hợp sóng to, gió lớn. Nhiều tàu, thuyền vừa cập bờ cũng hối hả vận chuyển những thùng cá, tôm trong boong lên bờ bán cho thương lái trước khi bão đổ bộ.
Tại các khu nuôi trồng thủy sản, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân và lao động trên các lồng, bè chằng chống, neo cột lồng bè thật chắc chắn để tánh thiệt hại.
Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa cho biết, hiện tại 100% lực lượng đã có mặt tại cảng cá, sẵn sàng ứng phó với bão số 1. “Bộ phận trực tại các cảng cá, âu tránh trú thường xuyên cập nhật số lượng tàu, thuyền cập bến để lực lượng chức năng theo dõi, cảnh báo kịp thời tới ngư dân về diễn biến của bão, và triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Hiện nay, Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa hiện quản lý 1.000 tàu thuyền, trong đó đã có hơn 400 tàu thuyền cập cảng Lạch Hới, Lạch Bạng, Hòa Lộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phối hợp với các lực lượng liên quan, đưa tàu cá vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền”, ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa thông tin.
Trước diễn biến của cơn bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về việc ứng phó với bão.
Theo đó, đối với tuyến biển, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.
Tổ chức quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và trên các đảo.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, các địa phương chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng...
Đối với khu vực miền núi, các địa phương chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản. Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu...
Hiện nay, các địa phương, ngành, đơn vị chức năng đang triển khai công tác phòng, chống bão và mưa lũ có thể xảy ra sau bão; đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan khi có yêu cầu.