| Hotline: 0983.970.780

Thanh long chủ động thích ứng SPS

Thứ Năm 30/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Người trồng và doanh nghiệp ngành thanh long đã chủ động các giải pháp canh tác xanh, sản phẩm sạch, tuân thủ các quy định xuất khẩu.

Nông dân ý thức bảo vệ mã số vùng trồng

Long An là một trong những thủ phủ thanh long của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước bối cảnh giá cả thanh long bấp bênh, thị trường thiếu ổn định, mã số vùng trồng được xem là “visa” để quả thanh long xuất ngoại bền vững. Người trồng thanh long nơi đây đã chủ động sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từng bước vực dậy quả thanh long, loại quả một thời giúp người địa phương đổi đời.

Người trồng thanh long Long An chủ động sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Người trồng thanh long Long An chủ động sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Đến huyện Châu Thành những ngày này, không khí ảm đạm giai đoạn người trồng thanh long quay lưng với loại quả này khi giá xuống thấp, thậm chí bán không ai mua đã không còn. Người dân nơi đây đang tất bật tái canh những diện tích bỏ đi và tập trung chăm sóc những vườn cây thương phẩm để kịp phục hồi vườn sau vụ mùa, để bước vào vụ chong đèn (nghịch vụ), chuẩn bị tâm thế đón làn sóng nhập khẩu từ các thị trường quốc tế.

Chúng tôi tới tham quan khu vườn thanh long GlobalGAP xanh mướt của ông Trần Văn Toàn tại xã Hiệp Thạnh, lúc ông đang khẩn trương lắp đặt bóng đèn để chuẩn bị cho vụ nghịch sắp tới. Ông Toàn phấn khởi cho biết, nhờ tham gia vào HTX Vạn Thành, toàn bộ khu vườn 0,6 ha của gia đình đã được cấp mã số vùng trồng, vụ mùa vừa qua, dù giá cả thanh long nhiều biến động nhưng ông vẫn được HTX bao tiêu với giá ổn định 8.000/kg. Với mức giá này đã đem lại thu nhập cho ông gần 100  triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ đó, ông có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư vào vụ nghịch và kỳ vọng sẽ có Tết sum vầy khi vụ nghịch thu hoạch đúng vào thời điểm Tết với mức thu nhập dự báo khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Gia đinh ông Trần Văn Toàn khẩn trương chong đèn cho vụ nghịch. Ảnh: Trần Trung.

Gia đinh ông Trần Văn Toàn khẩn trương chong đèn cho vụ nghịch. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Vạn Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Vạn Thành cho biết thêm, sau thời gian Trung Quốc đóng cửa biên giới để phòng chống dịch Covid-19, trong khi người trồng thanh long loay hoay tìm đầu ra thì HTX đã nhận thấy, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng”, muốn tồn tại HTX phải cơ cấu lại sản xuất theo quy trình sạch, theo chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đến nay, HTX có trên 120 thành viên với 150 ha thanh long được chứng nhận GlobalGAP và 50 ha thanh long đạt chứng nhận VietGAP.

Nhờ sớm thay đổi nhận thức, khi thị trường Trung Quốc mở cửa, Trung Quốc có rất nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với nông sản nhập khẩu, mới nhất là những quy định trong các Lệnh 248 và 249 HTX đáp ứng mọi tiêu chí đặt ra và là một trong những HTX đầu tiên được cấp mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, thanh long ruột trắng của HTX còn được thị trường Nhật Bản, EU chấp nhận.

“Để giữ vững mã số vùng trồng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, HTX hướng dẫn thành viên tuân thủ những quy định như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực. Việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bóng đèn huỳnh quang sau sử dụng được thực hiện theo đúng quy định”, ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Vạn Thành (bìa phải)  hướng dẫn các thành viên HTX chăm sóc thanh long theo hướng GlobalGAP. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Vạn Thành (bìa phải)  hướng dẫn các thành viên HTX chăm sóc thanh long theo hướng GlobalGAP. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, hiện Châu Thành có hơn 8.900 ha thanh long. Để phát triển bền vững, địa phương và ngành chức năng của tỉnh khuyến khích người trồng thanh long sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chất lượng, giá trị của trái thanh long để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng với tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Chúng tôi sẽ tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Cùng với sự chủ động người trồng, các doanh nghiệp ngành thanh long cũng sớm nắm bắt các quy định để xuất khẩu thanh long chính ngạch, hướng đến sản xuất, tiêu thụ bền vững. Trong đó, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit là một trong những đơn vị tiên phong. Bên cạnh thị trường truyền thống, Công ty còn xuất khẩu thanh long đỏ và trắng đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ và châu Âu.

Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khẩn trương chuẩn bị thanh long xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khẩn trương chuẩn bị thanh long xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, họ đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận an toàn… không thua gì Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngay khi Trung Quốc áp đặt các quy định mới, đặc biệt là Lệnh 249 về chú trọng thắt chặt quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm, Công ty đã sớm nắm bắt và thích ứng. Minh chứng là các lô hàng của Công ty vẫn xuất khẩu đều đặn trong suốt quá trình hoạt động.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Huy cho rằng, để xuất khẩu bền vững, trước hết phải có vùng nguyên liệu ổn đã được cấp mã số vùng trồng. Từ đó, Công ty đã chủ động đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế làm cơ sở chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ hợp tác xã trong chuỗi liên kết để xây dựng mã số vùng. Song song đó, Công ty chủ động đổi mới công nghệ sơ chế bảo quản sau thu hoạch, giúp thanh long tươi ngon và đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là kiểm dịch thực vật.

Hoàng Phát Fruit hiện là một trong bốn công ty hàng đầu tại Việt Nam sử dụng công nghệ hơi nước nóng bảo quản nông sản đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Hoàng Phát Fruit hiện là một trong bốn công ty hàng đầu tại Việt Nam sử dụng công nghệ hơi nước nóng bảo quản nông sản đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, Công ty luôn duy trì, cải tiến hệ thống quản lý Chất lượng theo chuẩn ISO 2000: HACCP, GLOBAL GAP, SMETA SEDEX... Đặc biệt, Hoàng Phát Fruit hiện là một trong bốn công ty hàng đầu tại Việt Nam sử dụng công nghệ hơi nước nóng nhằm tiêu diệt mầm bệnh tối đa mà không hề gây tổn hại đến độ tươi ngon của thanh long. Chính điều đó đã giúp sản phẩm của Hoàng Phát Fruit đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang những thị trường nổi tiếng về sự khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

"Doanh nghiệp muốn đi xa hơn phải xây dựng thương hiệu gắn với hàng hóa chất lượng, có đủ hàng cung ứng theo tiến độ đơn hàng, diện tích trồng bởi diện tích thanh long thế giới có xu hướng tăng; đặc biệt Trung Quốc thị trường truyền thống, chủ lực đã tăng nhanh, vượt quy mô diện tích, sản lượng của Việt Nam. Ấn Độ, thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng diện tích trồng thanh long phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới. Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn nếu Việt Nam tăng diện tích thanh long, không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu”, ông Huy bày tỏ.

Thanh long của Hoàng Phát Fruit đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang những thị trường nổi tiếng về sự khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Ảnh: Trần Trung.

Thanh long của Hoàng Phát Fruit đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang những thị trường nổi tiếng về sự khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, thanh long là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh Long An và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mạnh mặt hàng này, những quốc gia khác xuất khẩu rải rác nhưng hiện tại còn nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của mỗi quốc gia khác nhau.

Từ cuối năm 2021, Trung Quốc ban hành lệnh 248 về Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu, gây ra không ít áp lực cho việc xuất khẩu nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng. Nhằm giải quyết khó khăn do Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc, Hiệp hội đã phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật triển khai các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói và quản lý mã số vùng trồng cho các địa phương. Sau thời gian đầu lúng túng, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp và HTX, người trồng thanh long đã nắm vững yêu cầu Trung Quốc đặt ra giúp ngành thanh long địa phương phục hồi tích cực.

“Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch, hướng đến sản xuất, tiêu thụ bền vững, vấn đề đặt ra hiện nay là phải thay đổi từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, để phát triển cây thanh long bền vững, Long An đang thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện tại, tỉnh Long An và Hiệp hội đang định hướng sản xuất thanh long công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bên cạnh thị trường Trung Quốc, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu...”, ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ,

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất