| Hotline: 0983.970.780

Thanh long VietGAP rộng đường xuất khẩu

Thứ Ba 08/10/2019 , 11:00 (GMT+7)

Hiện nay, thị trường thay đổi nên người trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP ở Bình Thuận vui mừng vì có cơ hội xuất khẩu chính ngạch.

Một nông dân cho biết, việc Trung Quốc mở rộng tiêu thụ thanh long chính ngạch đã mở ra cơ hội cho nhà vườn. Đặc biệt, những hộ dân trồng theo mô hình VietGAP, GlobalGAP có cơ hội để phát triển sản phẩm ổn định.

Theo Chánh văn phòng Sở NN-PTNT Bình Thuận, người dân trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP trước đây luôn u sầu vì sản phẩm họ làm ra chỉ được giá ngang bằng với giá thanh long truyền thống. Ông cho hay: “Vì xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch nên thanh long truyền thống và VietGAP, GlobalGAP được thương lái thu mua chung chung với giá như nhau. Người trồng VietGAP, GlobalGAP không có cơ hội để tạo sự khác biệt nên nhiều người chán nản”.

Trung Quốc mở rộng tiêu thụ thanh long chính ngạch sẽ là cơ hội cho người làm VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Toản, người trồng thanh long ở xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, gia đình ông thực hiện mô hình VietGAP đã nhiều năm. Việc thực hiện sản xuất mô hình này đòi hỏi nhà vườn bỏ nhiều công sức, phải kỷ luật cao để đảm bảo đầy đủ các tiêu chí.

“Gần đến ngày thu hoạch, chúng tôi sợ nhất là nấm tắc kè và ốc sên hại trái vì không thể dùng thuốc để diệt trừ. Thiệt hại bao nhiêu cũng phải chịu vì mình tuân thủ quy trình VietGAP. Đối với những hộ dân trồng không theo mô hình này, họ có thể dùng thuốc để diệt trừ, bảo vệ được cây trái và tự nhiên trái cây của họ nhận được sự ưu ái của thương lái”, ông Toản tâm sự.

Cũng theo ông Toản, hiện nay, trước thông tin Trung Quốc tăng cường tiêu thụ chính ngạch thanh long, ông vui vì thấy sản phẩm mình làm ra bắt đầu có cơ hội xuất khẩu. Gia đình ông đã liên kết với một hợp tác xã dịch vụ và đăng ký thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc… để chuẩn bị cho thanh long đi chính ngạch.

Người dân trồng thanh long VietGAP ở Bình Thuận đã đăng ký thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc để sẵn sàng cho xuất khẩu.

Khi thị trường có sự thay đổi, những người trồng thanh long truyền thống cũng bắt đầu có xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất. Anh Bình, nông dân ở xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, gần 5 năm qua, gia đình anh vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống. Trái cây của gia đình anh chủ yếu được các thương lái trong vùng thu mua để xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Anh chia sẻ: “Họ chỉ yêu cầu trái cây to, đẹp và ít khi phàn nàn về các vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên có phần dễ làm. Bây giờ, thị trường có sự thay đổi thì gia đình tôi cũng phải thay đổi theo nếu không sẽ không bán được thanh long. Tôi dự kiến chuyển qua làm mô hình VietGAP trong năm tới”.

Ông Ngô Xuân Hiền, giám đốc một hợp tác xã thanh long ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ, ông vui vì cơ hội cho người làm mô hình VietGAP, GlobalGAP đang tăng lên. Hiện nay, nhiều người dân làm theo truyền thống bắt đầu tìm hiểu thông tin để chuyển qua làm thanh long chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều nhà vườn sản xuất truyền thống bắt đầu chuyển qua làm thanh long VietGAP để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Võ Tính, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH Một thành viên rau quả Bình Thuận cho biết, từ trước tới nay, thị trường Trung Quốc thả lỏng nên người trồng thanh long cứ sản xuất theo truyền thống. Bây giờ, nếu người dân không thay đổi, không đi trước trong việc làm hàng chất lượng cao thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Người làm thanh long cần phải đi vào quy trình VietGAP và thực hiện đăng ký mã vùng trồng… Thực ra, nếu người dân chịu làm thì các quy trình của VietGAP không quá khó đối với họ. Một khi đã làm được hàng sạch thì không sợ bị bắt ép”, ông Tính nhận định.  

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 29,5 nghìn ha cây thanh long, năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Tổng sản lượng hàng năm ước khoảng 600-700 nghìn tấn.

Từ trước đến nay, 95% thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng có đến 90% xuất theo tiểu ngạch, 5% còn lại là xuất chính ngạch bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng tổ chức xuất khẩu thanh long qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… nhưng con số này không đáng kể.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.