| Hotline: 0983.970.780

Về vựa quả 'rồng lửa' người Trung Quốc ưa chuộng: [Bài 2] Không khó để thay đổi

Thứ Tư 02/10/2019 , 08:32 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, trái thanh long ở nước ta đang tồn tại một số vấn đề cần được quan tâm khắc phục để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi thị trường lớn nhất của trái thanh long Việt Nam là Trung Quốc đang đưa ra nhiều yêu cầu chặt chẽ.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri)

Thanh long là cây mới được phát triển mạnh đặc biệt ở các nước châu Á. Gần đây phong trào sản xuất thanh long lan rộng ở 20 nước trên thế giới.

17-01-13_ong_nguyen_hong_son_vien_truong_vien_cy_n_qu_mien_nm_sofri
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.

Trong gần chục năm qua, diện tích và sản lượng thanh long ở Việt Nam cũng tăng lên rất nhanh, từ 15.000ha (năm 2010) đến nay đã phát triển lên 48.500ha, với sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Trong cây ăn trái, thanh long vẫn là loại cây có nhiều tiềm năng với các nước vùng nhiệt đới và thanh long được xếp vào 5 loại trái cây được xuất khẩu nhiều vào thị trường Trung Quốc.

17-01-13_2
17-01-13_3
Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thủy.

Từ năm 2018, Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát nhập khẩu theo con đường chính ngạch và đặt hàng rào kỹ thuật về chất lượng, nhất là VSATTP ngày càng khắt khe hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là bước cản trở rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long cũng như nhiều loại trái cây khác, nhưng tôi cho rằng đây là cơ hội để người dân chuyển biến nhận thức trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thực tế, người nông dân đang có sự thay đổi rất lớn trong khâu tổ chức sản xuất, như hình thành các liên kết, HTX, từng bước đăng ký để được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, diện tích đăng ký cũng ngày càng tăng.

Yêu cầu của thị trường Trung Quốc buộc người nông dân và các doanh nghiệp của ta phải thay đổi tư duy, nhận thức để có những bước tiến vững chắc hơn, không chỉ vào thị trường Trung Quốc mà với cả các nước khó tính khác.

Diện tích thanh long của ta đang tăng rất nhanh và loại cây này cũng có vị trí rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân, với nguồn ngoại tệ xuất khẩu 1,13 tỷ USD (năm 2018).

Tuy nhiên, ngành sản xuất và công nghiệp chế biến thanh long của ta còn rất non trẻ, chỉ mới phát triển trong những năm gần đây. Do vậy, còn nhiều hạn chế trong việc sản xuất cũng như thương mại thanh long ở Việt Nam. Trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến là khâu canh tác thanh long chưa có được kỹ thuật tiên tiến. Thứ 2 là do đặc thù của nền sản xuất nhỏ, quy mô còn manh mún cho nên việc phát triển liên kết sản xuất, đặc biệt liên kết theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế, gây rủi ro cao cho người nông dân.

17-01-13_1
HTX Thanh long Tầm Vu chuẩn bị nguồn thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thủy.

Với vai trò của viện nghiên cứu cây ăn quả đầu ngành, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu để giúp nông dân có được quy trình kỹ thuật sản xuất tốt, đặc biệt là quản lý dịch hại, tạo ra những giống thanh long chất lượng cao nhằm cải thiện chất lượng thanh long Việt Nam, mở rộng thêm được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc. Đồng thời, Viện cũng đẩy mạnh hướng nghiên cứu kỹ thuật chế biến, giúp nông dân hạn chế được những rủi ro rớt giá khi vào thời điểm thu hoạch rộ.
 

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam, trước kia có tới 90% sản lượng thanh long được xuất khẩu qua thị trường này, nhưng đến nay đã giảm xuống chỉ còn 70% vì Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm dịch các mặt hàng nhập khẩu, bắt buộc phải có chứng nhận ATTP, truy xuất nguồn gốc.

17-01-13_tsvo_mi_pho_chu_tich_hiep_hoi_lm_vuon_viet_nm
TS. Võ Mai.

Hơn nữa, đến nay Trung Quốc cũng đã trồng được thanh long nên đó chính là thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải xem đây là cơ hội để cho ngành thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cải tiến trong hoạt động kinh doanh. Nếu cứ thói quen buôn bán lẻ hàng hóa mà không tổ chức liên kết thành các HTX, các doanh nghiệp lớn kinh doanh thì sẽ thua.

17-01-13_4
Chuyên gia New Zealand giới thiệu mô hình thanh long ứng dụng giàn chữ T. Ảnh: Hồng Thủy.

Thực tế hiện nay, có hiện tượng, Thái Lan mua trái thanh long của Việt Nam để xử lý sau thu hoạch và đóng gói đúng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc nên họ xuất được dễ dàng. Còn công nghệ sau thu hoạch của ta còn rất kém, đóng gói, bảo quản chưa đạt tỉ lệ hư hao lớn, mẫu mã trái không đẹp, do vậy ta không cải tiến ngay sẽ bị “thua trên sân nhà”. Do vậy, cần phải thay đổi không chỉ ở khâu kỹ thuật trồng mà còn phải chú trọng đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến... Hiện nay, việc thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP là quan trọng nhất không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
 

Phan Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ Thực vật

17-01-13_b_phn_thi_thu_hien_-_gim_doc_trung_tm_kiem_dich_thuc_vt_su_nhp_khu_ii
Bà Phan Thị Thu Hiền.

Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bảo đảm các yêu cầu như: sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học thay vì lạm dụng phân, thuốc hóa học. Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung và xin cấp mã số phải trồng duy nhất một loại giống cây ăn quả. Đồng thời, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để bảo đảm việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.

Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có một quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Trong đó, yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại...).

Bên cạnh đó, phải có một khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nylon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng. Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) bảo đảm không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng...

17-01-13_5
Kho hàng chờ xuất qua thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thủy.

Có thể thấy, việc cấp mã vùng trồng là hồ sơ hàng hóa rất cần thiết, có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần, đây cũng yêu cầu cần thiết để thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Qua đó bảo đảm sự an toàn của trái cây trước thu hoạch, từng bước để nông sản Việt Nam bước chân vào các thị trường khó tính.
 

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

17-01-13_ong_nguyen_thnh_tung_pho_cuc_truong_cuc_trong_trot
Ông Lê Thanh Tùng.

Giải pháp tốt nhất đối với thị trường Trung Quốc là phải rà soát quy hoạch thanh long, không phát triển tràn lan và quản lý chỉ đạo sản xuất phù hợp; đồng thời, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây các quy định của Trung Quốc; khuyến cáo doanh nghiệp thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế đối với các đối tác của Trung Quốc nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.