| Hotline: 0983.970.780

Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao

Thứ Sáu 16/10/2020 , 13:08 (GMT+7)

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên nền tảng mũi nhọn kinh tế tri thức, hợp tác phát triển.

Ngày làm việc thứ hai Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngày làm việc thứ hai Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sáng 16/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 bước vào ngày làm việc thứ hai với 442/444 đại biểu tham dự.

Hạt nhân cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nhiều tham luận về các lĩnh vực trọng tâm được các đại biểu trình bày, trong đó nổi bật là đề án xây dựng thành phố phía Đông, phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế tri thức, phát triển văn hóa thể thao…

Trình bày tham luận tại Đại hội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã phân tính phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035, đặc biệt là đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố”. Đây là một trong những đề án được lãnh đạo và người dân Thành phố kỳ vọng.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã trình bày báo cáo tham luận 'Phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035'.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã trình bày báo cáo tham luận "Phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035".

Khu vực phía Đông thành phố bao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hơn 1 triệu người. Khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của thành phố với vị trí địa lý trung tâm miền Đông Nam bộ cùng hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận.

Theo người đứng đầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, việc hình thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố với cơ sở hạ tầng thuận lợi, nhiều ưu thế được kỳ vọng thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả.

Đồng thời, mở rộng gắn kết liên ngành, tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo, thương mại hóa các ý tưởng mới, hỗ trợ các nền kinh tế của vùng đô thị bằng cách tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và đầu tư trong cả lĩnh vực mới lẫn truyền thống.

Bên cạnh đó, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố còn phát huy nguồn nhân lực lao động chất lượng cao so với mặt bằng cả nước, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của thành phố.

Dự báo, trong giai đoạn 1 (2020 - 2025), Khu phía Đông thành phố sẽ tạo 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia; Giai đoạn 2 (2025 - 2030) tạo ra 50.000 việc làm và giai đoạn 3 (2030 - 2040), tạo ra 150.000 việc làm.

Trong khi đó, dân số cư trú tại Khu phía Đông thành phố sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030; năm 2040 đạt 1,9 triệu người và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Khi đó, giao thông công cộng cần đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4-6km. Và đến năm 2040, phải đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũng cho biết, 10% diện tích Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa); và 1.000 - 1.200 ha đất công nghiệp sẽ được bố trí trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.

 “Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thành phố và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển. Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, TP.HCM sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển và môi trường thiên nhiên. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quản lý nhà nước hướng đến thành lập Thành phố phía Đông”, ông Nguyễn Thanh Nhã nói.

Tuy nhiên, ông Nhã nhìn nhận, khu vực phía Đông Thành phố cũng còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn như quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi. Giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối giao thông.

Tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ.

Các dự án lớn về giao thông trong khu vực như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3 hiện đang chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai theo kế hoạch do những khó khăn chung liên quan đến nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng.

Tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực, nặng nhất là thuộc quận Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức - là một trong những đề án được lãnh đạo và người dân Thành phố kỳ vọng. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Thành phố Thủ Đức - là một trong những đề án được lãnh đạo và người dân Thành phố kỳ vọng. Ảnh: Phạm Nguyễn.

8 khu trung tâm đổi mới sáng tạo

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng và nghiên cứu các mô hình đô thị sáng tạo trên thế giới, Đề án đã xác định các mục tiêu và một số chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch đô thị đối với Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố. Trong đó, xác định 8 trung tâm đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính, đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ven mặt nước trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố. Các kết nối giao thông công cộng quan trọng sẽ giúp tích hợp Thủ Thiêm vào một mạng lưới lớn hơn, mang lại cơ hội về dòng tiền cũng như những ý tưởng mới.

Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ này tại Đông Nam Á.

Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học, nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá.

Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục, mở rộng khả năng nghiên cứu, sáng tạo thông qua việc tăng sự hợp tác và cọ xát với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau... Cần tạo ra khu vực Đại học Quốc gia là đô thị đại học với hoạt động giao lưu trao đổi ý tưởng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất, đồng thời, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và phương pháp mới.

Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái, tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực phía Đông Quận 9 để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực….

Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai, với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật, Khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới, công nghệ xây dựng có khả năng chuyển đổi và một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật và giải trí.

Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái, tiếp tục phát huy thế mạnh của Cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ Cảng để hoạt động hiệu quả hơn.

Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam, tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố là một chiến lược phát triển có tầm nhìn 20 năm, được phân chia thành 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 (2020 - 2022), ban hành kế hoạch, khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Thu hút các công ty đầu tàu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy lực lượng lao động hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành kinh tế sáng tạo.

Giai đoạn 2 (2022 - 2030), xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị.

Giai đoạn 3 (2030 - 2040), quảng bá dự án quy mô quốc tế. Thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu. Ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sáng tạo.

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ lật ghe trên sông Ba: Đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng

Cơ quan chức năng đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng trong vụ lật ghe trên sông Ba, tỉnh Phú Yên.