| Hotline: 0983.970.780

Thành quả ngọt từ cây ớt cay

Thứ Năm 08/02/2018 , 13:30 (GMT+7)

Mặc dù là năm đầu tiên tiến hành trồng ớt chỉ thiên trong vụ đông nhưng những kết quả bước đầu đã được cán bộ và nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đánh giá cao...

Nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất cũng như đa dạng hóa cây trồng vụ đông, năm 2017 huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã xây dựng mô hình sản xuất ớt cay chỉ thiên xuất khẩu với quy mô 18ha tại 7 xã: Đức Tùng, Đức Châu, Đức La, Bùi Xá, Đức Lạc, Đức Hòa và Đức Dũng.

otchithien-hi-yen-qngi100932604
Ớt chỉ thiên cho năng suất cao

Mặc dù là năm đầu tiên tiến hành trồng ớt chỉ thiên trong vụ đông nhưng những kết quả bước đầu đã được cán bộ và nông dân đánh giá cao, kỳ vọng sẽ thu được hiệu quả kinh tế hơn so với những cây rau màu truyền thống trước đây. Đặc biệt các xã Đức La, Bùi Xá, Đức Tùng... cây phát triển tốt, nhiều quả, có thể thu được 10 - 12 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí.

Về thăm xã Đức La vào những cuối đông, khi không khí giá lạnh vẫn đang bao trùm khắp nơi thì bà con vẫn chăm chỉ ra đồng chăm sóc cho cây ớt đã bắt đầu vào giai đoạn cho quả. Nhìn những chùm hoa trắng nhỏ xinh xen lẫn quả ớt còn xanh bé xíu, chúng tôi khấp khởi hy vọng về một mùa bội thu.

Chủ hộ Nguyễn Xuân Hòa, thôn Đông Đoài phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi mạnh dạn trồng gần 2 sào ớt chỉ thiên. Được tham gia tập huấn cộng với sự hướng dẫn tận tình, sâu sát của cán bộ, tôi đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng ớt. Đến thời điểm này ớt ra hoa nhiều, sai quả, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao”.

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch xã Đức La, nhớ lại: “Đầu năm 2017, khi huyện định hướng sẽ đưa cây ớt vào sản xuất vụ đông tại địa phương chúng tôi đã rất lo lắng. Mặc dù ớt không phải là cây trồng mới nhưng sản xuất trên diện tích lớn thì chưa ai dám làm.

Tuy nhiên sau khi được huyện Đức Thọ tổ chức cho lãnh đạo và một số hộ dân của 7 xã đi tham quan mô hình trồng ớt ở Thanh Hóa thì chúng tôi thêm quyết tâm để sản xuất thành công cây trồng này. Riêng xã Đức La đã sản xuất cây ớt với diện tích 2,5ha, tập trung ở thôn Đông Đoài đều phát triển tốt”.

Chị Nguyễn Thị Bình nhận ươm cây ớt giống cho xã chia sẻ: “Gia đình tôi được xã tin tưởng thuê ươm cây giống cho bà con. Chúng tôi làm đất kỹ, lên luống, bón phân và tiến hành gieo vãi đều hạt. Luống ươm hạt được che chắn nilong cẩn thẩn, bảo vệ cây con khỏi thời tiết khắc nghiệt mùa đông. Do đó cây con tương đối khỏe, sau 30 ngày ươm, cây đạt 10 - 15 cm… thì phân phát cho bà con mang về trồng”.

Chị Phạm Thị Như Quỳnh - cán bộ Nông nghiệp xã Đức La cho biết: “Mô hình này nhận được sự hỗ trợ của huyện 50%, xã 50% kinh phí mua hạt giống, thuê đất, thuê nhân công ươm cây giống tập trung. Bên cạnh đó huyện, xã cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, chỉ đạo bà con sản xuất. Đặc biệt mô hình có sự liên kết với Cty Cổ phần nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông lâm sản Thanh Hóa cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân”.

Cũng theo chị Quỳnh, ớt là cây dễ trồng, có khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Sau khi trồng khoảng 2 tháng thì ra hoa, đến tháng 3 thì thu được lứa quả đầu tiên. Trong chăm sóc ớt, chú ý bón phân thúc 3 lần lúc cây hồi xanh, trước lúc ra hoa và thu quả lứa đầu. Dùng phân đạm pha loãng để tưới cho cây. Có điều kiện bón thêm nước phân chuồng ủ mục pha loãng. Quan trọng là tưới nước đủ ẩm sau khi trồng suốt thời gian sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh như: sâu khoang, bệnh thán thư...

Hiện nay tại xã Đức La, cũng như 6 xã khác của huyện Đức Thọ, cây ớt đang cho lứa quả đầu tiên. Dự kiến đạt năng suất 0,9 - 1 tấn/sào. Với giá bán trung bình 10.000 – 12.000đ/kg, lại có công ty thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra, bà con xã Đức La kỳ vọng sẽ thu về gần 200 triệu đồng mỗi ha.

Ngoài xã Đức La, chúng tôi đi thăm thêm các xã khác như Bùi Xá, Đức Hòa… Nơi đâu cũng thấy bà con vui vẻ, phấn khởi chăm sóc diện tích ớt của mình. Ai cũng tin vào tương lai cây ớt sẽ là cây giúp người dân phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.

 

(Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh)

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.