| Hotline: 0983.970.780

Thanh trà Trà Khân

Thứ Hai 15/07/2013 , 10:04 (GMT+7)

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, toàn huyện có trên 10.000 gốc thanh trà đang cho quả...

Có dịp về huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam chúng tôi mới vỡ lẽ một điều, cây bưởi thanh trà không chỉ có ở ven sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu của tỉnh Thừa Thiên - Huế mà nơi đây cũng trồng được loại quả quý này cách đây cả trăm năm.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Tiên Phước, toàn huyện có trên 10.000 gốc thanh trà đang cho quả, tập trung nhiều nhất ở các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên Cảnh, Tiên Lộc… đặc biệt là ở thôn Trà Khân, xã Tiên Hiệp nơi phát tích loại quả này.


Thanh trà Trà Khân vào vụ thu hoạch

Ông Đặng Văn Quang, người nhiều năm gắn bó với cây thanh trà Trà Khân cho biết: Khoảng những năm đầu thế kỷ 19, trong một dịp về kinh đô Huế, cụ Huỳnh Duân, một chức sắc của địa phương đã mang về quê mấy nhánh chiết bưởi thanh trà để trồng thử.

 Không ngờ khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Trà Khân lại hợp với loại cây mới này nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ 3 năm là cho lứa quả đầu tiên, ăn ngon chẳng kém thanh trà Huế.

Từ đó bà con trong thôn chiết nhánh nhân rộng ra cả vùng. Mặc dù cũng là giống bưởi nhưng người dân nơi đây vẫn gọi thanh trà như người dân xứ Huế để ghi nhớ công lao của cụ Huỳnh Duân.

Quả thanh trà Trà Khân có hình dáng đẹp, trông như giọt nước. Khi chín có màu vàng, quả to chừng một ký, quả nhỏ bảy, tám lạng, có vị ngọt thanh, ráo, tép màu trắng ngà, có thể để lâu trên 1 tháng mà chất lượng không hề suy giảm.

Thanh trà dễ trồng, ít bị sâu bệnh hại, ít bị mất mùa như nhiều cây ăn quả khác, cho hiệu quả kinh tế khá cao nếu được đầu tư đầy đủ và chăm sóc tốt. Năm thứ 10 - 15 tuổi mỗi cây cho 350 - 400 quả, có thể thu hàng chục năm mới phải trồng lại.

Theo kết quả phân tích của các nhà khoa học, trong quả bưởi thanh trà Trà Khân có chứa tới 90% là dịch quả, 40 - 52 mg/100g vitamin C, 0,4% chất xơ, 0,6% axit hữu cơ, 0,67% protein. Cơm thanh trà ngọt, mát, bổ dưỡng, kiện tỳ, trị ho, giải rượu, giúp phòng chống bệnh tiểu đường và cao huyết áp rất tốt.

Quả thanh trà Trà Khân có thể ăn tươi, chế biến thành nhiều món ăn xứ Quảng như gỏi thanh trà trộn thịt, trộn tôm, trộn mực, trộn ong non bò vẽ, nhộng tằm vừa ngon vừa bổ mà dân nhậu rất ưa thích.

UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở KH-CN phối hợp với các tổ chức: Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tầm nhìn thế giới, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, UBND huyện Tiên Phước tiến hành điều tra, nghiên cứu, tuyển chọn giống cây đầu dòng, hỗ trợ kinh phí, chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và bảo quản thanh trà Trà Khân với mục tiêu khôi phục và nhân rộng.

Được xác định là cây mũi nhọn trong SXNN, ngoài diện tích trồng tập trung ở xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước có chủ trương mở rộng thêm diện tích ở 2 xã Tiên Ngọc và Tiên Lãnh.

Để thực hiện được chủ trương phát triển cây thanh trà, huyện Tiên Phước đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích thanh trà hiện có như cử cán bộ chuyên môn xuống giúp dân phòng trừ bệnh thối gốc xì mủ đang gây hại nặng các vườn cây nhiều tuổi, hỗ trợ kinh phí mua cây giống...

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.