| Hotline: 0983.970.780

Thành tựu vượt trội trong ngoại giao

Thứ Hai 01/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

'Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về trường phái ngoại giao 'cây tre Việt Nam'.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12. Ảnh: Quang Phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12. Ảnh: Quang Phúc.

Dấu ấn ngoại giao "cây tre Việt Nam"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

"Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đặc biệt, đến nhiệm kỳ khoá XIII, cụ thể là tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng hình tượng cây tre Việt Nam rất thân thuộc, rất giản dị nhưng phản ánh rất sinh động và khái quát nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Gốc vững - cũng là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời.

Thân chắc - là phương thức để tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung và thượng tôn pháp luật.

Cành uyển chuyển - là phong cách nghệ thuật ứng xử linh hoạt, trên nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến, là cách ứng xử biết mình, biết người, biết thời, biết thế, biết tiến, biết thoái và biết dừng, biết biến.

Ngành ngoại giao Việt Nam thời gian qua ghi nhiều dấu ấn với trường phái 'cây tre Việt Nam'. Ảnh: Quang Phúc.

Ngành ngoại giao Việt Nam thời gian qua ghi nhiều dấu ấn với trường phái "cây tre Việt Nam". Ảnh: Quang Phúc.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, có thể nói, hình tượng ngoại giao cây tre Việt Nam đã phản ánh súc tích, đầy đủ và sinh động bản sắc ngoại giao Việt Nam, không chỉ là kim chỉ nam cho các hoạt động đối ngoại và ngoại giao của nước ta mà còn có sức lan tỏa sâu rộng đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế.

Tháng 11/2023, cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam'" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra mắt và được đánh giá cao.

Những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về đối ngoại, hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm, từ sau Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ và yêu cầu đối với công tác đối ngoại nặng nề hơn trước. Tuy nhiên, có thể khẳng định, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, công tác đối ngoại và ngoại giao đã khẳng định rõ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, là một “điểm sáng” nổi bật trong thành tựu chung của đất nước.

Nhộn nhịp ngành ngoại giao

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại.

Cụ thể, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, nhờ đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của đất nước.

Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc cuối năm 2021 đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử.

Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023 như việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam. Đây là các sự kiện được đánh giá có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".

"Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/12. Ảnh: Nguyễn Hải.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/12. Ảnh: Nguyễn Hải.

Trong 2 ngày 12-13/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam với hàng loạt hoạt động để lại dấu ấn lịch sử cho quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai bên đều coi đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả lớn, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như đối với uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhất trí đánh giá quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển tích cực và toàn diện. Trên sơ sở quan hệ truyền thống hai Đảng, hai nước với phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, cũng như sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nhất trí tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm chính là việc hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương.

Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Chia sẻ với báo giới sau hội đàm cùng Tổng thống Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10/9. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10/9. Ảnh: Tùng Đinh.

Những chuyến công du thành công, nhiều ý nghĩa

Cũng trong quý IV năm 2023, vào ngày 27/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thống nhất cùng ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước. Diễn ra vào thời điểm hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm là điểm nhấn nổi bật và quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm giữa hai nước trong suốt năm 2023.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN.

Gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15-18/12/2023 với thông điệp và định hướng nhất quán, quan trọng "từ trái tim đến trái tim", "từ hành động đến hành động", "từ cảm xúc đến hiệu quả".

Đây là chuyến công tác quan trọng, nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cả bình diện đa phương và song phương, trong bối cảnh khá đặc biệt: Việt Nam - Nhật Bản vừa nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới" nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11 vừa qua.

Đồng thời, ASEAN - Nhật Bản cũng chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia vào tháng 9/2023; cả Việt Nam và ASEAN đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào năm 1973 - cách đây đúng nửa thế kỷ.

Với khoảng 40 hoạt động trong 4 ngày, chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt những kết quả vừa mang tính chiến lược, dài hạn, vừa rất cụ thể và hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN.

Với những quốc gia có quan hệ đặc biệt với Việt Nam như Cuba, Lào, năm nay Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng có những chuyến thăm mang ý nghĩa to lớn.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày từ 18-23/4/2023.

Đây là dấu mốc quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương đoàn kết anh em Việt Nam - Cuba, đặc biệt nhân dịp đảo quốc Caribe kỷ niệm 62 năm Ngày chiến thắng Bãi biển Giron và Tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cách mạng Cuba (tháng 4/1961), 70 năm cuộc tấn công trại lính Moncada (tháng 7/1953) và hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (tháng 9/1963), 50 năm lãnh tụ Fidel Castro lần đầu thăm Việt Nam và tới Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 9/1973).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa Cuba Esteban Lazo Hernandez tại lễ đón. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa Cuba Esteban Lazo Hernandez tại lễ đón. Ảnh: TTXVN.

Đầu tháng 12 vừa qua, chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Lào đã đạt kết quả rất toàn diện và thực chất. Phía Lào dành cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và thắm tình hữu nghị anh em.

Chuyến thăm tiếp tục khẳng định Việt Nam trước sau như một, luôn dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ truyền thống đặc biệt “có một không hai” với Lào, luôn sát cánh và ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc bảo vệ, xây dựng, đổi mới và phát triển của Lào.

Hai bên trao đổi tin cậy nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai quốc hội nói riêng; giúp triển khai tốt các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Lãnh đạo cấp cao Lào chủ động trao đổi thực chất, cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong một số dự án trọng điểm; mong muốn tìm giải pháp tháo gỡ, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong quan hệ hợp tác kinh tế.

Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Lào nhằm chuẩn bị một bước cho kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 46 và các hoạt động đối ngoại cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới.

Vị thế và uy tín được nâng cao

Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.

Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Diễn đàn cấp cao Vành đai và con đường...

Đồng thời, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột.

Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Những kết quả này cũng khẳng định bản sắc rất độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng của nhân loại.

Xem thêm
Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.