| Hotline: 0983.970.780

Thắp lên một màu quê

Thứ Sáu 01/09/2023 , 06:37 (GMT+7)

Để có những bếp ga, bếp điện mà người nhà quê xứ ta đánh mất đi hương ấm nồng nàn củi lửa trong bếp nhà mình thì cầm bằng khứa một vết thương chơi vơi trong tâm hồn.

Nét yên bình làng quê.

Nét yên bình làng quê.

Bố tôi hy sinh ở chiến trường miền Nam hồi chống Mỹ. Tôi chưa dám hỏi thường ngày mẹ nhớ bố nhất vào lúc nào, nhớ bao lần. Một lần hay trăm ngàn lần nhớ nhung trong cõi tình chung thủy thực không thể lập số để phân chia. Còn niềm nhớ nhung nhất trong lòng người, mẹ không nói ra nhưng tôi biết, hẳn là lúc mẹ ngồi chăm lửa thổi cơm cho gia đình quây quần mỗi bữa. Mỗi khi chiều buông, trong mùi hương gây nhớ của làn khói bếp, của hương thơm cảnh đoàn viên mà lỡ nhà nào đó có người thân đi xa không về hoặc không thể về được nữa, thì cái làn khói bếp kia, cái mùi hương gây nhớ kia sẽ trở nên một day dứt, một ám ảnh vô cùng.

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Lời yêu thương ta thán ấy sao lại cũng xuất hiện trong buổi chiều? Có sự can thiệp tác thành của làn khói bếp mà các mẹ ta châm lên khoảng không gian dài nhớ rộng thương đó không? Hẳn là có đấy. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”, câu Đường thi nạm chữ vào lòng dạ cố hương cũng có gốc sinh ra từ làn khói.

Người con gái phải xa quê đi lấy chồng, người con trai thì phải xa quê đi mưu cầu công danh sự nghiệp, xưa cũng như nay, ai chẳng canh cánh bên lòng nỗi nhớ nhung quê mẹ. Trên đường chiều khi mắt đã bắt vào làn khói trắng rất mỏng giăng lên trên mái nhà quê thì chân dồn chân, ai cũng mong bước chạm ngõ nhà trước khi chiều tắt ánh. Người ở nhà giữ lửa châm khói mong ngóng từng tiếng bước chân quen trên mặt ngõ, để cùng nhau hưởng bữa cơm ngon. Và còn khắc khoải mong ngóng bằng năm bằng mười nếu như sự xa cách người thân trong ngày non sông tao loạn.

Tuổi ấu thơ đời tôi cùng gia đình mình thấm thía niềm nhớ thương người bố nơi chiến trận. Ngày ấy, khi chiều buông, dời tay liềm tay hái từ đồng về là bà nội lại âm thầm giấu lòng vào với những sàng sẩy nong nia thóc gạo. Mẹ tôi thì ẩn nhẫn nén lòng nhen lửa bếp, giữ nhịp sống cho gia đình cùng những đứa con thơ.

Bây giờ, khi viết những dòng ký ức này tôi đã sống xa làng. Do hoàn cảnh riêng tôi ít được thăm quê thăm mẹ nên mỗi khi chiều buông lòng hay buồn nhớ. Như buổi chiều vừa trôi qua, tôi đang sống trong nỗi lòng nhung nhớ ấy. Nỗi lòng in trên sắc mặt. Anh bạn bác sỹ, người đang hàng ngày điều trị bệnh cho tôi thấy vậy hỏi, chú có gì nghĩ ngợi đấy? Tôi gượng cười thưa, em nhớ nhà. Thèm nhìn thấy cái làn khói bếp mỏng manh, cái mùi âm ấm nồng nồng và ngàn ngạt. Cái tình với đất đai thôn ổ, với rạ rơm củi lửa đã ăn sâu vào tuổi đời em rồi…

Nghe vậy vẻ mặt anh bác sỹ chợt cũng bần thần. Anh cũng là người mang gốc gác nhà quê. Anh bác sỹ bảo, lâu lắm rồi, mình chỉ quen với bếp ga bếp điện. Chiều xuống cũng thấy lòng trống vắng. Trống vắng cái gì thì chưa gọi thành tên. Lẽ nào lại từ cái làn khói bếp châm lên từ rạ rơm củi lửa ấy? Tôi bảo, có lẽ lắm, anh ạ. Cái làn khói bếp ấy là một nơi cho ký ức lớp tuổi anh em mình và của người quê kiểng ngàn xưa điểm cư trú đấy. Nó thật mỏng mảnh và cũng thật chắc bền. Bởi nó được xe bện, giăng mắc từ cảnh thanh bình, hạnh phúc.

Anh bác sỹ thì thầm đọc câu thơ của một nhà thơ chiến sỹ, viết thời chống Mỹ: “Khi con thưa với mẹ/ mưa bay mờ đồng ta/ ngày mai con đi/ khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ…” Rồi anh hỏi tôi, là nhà thơ, chú có viết về làn khói bếp không? Tôi thưa rằng có. Viết những vài ba bài cơ. Song cái khoảng “ngưng”, tạo quãng lặng thời gian của câu thơ trên thì thơ nay không tạo ra được. Bởi từ cái làn “khói bếp mẹ con mình” đã gợi ra thứ khói tàn khốc ám vào, đè trĩu lên cái làn khói bếp gia đình, là khói lửa đạn bom. Còn làn khói bếp trong thơ em mang sắc bình yên, bình dị vĩnh hằng nếp sống nơi thôn dã.

“Chiều chiều mẹ trồng ngọn khói/ thu trời bé lại phương con/ trong mùi cơm thơm phưng phức/ cõi trần thắm một màu son” và “Trong mong manh làn khói bếp/ thời gian lẫm chẫm đi về”. Nghe, anh bác sỹ tỏ ý ưng những chữ tạo hình của khúc thơ ấy và anh hỏi tôi viết bài thơ này khi nhà mới dinh lên thành phố, khi đã sắm bếp ga? Tôi lại thưa, em viết bài “Chiều chiều” khi chưa có nhà riêng ở thành phố, còn đi ở trọ. Một chiều nhìn lên các mái nhà tịnh không thấy tí tẹo làn khói bếp nào. Mà thành phố Thái Bình còn là nơi phố giáp với làng, làng trong phố.

Vậy những làn khói châm lên từ củi lửa đi đâu? Lại giật mình nghĩ ngợi. Rơm rạ nhà quê bây giờ phần nhiều dùng để đốt ngoài đồng rồi. Bếp ga, bếp than kiểu mới, đốt không có khói, cũng đã dần trở nên phổ biến rồi. Trong buổi chiều đông ấy một cảm giác thật thương thật tiếc dâng lên tràn ngập.

Trước ngõ nhà mới của tôi có một con sông, mang cái tên rất Tây – sông Pari. Tên gọi thì xa lạ nhưng cảnh sắc ven sông, màu nước và phương thức lao động của ngư dân thì vẫn cũ. Lác đác những con thuyền nhỏ xíu và rách nát chăng lưới bắt cá dập dềnh trôi nhẹ. Tôi rất có cảm tình với cách chèo thuyền bằng hai chân của một anh ngư phủ. Tôi thường ra bờ sông lúc chiều buông ngắm cảnh phố phường vào đêm và chờ thuyền anh ta về buông lưới. Và một lần mải dõi theo bóng thuyền đang khuất dần về cuối dòng, thì tôi gặp nơi cuối sông một mảnh trăng liềm sáng trắng.

Ngẩng đầu nhìn về phía trời đằng Đông, mới hay mảnh trăng chiều đã nhô tới đỉnh cây cột điện bên kia sông. Cây cột điện có ngọn cao áp ánh vàng lúc ấy còn ngủ im lìm chưa thức ánh. "Cúi đầu nhớ cố hương…" Một tiếng gõ mơ hồ trong đáy lòng, ý chừng muốn nhắc nhớ rằng, liệu hồn, anh sắp thành kẻ vong thân, kẻ mất quê đến nơi rồi. "Trăng mang bóng quê nhà vào cuối sóng…" Không kìm được tôi chợt thốt lên câu nói thơ ấy. Cuối trời chiều đó sao mà khói lam nhiều đến thế. Những cồn khói cứ giăng thành giăng lũy trước con mắt tha hương. “Khói trắng dâng hồn quê kiểng ngang trời”, lời tôi hay lời ai xưa vọng lại…

Sự đổi mới tiện nghi sinh hoạt theo bước phát triển khoa học kỹ thuật, đương nhiên là một tin mừng, là cần thiết. Nhưng để có những bếp ga, bếp điện mà người nhà quê xứ ta đánh mất đi hương ấm nồng nàn củi lửa trong bếp nhà mình thì cầm bằng khứa một vết thương chơi vơi trong tâm hồn đó.

Ôi cái làn khói bếp như biết vấn, biết bện tình người vào với đất đai thôn ổ!

Ôi cái làn khói bếp mang mùi hương rơm rạ, đã hằng đời tồn tại như một nét hồn quê, như một thông điệp gửi tới bốn phương, tới trời cao xanh rằng: Đây là làng quê Việt Nam. Đây một hệ thời gian riêng biệt mang tín hiệu về sự đầm ấm, an bình, hạnh phúc của những gia đình Việt Nam khi sớm lúc chiều!

Ôi cái làn khói bếp mang màu sắc nhìn gần thấy trắng, trông xa thấy xanh mờ. Ấy là màu quê mẹ ta thắp cho trời làm một mốc giới, cho đàn con Việt vẫn biết rằng: Chốn quê này có mẹ!

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.