| Hotline: 0983.970.780

Thắt chặt giám sát, phát hiện sớm sự lưu hành virus Dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 08/03/2019 , 08:45 (GMT+7)

Đối phó với dịch tả lợn Châu Phi sẽ vất vả hơn nhiều so với các dịch bệnh khác trước đây. Bởi virus DTLCP hiện vẫn chưa có vacxin tiêm phòng để bao vây dịch. Tuy nhiên, không phải là không có cách khống chế. 

TS Nguyễn Viết Không, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y cho rằng: Muốn ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), không chỉ phải triệt để khoanh dịch, cô lập ổ dịch, mà còn phải đặc biệt tăng cường điều tra dịch tễ, phát hiện sự lưu hành của virus nhằm sớm tiêu diệt, ngăn chặn virus lây lan ngay từ đầu.

16-20-19_dscf1406
TS Nguyễn Viết Không, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y

DTLCP đang tiếp tục lây lan ra diện rộng. Theo ông, giải pháp nào để công tác phòng chống dịch có hiệu quả hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch không tiếp tục diễn biến phức tạp?

Phải khẳng định, đối phó với DTLCP sẽ vất vả hơn nhiều so với các dịch bệnh khác trước đây. Bởi virus DTLCP hiện vẫn chưa có vacxin tiêm phòng để bao vây dịch. Tuy nhiên, không phải là không có cách khống chế.

Kinh nghiệm trong phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm trước đây như LMLM, cúm gia cầm, tai xanh cho thấy, muốn khống chế được dịch thì trước hết phải phát hiện thật nhanh ổ dịch ngay từ khi mới bùng phát và áp dụng các giải pháp nghiêm ngặt nhằm khoanh dịch, cô lập ổ dịch. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy đến nay, họ đã phải tiêu hủy hơn 1 triệu lợn bệnh, và họ cũng đã khống chế được dịch. Trước mắt, chúng ta không còn cách nào khác là cứ nổ ra dịch ở đâu thì phải xử lí, cô lập triệt để ở đó, sau mới mới tính đến giám sát, khống chế lâu dài.

Sự nguy hiểm của virus DTLCP so với các dịch bệnh khác ở chỗ, nếu như dịch tai xanh, LMLM, cúm gia cầm, ARN của virus chỉ một thời gian là sẽ bị phân hủy, trong khi đó AND của virus DTLCP rất bền, nên có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường. Vì vậy, lưu ý lớn nhất khi áp dụng các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh DTLCP, phải áp dụng biện pháp tiêu hủy triệt để hơn. Thậm chí, cần phải tính đến cả các biện pháp như hấp, sấy lợn bị bệnh, trước khi tiêu hủy bằng biện pháp truyền thống là chôn hố theo quy trình. Đồng thời, sau tiêu hủy và cách li ổ dịch, vẫn phải tái giám sát môi trường các ổ dịch, xem sau một thời gian nhất định thì nguồn virus đã được tiêu diệt triệt để chưa, hay vẫn còn lưu hành ở đó.

Bên cạnh đó, không chỉ quản lí giám sát ở các điểm tiêu hủy, mà còn phải quản lí được một cách tổng thể về môi trường, đảm bảo nguyên tắc cách li để nguồn virus tại các ổ dịch không có điều kiện lây lan đi nơi khác, ví dụ như kiểm soát, khử trùng triệt để các phương tiện, con người ra vào ổ dịch, không mang ra – vào các ổ dịch các vật phẩm có nguy cơ lây nhiễm nguồn virus để ổ dịch không lây lan hoặc tái nhiễm...

Hiện nay, dịch vẫn đang trong giai đoạn lan rộng, vì vậy muốn ngăn dịch không lây lan, thì không chỉ có biện pháp khoanh vùng ổ dịch, mà còn phải thắt chặt các biện pháp dịch tễ để giám sát sự lưu hành của virus trong môi trường. Hiện nay, ngành thú y đã có kinh nghiệm về các phương án và hình thức giám sát sự lưu hành của virus. Vì vậy, kể cả khi chưa phát hiện ổ dịch, mà phát hiện sự lưu hành virus trong môi trường với mức độ nhất định nào đó thì vẫn phải triển khai nghiêm ngặt các biện pháp để tiêu diệt, cô lập và ngăn chặn sự lây lan của virus (ví dụ tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng với mức độ cao tại vùng đã phát hiện sự lưu hành của virus). Có thể nói, đây là biện pháp ngăn chặn sớm sự lây lan virus, ngay trước khi để nó lây nhiễm sang đàn lợn.

Ông có thể cảnh báo virus DTLCP sẽ lây lan nhanh trong điều kiện nào? Sắp tới, thời tiết sẽ chuyển ấm dần, liệu có hạn chế được sự lây lan của dịch?

Đặc tính, cơ chế lây lan, tồn tại của virus DTLCP không khác so với virus dịch tả lợn thông thường, nhưng chỉ khác là sức kháng của virus này rất cao. Trong điều kiện một quốc gia nhiệt đới ẩm, với nền nhiệt độ và độ ẩm như Việt Nam, về cơ bản thì virus này đều có điều kiện thích hợp để phát triển và lây lan luôn thường trực quanh năm. Tuy nhiên, virus không có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển ở độ pH bé hơn 5. Vì thế, việc vệ sinh, khử trùng thường xuyên chuồng trại và môi trường bằng các chế phẩm chuyên dùng hoặc vôi bột sẽ giúp hạn chế khả năng tồn tại và lây lan của virus này.

16-20-19_02-21-15_2
TS Nguyễn Viết Không khuyến cáo, cần phải tăng cường việc giám sát, phát hiện ngay từ sớm sự lưu hành virus DTLCP

Có nhiều giả thiết nghi ngờ về nguy cơ virus DTLCP tồn tại và lây truyền qua thức ăn chăn nuôi. Đánh giá của ông thế nào về nguy cơ này?

Như đã biết, virus DTLCP có khả năng kháng rất cao, chịu được ở điều kiện nhiệt độ cao và tồn tại ngay cả với các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami... Hiện nay, chúng ta cũng thường xuyên NK nguồn nguyên liệu như bột thịt xương để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Về lí thuyết thì bột thịt xương làm nguyên liệu TĂCN phải tuân thủ đạt nhiều điều kiện như không được có nguồn vật nuôi có bệnh, phải được hấp sấy ở điều kiện nhiệt độ đảm bảo cho bảo quản và tiêu diệt được các mầm dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến nguyên liệu bột thịt xương, cũng như chế biến TĂCN, không một giải pháp kỹ thuật và biện pháp kiểm soát nào là tuyệt đối được 100%. Vì thế, tôi cho rằng chúng ta không khẳng định, nhưng cũng không nên loại trừ nguy cơ này. Vì thế, chúng ta vẫn phải có biện pháp kiểm tra, lấy mẫu, giám sát có hay không sự tồn tại virus DTLCP trong nguyên liệu TĂCN hoặc TĂCN thành phẩm...

Thưa ông, tại sao thế giới vẫn chưa có vacxin phòng bệnh DTLCP? Khi chưa có vacxin lại trong điều kiện nguồn lực hạn chế, chúng ta có nên tính đến phương án đối phó lâu dài, coi đây là một bệnh dịch thông thường?

Virus DTLCP có khả năng “trốn tránh” được hệ miễn dịch của vật chủ, vì vậy việc SX vacxin DTLCP trên thế giới hiện nay vẫn chưa có hiệu quả thực sự. Các nghiên cứu cho thấy vacxin DTLCP vô hoạt không có tác dụng, còn vacxin nhược độc thì một số tổ chức, DN lớn của thế giới vẫn đang nghiên cứu, song đến nay chưa có vacxin nào được đưa ra thương mại.

Về giải pháp tổng thể dài hơi, nghiên cứu vacxin cũng là điều mà Việt Nam chúng ta cần phải đặt ra từ lúc này, bởi nguy cơ xảy ra dịch sẽ vẫn còn trong tương lai. Không chỉ có vacxin, mà chúng ta còn phải có những nghiên cứu cả về các loại thuốc, chế phẩm xử lí, tiêu diệt virus nữa... Tuy nhiên, việc SX vacxin không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nên quan điểm trước hết vẫn là phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn chặn virus xâm nhiễm, kết hợp tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt sự tồn tại và ngăn chặn sự lan truyền virus.

Xin cảm ơn ông!

Virus DTLCP không lây sang người. Vì vậy, việc một số trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội đánh tráo hình ảnh về một số loại dịch bệnh khác trên lợn rồi gán cho bệnh do DTLCP để “hù dọa” mọi người tẩy chay thịt lợn là hành vi rất nguy hại cho ngành chăn nuôi lúc này. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng về an ninh mạng phải có điều tra, xử lí nghiêm hành vi này để răn đe.

Bên cạnh đó, hành vi vứt xác lợn chết ra môi trường cũng cần phải được cơ quan chức năng điều tra xử lí nghiêm. Virus DTLCP tồn tại rất bền vững trong môi trường, lây lan nhanh và qua rất nhiều nguồn lây, vì thế, việc vứt xác lợn bệnh ra môi trường, nhất là sông suối là vô cùng nguy hiểm bởi đây là môi trường lây lan vô cùng thuận lợi để virus lan truyền. Hiện nay, có thể không phải người dân nào cũng hiểu cặn kẽ về nguy cơ và sự nguy hiểm đối với hành vi này, nên các cấp chính quyền phải thông tin, tuyên truyền cho họ hiểu rõ. Chỉ khi bản thân người dân hiểu được, cùng vào cuộc với chính quyền thì mới có thể khống chế được dịch.

(TS Nguyễn Viết Không)

 

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm