Đây là phiên tòa liên quan đến bản quyền có thời gian tranh chấp kéo dài lâu nhất từ trước đến nay. Vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị phát sinh từ tháng 4/2007 mà dây dưa tận bây giờ, ít nhiều cho thấy vấn đề bản quyền ở nước ta chưa được nhìn nhận thấu đáo.
Bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” tranh chấp bản quyền suốt 12 năm qua |
“Thần đồng đất Việt“ là một bộ truyện thành công nhất trong ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam. Tập đầu tiên ra mắt vào năm 2002, liên tục 17 năm qua, các ấn phẩm của bộ truyện này rất được giới hâm mộ chào đón. Tuy chưa thể ngang vai phải lứa với những bộ tranh truyện nổi tiếng của Nhật Bản như “Doremon” hoặc “Conan” nhưng nhiều bậc phụ huynh rất yên tâm khi chọn mua “Thần đồng Đất Việt” làm quà tặng cho con em.
Thế nhưng, những người thực hiện bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” đã xảy ra mâu thuẫn. Tháng 4/2007, họa sĩ Lê Linh gửi đơn kiện Công ty Phan Thị, yêu cầu Công ty Phan Thị công nhận ông là tác giả duy nhất với các hình vẽ các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” từ tập 1-78, không phải là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như trong hồ sơ đăng ký bản quyền mà phía Công ty Phan Thị đưa ra.
Họa sĩ Lê Linh cũng yêu cầu Công ty Phan Thị không được làm các biến thể của các nhân vật từ các tập tiếp theo, vì làm biến dạng tác phẩm nguyên gốc của ông, xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Lê Linh cũng yêu cầu cầu Công ty Phan Thị phải xin lỗi ông trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo là linh hồn để dẫn dắt những câu chuyện hài hước về văn hóa và lịch sử trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”. Nếu không có các nhân vật ấy, thì bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” không thể chuyển tải những thông điệp gần gũi và yêu thương cho độc giả nhí.
Bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh trình bày, thì họa sĩ Lê Linh không phải là tác giả bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”. Bởi lẽ, khi đến làm việc cho Công ty Phan Thị, thì hoạ sĩ Lê Linh không có những tác phẩm này. Cụ thể hơn, bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã hình dung ra các nhân vật trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” và thuê ông Linh vẽ theo đúng quan niệm thẩm mỹ của bà.
Đại diện Phan Thị cho biết trước đây ông Lê Linh là nhân viên làm theo hợp đồng chính thức của Công ty Phan Thị, nhận lương hàng tháng để vẽ ra hình tượng các nhân vật. Ngoài lương hàng tháng, khi ấn bản các tập truyện Thần đồng đất Việt ra thị trường, ông Lê Linh còn được nhận thêm tiền nhuận bút. Cho đến khi rời khỏi Công ty Phan Thị, ông Lê Linh đã nhận tiền nhuận bút là 3 tỷ 90 triệu đồng. Vào lúc đó, đây thật sự là một số tiền rất lớn.
Về lý do hai phía từng là đối tác ăn ý phải lâm vào cảnh "vô phúc đáo tụng đình", Công ty Phan Thị nói: “Ông Lê Linh khởi kiện không phải như lý do ông ấy lan truyền là tác giả duy nhất. Nguyên nhân sâu xa bởi ông ta yêu cầu Công ty Phan Thị trả cực kỳ nhiều tiền mà công ty không đáp ứng được… Thấy “Thần đồng đất Việt” bán chạy, thông qua luật sư của mình, ông Lê Linh yêu cầu Công ty Phan Thị trả thêm cho ông ta 10% trên giá bìa từng tập “Thần đồng đất Việt”. Hơn thế nữa, ông Linh còn yêu cầu chia 30% trị giá của tất cả các hợp đồng khai thác truyện “Thần đồng đất Việt” nào mà Công ty Phan Thị ký với các đối tác khác”.
Dư luận vẫn chia thành hai phe ủng hộ cho nguyên đơn và bị đơn. Những người làm sách thì cho rằng thái độ của họa sĩ Lê Linh không đàng hoàng trong quan hệ làm ăn. Tuy nhiên, giới sáng tác lại nghiêng về họa sĩ Lê Linh. Trong một văn bản do ông Huỳnh Văn Mười- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM ký, đã bày tỏ quan niệm về quyền tác giả duy nhất phải thuộc về họa sĩ Lê Linh: “Nếu bảo là người không hề biết vẽ, không hề biết quy luật tạo hình, biết quy luật thẩm mỹ, không hề biết thế nào là tư duy thị giác ngôn ngữ truyền thông thị giác mà có ý nghĩ (chỉ hình dung) là có quyền sở hữu nghệ thuật thị giác thì quả là phản khoa học. Bởi lẽ, đối với giới nghệ sĩ, khi đã có ý tưởng (qua quá trình động não) thì chưa chắc đã hình tượng hóa được nếu không có tài năng. Có khi vẽ mãi không được. Bởi có khi đó là “ý tưởng không khả thi” về ngôn ngữ thị giác.
Do đó, bắt buộc phải thay đổi cách suy nghĩ quan niệm tạo hình mới có thể làm hiển thị ý tưởng trừu tượng thành hình tượng thị giác. Từ hai ý trên, chúng tôi nhận thấy rằng, lập luận của bà Hạnh không có cơ sở khoa học về nghệ thuật thị giác”.
Vụ kiện bản quyền kéo dài 12 năm của bộ tranh truyện “Thần đồng Đất Việt” chủ yếu do sự mơ hồ về ý tưởng sáng tạo. Lẽ ra, người đưa ý tưởng nhân vật và người vẽ hình ảnh nhân vật phải được thỏa thuận sòng phẳng ngay từ khi khởi động dự án “Thần đồng Đất Việt”.