| Hotline: 0983.970.780

Thay thế nguồn nước tưới trên hệ thống thủy lợi ô nhiễm

Thứ Sáu 06/12/2019 , 12:41 (GMT+7)

Do mặt trái của phát triến kinh tế nóng, hiện một số khu công nghiệp, làng nghề tại Bắc Ninh vẫn đang vẫn gây ô nhiễm cho các hệ thống thủy lợi.

Thủy lợi Bắc Đuống, Bắc Ninh là một trong những hệ thống thủy lợi hiện vẫn đang bị ô nhiễm nặng bởi hoạt động công nghiệp, làng nghề. Ảnh: Minh Phúc.

Trong lúc chờ đợi có giải pháp tổng thể, tỉnh Bắc Ninh có nhiều giải pháp để khắc phục hiện tượng chất lượng nước tưới không đảm bảo hiện nay.
 

Mức độ ngày càng gia tăng

Theo báo cáo tóm tắt kết quả nhiệm vụ giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Đuống, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công bố năm 2019, qua các năm quan trắc cho thấy chất lượng nước hệ thống Bắc Đuống bị ô nhiễm chủ yếu bởi các chất như COD, NH4, NO2-, Conlifrom. Mức độ ô nhiễm và phạm vi ô nhiễm tăng theo từng năm và cao nhất trong năm 2019, chiếm gần 80% tổng số mẫu.

Cụ thể, các vị trí quan trắc tại cống Long Tửu, cầu Nét, kênh Bắc Trịnh Xá, xã văn Môn, kênh Bắc Trịnh Xá, xã Tam Giang và kênh Nam Trịnh Xá, xã Việt Hùng, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

Các vị trí quan trắc tại cầu Đa Hội, Trạm bơm Trịnh Xá, cầu Đồng Phúc, cầu Khúc Xuyên, cống Đặng Xá, Trạm bơm Đương Xá, kênh Nam Trịnh Xá, xã Hiên Vân, Trạm bơm Vũ Ninh và kênh Kim Đôi, xã Nhân Hòa nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

Đặc biệt, hàm lượng DO và BOD5, amoni tại các vị trí cầu Đồng Phúc, cầu Phúc Xuyên, cống Đặng Xá, Trạm bơm Đương Xám, kênh Nam Trịnh Xá, xã Liên Vân và Trạm bơm Vũ Ninh có xu thế vượt tiêu chuẩn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn QCVN 08: 2015.

Theo Thạc sỹ Vũ Quốc Chính, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, kết quả điều tra chưa đầy đủ cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm nước trong thủy lợi Bắc Đuống là do lượng nước thải được xử lý khi xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Đuống mới đạt trên 38%, còn lại là chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đảm bảo.

Cụ thể, có 55% là nước thải công nghiệp, trên 65% là nước thải làng nghề, gần 70% nước thải sinh hoạt, gần 60% nước thải chăn nuôi, gần 25% nước thải y tế chưa được xử lý là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi Bắc Đuống.

Một nguyên nhân khác do Bắc Đuống nằm trong vùng đồng bằng song Hồng là khu vực đông dân cư, kinh tế phát triển nên cũng phát sinh nhiều chất thải sinh hoạt ảnh hưởng tới chất lượng nước tại hệ thống.

Bên cạnh đó, đa phần các công trình thủy lợi đều được xây dựng với mục đích nhiệm vụ là tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhưng thực tế hiện nay các công trình thủy lợi đều phải đảm nhiệm thêm chức năng tiêu nước thải cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, cho các hoạt động kinh tế, xã hội nên cũng góp phần khiến hệ thống thủy lợi ô nhiễm thêm.

Ông Nguyễn Văn Ty, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Bắc Đuống chia sẻ, hiện nay để giải quyết thực trạng một số hệ thống kênh mương, thủy lợi chất lượng nước tưới không đảm bảo, phía Công ty Bắc Đuống chủ động tìm nguồn nước đảm bảo để thay thế hoặc hạn chế tối đa bơm nước khi thấy có dấu hiệu ô nhiễm nặng.

Theo ông Ty, Bắc Ninh hiện là vùng nuôi trồng thủy sản lớn, bên cạnh đó có rất nhiều vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP có đòi hỏi các yêu cầu, chỉ tiêu về nước tưới rất cao nên nếu phía Công ty Bắc Đuống mà bơm cung cấp nguồn nước không đảm bảo bà con sẽ phản ứng rất gay gắt.
 

“Rất may mắn là trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư đồng bộ hàng loạt trạm bơm mới lấy nước từ sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cà Lồ để thay thế nước trên các hệ thống ô nhiễm như sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu và các khu xử lý nước thải tại những điểm nóng ô nhiễm như Châu Khê, Phong Khê, Đông Cao. Vì vậy, về cơ bản hiện nay nguồn nước và chất lượng nước tưới tại Bắc Ninh vẫn được duy trì ở mức tương đối tốt”, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bắc Đuống Nguyễn Văn Ty cho biết.

Xây hàng loạt trạm bơm mới

Ông Đàm Phương Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh có hai hệ thống thủy lợi lớn và Bắc Đuống và Nam Đuống. Trong đó, Bắc Đuống có hệ thống sông Ngũ Huyện Khê hiện nay ô nhiễm chưa khắc phục được.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê, ông Đàm Phương Bắc cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã cho xây dựng đập dâng tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du nhằm ngăn nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê chảy vào hệ thống thủy lợi cũng như cải tạo, xử lý một phần ô nhiễm tại dòng sông này.

Bên cạnh đó, trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh cũng bỏ kinh phí để xây dựng hàng loạt trạm bơm mới lấy nước từ hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình ít bị ô nhiễm để thay thế cho các hệ thống tưới tiêu cũ, theo cảm quan hiện đã bị ô nhiễm rất khó sử dụng cho việc tưới tiêu.

Gần đây nhất, tỉnh Bắc Ninh xây dựng và đưa vào hoạt động trạm bơm Tri Phương II thuộc xã Tri Phương, huyện Tiên Du, được khởi công tháng 3/2019 với tổng mức đầu tư 660 tỷ đồng.

Trạm bơm Tri Phương II đi vào hoạt động góp phần chủ động bảo đảm nước tưới cho gần 6.000 ha sản xuất nông nghiệp thuộc lưu vực Kênh Nam (Trạm bơm Trịnh Xá). Bên cạnh đó, Trạm bơm cũng giúp chủ động tiêu cho hơn 1.800 ha thuộc vùng tiêu Tri Phương (trong đó diện tích tiêu công nghiệp, đô thị là gần 1.500 ha, diện tích tiêu nông nghiệp là hơn 300 ha).

Trạm bơm Phú Mỹ tại huyện Thuận Thành thuộc hệ thống Nam Đuống được xây dựng nhằm lấy nước từ sông Đuống giúp thay thế được nguồn nước vốn trước đây phải phụ thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải, song thường xuyên bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

Đây là công trình đầu mối cung cấp nước tưới quan trọng cho diện tích nông nghiệp của huyện Thuận Thành và Gia Bình ở cả hiện tại và trong tương lai.

14-06-52_bc_ninh_du_tu_nhieu_trm_bom_moi_phuc_vu_sn_xut_nong_nghiep
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xử lý nước thải và đầu tư xây dựng các trạm bơm mới lấy nước từ sông Đuống, sông Thái Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Huân.

Trạm bơm Yên Hậu cũng được tỉnh Bắc Ninh xây dựng để lấy nước từ sông Cà Lồ. Với 6 tổ máy bơm chìm trục đứng có lưu lượng hơn 5.000m3/máy/h, trạm bơm này đang tưới trực tiếp cho hơn 2.500ha đất canh tác của huyện Yên Phong và một phần diện tích của huyện Đông Anh, Hà Nội, đồng thời tạo nguồn cho hơn 1.700ha đất canh tác trên địa bàn các huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn.

Song song với việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm mới lấy nước từ những hệ thống sông lớn chưa bị ô nhiễm, ông Đàm Phương Bắc cho biết thêm, tỉnh Bắc Ninh cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hàng loạt trạm xử lý nước thải tại các huyện Gia Bình, Yên Phong, Tiên Du để thu gom, xử lý nhằm giải quyết gốc rễ của vấn đề ô nhiễm từ hệ thống nước thải công nghiệp, làng nghề, sinh hoạt vào hệ thống thủy lợi cũng như các dòng sông.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.