| Hotline: 0983.970.780

Thế giới giờ cần Trung Quốc hơn Mỹ?

Chủ Nhật 15/08/2021 , 17:32 (GMT+7)

Giả dụ lĩnh vực ngoại giao được đưa vào thành môn thi đấu chính thức của Olympic lúc này, hẳn Washington sẽ phơi áo trước Bắc Kinh trong cuộc đua huy chương vàng.

Tầm ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc giờ đã vượt trội Mỹ? (Ảnh minh họa).

Tầm ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc giờ đã vượt trội Mỹ? (Ảnh minh họa).

Chuyển hướng

Đại dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm rưỡi qua cho thấy các chuyến viếng thăm nước ngoài lẫn nhau là chuyện xa xỉ, không trừ bất kỳ nước nào.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhà Trắng thăm Tổng thống Joe Biden kể từ khi nguyên thủ này nhậm chức, điều rất hiếm so với các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây.

Xa xỉ có lẽ không là nhận xét thái quá trong bối cảnh dịch bệnh, và cứ nghe lời ông Suga tâm sự lại sẽ thấy, rằng đoàn của ông tận dụng tối đa thời gian gặp đối tác ngỡ như “cứ cuối mỗi buổi thì mới biết chúng tôi bận đến nối chẳng còn động đến miếng hamburger”.

Đại dịch cũng là cơ hội thấy rõ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, trong cuộc lôi kéo sự ủng hộ để nắm thế cờ chủ động trong việc định hình cuộc chơi mới về kinh tế, chính trị.

Ông Suga đến Mỹ ngoài việc mối quan hệ Mỹ - Nhật có tầm quan trọng riêng và theo lời mời từ rất sớm của ông Biden sau khi nhận tin thắng cử, nó còn được ghi nhận sự chuyển hướng rõ nét của Nhật khi những ngôn ngữ không mấy quen thuộc được công khai với bên ngoài liên quan đến bất đồng giữa các cường quốc về khu vực nóng Ấn Độ dương - Thái Bình dương.

Nhưng một mình chuyến thắm của ông Suga chẳng bõ bèn gì khi đem so sánh về số lượng các đợt thăm viếng quốc tế ở tầm lãnh đạo cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo số liệu chính thức được ghi nhận tại Bộ Ngoại giao hai nước giai đoạn 1990–2019, Trung Quốc đón tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài vượt trội so với Mỹ, tính cả các cuộc tiếp xúc đa phương nhân cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngay trên đất Mỹ hay diễn đàn của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc làm chủ nhà.

Thăm viếng xã giao hay làm việc chính thức đều là chỉ số cho thấy tầm quan trọng cũng như biên độ can dự của một quốc gia vào các vấn đề song phương cũng như toàn cầu. Nhất là với các nước lớn, cuộc gặp giữa nguyên thủ luôn để lại các chỉ dấu liên quan đến những lĩnh vực đa phương.

Bởi vậy, mỗi chuyến công du nước ngoài của nguyên thủ Mỹ hay Trung Quốc đều thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng việc số các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Bắc Kinh nhiều hơn Washington, nếu chỉ nhìn dưới góc độ đo bằng số lượng đơn thuần cho thấy tầm ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc giờ đã vượt trội Mỹ.

Cán cân qua con số

Bắc Kinh giờ đã là một tấm vé nóng trên trường ngoại giao thế giới. Năm 2019, tức trước thời điểm đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ hầu hết việc đi lại toàn cầu, Bắc Kinh đón tiếp 79 nhà lãnh đạo nước ngoài và cùng quãng thời gian đó chỉ 27 nhà lãnh đạo chính phủ các nước đến Washington. Và tính từ năm 2013, cán cân số lượng này năm nào cũng nghiêng về phía Bắc Kinh. Đây được xem là sự hoán đổi ngoạn mục mà Trung Quốc làm được trong cuộc cạnh tranh với sự thống trị của Hoa Kỳ kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong các nhiệm kỳ Tổng thống của hai ông George HW Bush (Bush cha) và Bill Clinton, khi Mỹ là siêu cường duy nhất của thế giới, hàng năm Mỹ đón tiếp bình quân lần lượt 65,8 và 60,5 chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Con số này nhảy vọt lên 71,8 trong nhiệm kỳ của ông George W Bush, khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Cùng thời điểm đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc chỉ đón tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài bằng khoảng 1/3 con số trên.

Nhưng kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn nhảy vọt sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2001, số chuyến thăm đến Trung Quốc tăng ngay gấp đôi khi ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước. Theo giới phân tích, lúc đó Mỹ vẫn bận rộn hơn là nhờ các lời mời được đẩy mạnh sang nhóm nước ở châu Phi, châu Á, Nam Mỹ.

Số chuyên thăm Mỹ giảm từ nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, thời điểm mà cuộc khủng hoảng tài chính, sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ hay tình hình sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq lẫn Afghanistan làm xói mòn sự hấp dẫn của Washington.

Năm 2013 ghi dấu thời điểm ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch nước, với chính sách ngoại giao năng động chuyển trọng tâm vào ngoại giao kinh tế, đã giúp Trung Quốc đón tiếp bình quân 87 nhà lãnh đạo thế giới hàng năm.

Khi nước Mỹ chào đón Tổng thống Donald Trump, ngoại giao của nước này được xem như đi vào giai đoạn tệ hại vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” vừa làm xao nhãng quan hệ lẫn xa lánh đồng minh. Từ năm 2017 đến 2019, ông Trump “rỗi” hơn hẳn ông Tập, khi chỉ đón tổng cộng 82 chuyến thăm chính thức trong khi ông Tập bận bịu với 272 nhà lãnh đạo nước ngoài. Đó được xem là quãng thời gian nước Mỹ chưa bao giờ “nhàn” đến vậy.

Ai cũng cần đến Trung Quốc

Số lượng nếu không đi kèm chất lượng sẽ dễ gây ngộ nhận. Vậy các nhà lãnh đạo thế giới thăm Trung Quốc hay Mỹ là đến từ đâu? Số liệu thống kê trong 3 thập niên qua cho thấy Mỹ đón tiếp thành phần đa dạng hơn hẳn Trung Quốc.

Trong những năm 2000, Mỹ vẫn là nơi thu hút rõ rệt. Khu vực châu Á hay châu Đại dương dù bị sức hút vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc vẫn ưa chọn thăm Mỹ thường xuyên hơn.

Chỉ sang những năm 2010, khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ và có sức chi phối mạnh lên nhanh chóng, số lượng các chuyến thăm của lãnh đạo châu Á và châu Đại dương đến Trung Quốc mới tăng vọt gấp 3 lần, từ khu vực châu Phi tăng 2 lần và từ Đông Âu cũng tăng khoảng 2 lần. Khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ, vốn được xem như “sân sau” của Mỹ cũng có sự ưa thích Trung Quốc hơn.

Trong khi đó, Mỹ chỉ còn duy trì được sức hút với các nhà lãnh đạo Trung Đông và phương Tây. Nhưng dù vậy, nhiều đồng minh của Mỹ cũng đã thường xuyên chọn điểm đến là Trung Quốc hơn hẳn trước đó, gồm Hàn Quốc, Đức, Philippines, Thái Lan, Singapore, New Zealand.

Lãnh đạo Pháp các nhiệm kỳ trong 3 thập niên này có số chuyến thăm Mỹ cân bằng với Trung Quốc, trong khi Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất có lãnh đạo thăm Mỹ nhiều hơn hẳn thăm Trung Quốc. Anh, Italy, Australia vẫn duy trì xu hướng ưu tiên Mỹ, nhưng đã có sự chuyển dịch sang Trung Quốc thường xuyên hơn.

Sức mạnh kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc là cơ sở cho các chuyến thăm viếng thường xuyên hơn đến Bắc Kinh. Nhưng sức mạnh kinh tế tổng thể của nước này trên bình diện quốc tế được đánh giá vẫn nhỏ hơn Mỹ khoảng 30% (năm 2019) vẫn là khoảng cách cần thời gian để thu hẹp.

Sự hấp dẫn về kinh tế có thể chỉ là một đơn vị đo, vì tầm ảnh hưởng lẫn vai trò quyết định cuộc chơi vẫn cho phép Mỹ có sức mạnh riêng mà bất cứ quốc gia nào khác chưa tiệm cận được đến thời điểm này.

Với Mỹ, đó là khả năng xây dựng một khối kinh tế, chuỗi cung ứng, các nhóm đa phương… và lồng ghép trong đó còn là năng lực định hình an ninh, chính trị lồng ghép vào. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đón lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Israel, Ukraine, Jordan, Afghanistan. Chưa một lãnh đạo nào trong số các nước trên đến Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. (Nguồn: lowyinstitute.org)

Số chuyến thăm lãnh đạo cấp cao giai đoạn 2010 - 2019

Đến Mỹ: Israel (18), Nhật Bản (15), Jordan (14), Italy (13), Canada (12), Pháp và Ailen (10), Australia - Hàn Quốc - Anh (9), Đức và Mexico (8)… Các nhà lãnh đạo Nga, Việt Nam, New Zealand, Đan Mạch, Ai Cập, Afghanistan, Brazil, Chile, Colombia, Peru cùng có 5 lần thăm Mỹ.

Đến Trung Quốc: Campuchia (23), Pakistan (21), Lào (18), Nga (17), Kazakhstan (16), Triều Tiên (15), Kyrgyzstan (14), Đức và Singapore (12). Các nhà lãnh đạo Mông Cổ, Myanmar, Hàn Quốc, Việt Nam cùng có 13 lần thăm Trung Quốc.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.