Biển cảnh báo về virus Corona tại sảnh đến ở sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Virus Corona là họ virus gây ra các bệnh từ cảm thông thường cho tới Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS). Theo WHO, virus Corona thường xuất hiện trên động vật nhưng một số có thể biến đổi để lây nhiễm sang người, lây lan giữa người với người.
Chỉ có 7 chủng virus Corona, bao gồm 2019-nCoV, đã lây sang người, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết. Hiện chưa có phương thức đặc trị, như vắc xin, để đối phó virus Corona nhưng y học có thể xử lý các triệu chứng.
Chủng virus mới làm dấy lên lo ngại vì nó tương tự SARS, từng lây nhiễm cho hơn 8.000 trên thế giới, khiến hơn 600 người tử vong ở Trung Quốc và Hong Kong giai đoạn 2002 – 2003.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28/1, trong cuộc gặp với tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, mô tả đợt bùng phát virus Corona gây viêm phổi Vũ Hán là “con quỷ” đang ảnh hưởng đến y tế toàn cầu.
Trung Quốc tin có thể kiểm soát khủng hoảng và cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá sự lây lan của virus một cách “khách quan, bình tĩnh và hợp lý”, ông Tập nói. “Đại dịch này là một con quỷ và chúng ta không thể để con quỷ đó lẩn trốn. Chính phủ Trung Quốc luôn cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin liên quan về đại dịch, cả trong nước lẫn ngoài nước”.
Phần lớn các ca tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc với những trường hợp xấu số đầu tiên chủ yếu là người cao tuổi hoặc đã có tiền sử bệnh hô hấp. Truyền thông Trung Quốc đưa tin 60 trường hợp đã bình phục và được xuất viện. Một chuyên gia tại NHC cho biết thời gian để bình phục khỏi các triệu chứng nhẹ là một tuần.
Đợt bùng phát dịch trùng với kỳ nghỉ tết Âm lịch tại Trung Quốc, thời điểm hàng trăm triệu người dân nước này sẽ di chuyển từ nơi sinh sống, làm việc về quê nhà và ngược lại. Để hạn chế nguy cơ lây lan, nhà chức trách Trung Quốc đã hủy nhiều sự kiện mừng năm mới Âm lịch và kéo dài kỳ nghỉ thêm ba ngày, tới ngày 2/2.
Các trường học, đại học tại Trung Quốc tạm nghỉ cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc dừng hoạt động hàng trăm tuyến trên cả nước. Cơ quan xuất nhập cảnh khuyến khích người dân điều chỉnh lại thời gian ra nước ngoài. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh và Thượng Hải còn áp dụng giám sát y tế 14 ngày với những người đến từ tỉnh Hồ Bắc.
Tâm dịch Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, bị phong tỏa tạm thời, người dân được yêu cầu không rời khỏi thành phố, các phương tiện đi lại không quan trọng bị cấm hoạt động. Một số thành phố khác cũng tạm dừng hoạt động đối với phương tiện công cộng, taxi và dịch vụ gọi xe.
Tại Hong Kong, nơi có 10 trường hợp nhiễm virus Corona, chủ tịch phòng bệnh dịch truyền nhiễm của Đại học Hong Kong, Yuen Kwok Yung, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã sản xuất được vắc xin đối phó 2019-nCoV nhưng “cần thời gian dài để thử nghiệm”. Họ đã cô lập được virus Corona từ mẫu xét nghiệm của trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ở thành phố.
CDC ngày 27/1 xác nhận có 5 trường hợp nhiễm virus Corona ở Mỹ. Washington chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng Bộ trưởng Y tế và Nhân sinh Mỹ Alex Azar tuyên bố “không do dự khi triển khai các biện pháp cần thiết” tùy theo diễn biến tình hình.
“Người dân Mỹ nên hiểu đây là một dịch bệnh có thể rất nghiêm trọng nhưng lúc này, người dân Mỹ không nên quá lo lắng về sự an toàn của bản thân”, Azar nói ngày 28/1.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát cảnh báo cấp 4 về di chuyển tới tỉnh Hồ Bắc, khuyên người dân không nên tới đây, và cảnh báo cấp 3, “cân nhắc di chuyển” tới Trung Quốc. Washington có kế hoạch sơ tán nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán về nước.
Anh khuyến cáo người dân hủy mọi chuyến đi không quan trọng tới Hồ Bắc và đang tìm cách sơ tán công dân Anh khỏi tỉnh này. Canada, có ba trường hợp nhiễm bệnh, cũng có cảnh báo tương tự. Pháp, có 4 trường hợp nhiễm bệnh, dự kiến điều máy bay sơ tán công dân khỏi Vũ Hán từ ngày 30/1 và chỉ đón người “không có triệu chứng nào”, theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Jean-Baptiste Djebbari.
Ủy ban châu Âu cũng điều động hai máy bay để sơ tán công dân Liên minh châu Âu từ Vũ Hán.
WHO trước đó quyết định không coi đợt bùng phát Corona là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” sau khi họp khẩn vào tuần trước, cho rằng “còn quá sớm” để làm vậy. Tổ chức này khuyến khích Trung Quốc tiếp tục minh bạch trong chia sẻ thông tin.
Michael Ryan, trưởng Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, kêu gọi “toàn thế giới cần cảnh giác” trong đối phó virus Corona.