| Hotline: 0983.970.780

Thêm một vụ xuân ấm, các tỉnh phía Bắc cần lưu ý gì?

Thứ Năm 09/01/2020 , 08:53 (GMT+7)

Vụ lúa xuân 2020 được dự báo là vụ xuân ấm và thiếu nước tưới nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

nh-che-m091908613092906473
Che phủ nilon cho mạ.

NNVN xin giới thiệu bài viết của Th.S Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (người đã gần 40 năm công tác từ nghiên cứu đến khuyến nông và quản lý, chỉ đạo SXNN) về kinh nghiệm chỉ đạo và giải pháp được áp dụng hiệu quả, thành công trong những vụ xuân ấm của thập niên qua.
 

Dự báo và những bằng chứng về một vụ đông xuân ấm

Nhiệt độ bình quân tháng trong suốt các tháng từ đầu mùa đông đến nay đều cao hơn 1,5-2 độ C so TBNN cùng kỳ. Hiện đã bước sang tiết tiểu hàn, quy luật thông thường thì “tiểu hàn rét trước” nhưng rõ ràng chả có đợt rét nào đáng kể.

Năm nay, tiết đại hàn vào ngày 20/1 (26 tết) và lập xuân 4/2 (ngày 11 tháng giêng). Theo dự báo thì các đợt rét đáng kể tập trung vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2, nền nhiệt trung bình trên cả nước có khả năng cao hơn TBNN phổ biến từ 0,5-1,5 độ C, khu vực phía đông bắc Bắc bộ gần ở mức trên so với TBNN. Có khoảng 3-5 đợt rét đậm vào tháng 1 và 2/2020 nhưng không kéo dài.

Về thủy văn: Hệ thống các sông đều thiếu hụt dòng chảy, hệ thống sông Hồng thiếu hụt so với TBNN từ 25-75%, thiếu hụt nhiều vào các tháng đầu năm 2020; về hồ chứa, hồ thủy điện lưu vực sông Hồng chỉ đạt 65-85% so dung tích thiết kế, mực nước hồ Hòa Bình thấp hơn TBNN tới 8m và Thác Bà thấp hơn khoảng 1m.

Các hồ chứa thủy lợi có dung tích tích lũy 50-100% so dung tích thiết kế. Các hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có dung tích tích nước đạt 68-95%, hồ thủy điện dung tích tích nước đạt 60-85%.

Về lượng mưa, dự báo tháng 1 ở khu vực Bắc bộ 30-60mm, cao hơn TBNN và từ tháng 2- tháng 6/2020 tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN.

Với diễn biến tình hình khí hậu và thủy văn năm 2010 như đã diễn ra nửa đầu mùa đông và dự báo vừa cập nhật có thể khẳng định vụ đông xuân 2019-2020 là vụ đông xuân ấm và thiếu nước.
 

Vụ đông xuân ấm, thiếu nước khó khăn gì cho lúa?

Thứ nhất, nền nhiệt cao tác động mạnh đến sinh lý cây lúa, sinh trưởng sẽ nhanh hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng, đặc biệt với nhóm giống có TGST dài thuộc trà xuân sớm và nguy cơ phân hóa, trổ bông sớm ngay từ tháng 4.

Lúa phân hóa và trổ bông thời gian này sẽ không có số hạt cao, lép lớn, tích lũy không thuận khiến khối lượng hạt thấp dẫn đến năng suất không cao, thậm chí mất mùa nếu gặp rét nàng Bân hơi đậm và kéo dài vài ngày.

Trong bối cảnh thiếu nước như vụ xuân 2020, các giống ngắn ngày tiêu dùng ít nước hơn cũng là giải pháp tiết kiệm chi phí đáng kể lượng xả từ các hồ thủy điện và bơm tát cho các tỉnh phía Bắc.

Thứ hai, nền nhiệt cao sâu bệnh phát sinh nhanh, phức tạp do thời gian ngủ đông ngắn, nhiệt độ cao cũng làm vòng đời sâu co lại, nhiệt độ cao kèm theo ẩm độ cao, mưa ẩm sẽ vô cùng thuận lợi cho nấm bệnh nhất là đạo ôn phát sinh gây hại.

Như vậy vụ xuân ấm cần cảnh giác với dịch hại trên lúa ngay từ khi lúa đẻ nhánh rộ và nhất là giai đoạn lúa trổ khi các lá công năng đã hoàn thiện. Ấm cũng kèm theo phát sinh gây hại mạnh hơn của chuột và ốc bươu vàng.

Thứ ba, nhiệt độ cao, mức độ phân giải dinh dưỡng nhanh, giải phóng ngay đầu vụ khi nhu cầu của cây chưa cao, nhất là với yếu tố đạm (N), phân bón dễ bị mất đi do bay hơi và thẩm thấu, cộng thêm hạn sẽ làm hiệu quả, hiệu lực phân bón giảm.

Thứ tư: Bốc hơi nhanh hơn, tốn kém cho tưới nước, nhất là giữ nước ấm chân lúa sau cấy. Nền nhiệt cao, hạn không đủ nước sẽ khiến hiện tượng “xì phèn, bốc mặn” theo mao quản đất trên các chân đất phèn tiềm tàng nội đồng và chân đất ven biển vào cuối tháng ba, tháng tư trầm trọng hơn.
 

Giải pháp để đảm bảo vụ lúa xuân thắng lợi

Thời vụ: Cần lưu ý rằng 2020 ấm nhưng lại nhuận 2 tháng tư, nên thời vụ khá “bình chân” vì lập xuân 4/2, tức 11 tháng giêng. Lời khuyến cáo là bà con cứ vui hết tết cổ truyền rồi lấy sức tập trung vào gieo cấy vụ lúa xuân với thời vụ gieo mạ nền cứng, mạ khay vào chung quanh tiết lập xuân. Gieo vãi cần chọn vùng chủ động tưới tiêu, gieo tập trung 15-20/2. Tất cả các trà gieo cấy gọn trong tháng 2 dương lịch.
Những vùng đặc thù với các giống nhóm xuân sớm cần điều chỉnh dịch thời vụ gieo cấy muộn hơn các năm để tránh tình trạng lúa sinh trưởng nhanh, phân hóa sớm, gặp rét muộn dễ bị giảm năng suất.

Ở Miền Bắc, vụ lúa xuân là vụ cực kỳ quan trọng, là vụ có tiềm năng năng suất cao, diện tích và sản lượng lớn, chi phối tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt, vì vậy cần có những giải pháp khoa học và chỉ đạo quyết liệt mới đảm bảo thắng lợi.

Diễn biến phức tạp, lệch quy luật và nền nhiệt trung bình cao... chúng ta đã đối mặt liên tục trong những năm gần đây, vụ đông xuân ấm xảy ra thường xuyên, liên tục hơn, kinh nghiệm ứng phó đã dày dạn và hiệu quả hơn 2-3 thập niên trước.

Từ thực tế chỉ đạo và các kết quả nghiên cứu, đánh giá, điều tra xin được nêu ra một số vấn đề cơ bản sau:

- Chủ động và tiếp tục chuyển đổi sang các loại cây rau màu, cây trồng hàng năm khác sử dụng ít nước nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn. Gắn và tính toán việc chuyển đổi với dự báo thị trường.

- Lựa chọn giống và cơ cấu: Hơn 10 năm qua, thực tế chứng minh với các giống cảm ôn, ngắn ngày và không qua đông là giải phát hữu hiệu và tiết kiệm chi phí, giúp cho vụ lúa xuân bền vững và ổn định với các kiểu hình thời tiết, ấm hay rét, hay trung tính thì với cơ cấu giống ngắn ngày tuân thủ lịch thời vụ đều được mùa.

Hiện bộ giống nhóm này khá phong phú gồm các giống lúa thuần năng suất cao, chống chịu tốt do được chuyển các gen kháng đạo ôn hoặc rầy nâu. Nhiều giống chất lượng khá ngon, phù hợp nhu cầu thị trường.

Lúa ưu thế lai cũng đã khác xưa vì chất lượng ăn uống được nâng cao, cơm dẻo, mềm và mặt gạo đẹp.

Giống Japonica với ưu thế ngắn ngày, chịu rét tốt, giá trị cao và hiện đang được tiêu thụ mạnh cả trong nước và xuất khẩu (cơ cấu giống, các địa phương sẽ khuyến cáo cụ thể cho từng vùng).

Bà con nông dân nên lựa chọn giống được nhân lọc và chế biến đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, chủ động tính toán và chuẩn bị sẵn cơ cấu, lượng giống cần thiết có tính thêm dự phòng 10% để phòng bất trắc.

 

Các điạ phương cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc lấy nước đổ ải theo lịch thống nhất giữa Bộ NN-PTNT với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt các tỉnh thượng nguồn với diện tích khoảng trên 200 ngàn ha. Do lưu lượng nước trên các hệ thống đều thiếu hụt nên cần chuẩn bị kế hoạch bơm truyền, trữ nước, đảm bảo đủ nước cho việc làm đất trước và sau tết Nguyên đán.

Vụ đông xuân 2020, các vùng không trồng cây vụ đông được cày sớm, đất được ải góp phần cải thiện khá tốt lý tính của đất; cần tận dụng lấy nước sớm, làm đất kỹ, rà bờ, nạo vét kênh mương, sửa chữa cống tưới tiêu, giữ nước đệm phục vụ tưới dưỡng ứng phó nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu.

Nhiều vùng bà con nông dân chưa làm đất và để ải âm, rơm rạ không được cày vùi, tàn dư và mầm mống sâu bệnh có cơ hội lưu chuyển qua vụ sau, vùng này cần đưa nước vào sớm, ngâm vài ngày rồi khẩn trương cày lật đất, lồng vùi rơm rạ, cỏ dại để kịp phân hủy. Các vùng ven biển có điều kiện lấy nước tự chảy cần tranh thủ triều cường và lịch xả nước lấy nước ngâm và thau chua rửa mặn.

- Chuẩn bị đất bột, bùn sông, bùn ao không chua, phân ủ mục khung tre làm vòm và nilon để gieo mạ nền cứng, mạ khay sau tết. Các vùng có truyền thống làm mạ dược thưa cũng cần chuẩn bị đầy đủ vòm tre và nilon để “cẩn tắc vô áy náy”, tháng 2 được dự báo vẫn có đợt rét đậm.

- Làm đất và bón lót: Phương châm làm đất là ruộng chờ mạ, khi thời tiết thuận lợi, mạ đủ tuổi là xuống đồng. Làm đất kỹ, lồng vùi và kết hợp san phẳng, bón lót phân NPK chuyên lót hoặc các loại phân lót khác theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Giữ nước nông mặt ruộng để thuận lợi cho cấy tay hoặc cấy máy. Có điều kiện bà con nên cấy hàng rộng hàng hẹp (hàng x hàng x hàng x hàng = 20 x 30 x 20 x 30 cm); cây x cây 12-13cm, mật độ dưới 30 khóm/m2.

Với các vùng gieo vãi: Làm đất kỹ hơn, tăng lượt lồng và san phẳng, bón đủ phân lót đặt biệt tính đủ lượng lân nguyên chất. Theo kết quả đánh giá hiệu lực cộng dồn và hiệu lực tồn dư, lượng lân nguyên chất quy đổi có thể giảm 20-30%. Để nước sệt mặt ruộng và tiến hành gieo ngay sau làm đất, hạt giống sẽ chìm trong bùn và ấm chân lúa lên khỏe và nhanh hơn.

- Chăm sóc, quản lý đồng ruộng: Giữ nước nông sau cấy, khi thời tiết ấm, lúa xuân bắn lá non, nhổ lên bộ rễ lúa ra nhiều chóp rễ trắng thì bón thúc bằng NPK chuyên thúc hoặc bổ sung đạm ure đơn. Với gieo vãi cần vào nước ngập mặt ruộng, khi lúa được 4-5 lá tiến hành dặm tỉa và bón thúc ngay NPK chuyên thúc bổ sung thêm phân ure theo khuyến cáo.

Khi lúa đứng cái, sờ xuống gốc lúa thấy tròn mình, thân cứng, lá trên thắt eo là lúc lúa đang phân hóa, cần bón thúc kali clorua với lượng bón 2-3 kg/sào Bắc bộ. Lượng kali này bổ sung phần kali còn thiếu hụt và nó đặc biệt quan trọng với lúa ưu thế lai, các giống lúa năng suất cao.

- Dịch hại: Năm ấm tình hình dịch hại sẽ phức tạp, ngay đầu vụ, các địa phương chú ý tổ chức diệt chuột, đặt bẫy, bả thuốc sinh học, đánh bắt khi đổ ải và cả giai đoạn sau cấy. Năm ấm chuột, ốc bươu vàng sẽ sinh sản nhanh hơn, sô lượng nhiều hơn.

Đối tượng thứ hai cần lưu ý là bệnh đạo ôn: Nền nhiệt cao hơn cộng với ẩm độ luôn ở mức cao, thậm chí bão hòa, mưa phùn, mù trời do các đợt không khí lạnh yếu lệch đông... là điều kiện tối thích cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Cần bám sát đồng ruộng, dự tính dự báo và phát hiện các ổ bệnh trên các giống nhiễm, khu vực thường xuyên bị dịch bệnh các vụ trước, khoanh vùng, phòng trừ sớm để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan, phát tán.

Vụ xuân ấm, sẽ có một bộ phận diện tích trỗ sớm có nguy cơ đạo ôn cổ bông gây hại, cần đặc biệt chú ý diện tích này và khuyến cáo phun phòng khi lúa trỗ thấp thoi bằng các loại thuốc trừ nấm đạo ôn đặc hiệu

Sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại là đối tượng gây hại hàng vụ, hàng năm, phát sinh theo các lứa cần được theo dõi, đánh giá mức độ phát sinh gây hại và tổ chức phòng trừ theo chỉ đạo của ngành bảo vệ thực vật các địa phương.

Khó khăn nhưng nếu quyết liệt, áp dụng tốt kỹ thuật được khuyến cáo, vụ lúa xuân 2020 sẽ vẫn được mùa.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.