| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/07/2024 , 06:15 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 06:15 - 09/07/2024

Thủ tục 'trói' hộ nghèo

Trong lúc Chính phủ chủ trương giải ngân nhanh nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thì các địa phương lại loay hoay tìm cách 'tiêu tiền'.

Đầu năm 2024, xã nghèo Hướng Hiệp (huyện Đakrông, Quảng Trị) giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững với số lượng… 10 con bò cấp cho hộ nghèo. Câu chuyện “giải ngân” 10 con bò này cũng khá ly kỳ.

Ly kỳ ở chỗ, Chủ tịch xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sinh cho biết, theo quy định tại Thông tư 55/TT-BTC đối với những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các tổ, nhóm cộng đồng - đối tượng tiếp nhận - sẽ phải trực tiếp viết dự án. Tiếp đó, sẽ tổ chức đấu thầu để các đơn vị cung ứng tham gia bài thầu, từ đó lựa chọn nhà thầu.

Để tổ chức đấu thầu, bên viết dự án (đối tượng hộ nghèo) phải trình 3 phương án giá khác nhau trong hồ sơ thẩm định. Cái khó đầu tiên, là những hộ nghèo (đương nhiên) không thể biết, một “dự án” phát triển kinh tế hộ gia đình phải viết như thế nào, vì những hộ nghèo hầu hết đều là những người yếm thế: yếm thế về kinh tế kéo theo sự yếm thế về nhận thức, hiểu biết, văn hóa… Thành ra, với họ, viết được 1 bản dự án thuyết trình để từ đó được nhận tiền hỗ trợ không khác gì một sự đánh đố!

Để tháo nút thắt này, tại xã Hướng Hiệp, cán bộ xã phải làm thay, tức là "viết thay" các hộ nghèo. Nhưng, bản thân nhiều cán bộ xã cũng còn bỡ ngỡ, mặc dù đã được tập huấn…

Nút thắt thứ 2, đó là khi có bản thuyết trình dự án sẽ tới khâu đấu thầu, tìm nhà cung ứng. Tuy nhiên, tại địa bàn các xã vùng núi, vùng sâu vùng xã không có nhiều đơn vị cung ứng. Bản thân người viết dự án cũng không thể xác định được đơn vị nào sẽ tham gia dự thầu trong giai đoạn viết dự án nên xin báo giá hết sức khó khăn.

“Đến năm 2023, Trung ương mới bắt đầu có những hướng dẫn cụ thể về thực hiện các chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, tỉnh không đưa ra các định mức hỗ trợ cũng gây ra rất nhiều khó khăn. Mình đưa lên một giá, tài chính thẩm định 1 giá, phòng nông nghiệp thẩm định 1 giá... Để hỗ trợ 10 con bò cho người nghèo lần này, tôi đã phải làm hồ sơ đến lần thứ 5”, bà Trương Thị Hoa, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Hướng Hiệp chia sẻ.

Đây là những nút thắt xảy ra phổ biến tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị.

Vì sự nhiêu khê của thủ tục, ông Hồ Văn Lứt - một hộ nghèo tại thôn Thuận 5 (xã Thuận, huyện Hướng Hóa) đành phải gạt nước mắt từ chối không nhận tiền từ chương trình, dù căn nhà ọp ẹp ba chục mét vuông của gia đình ông nằm chênh vênh trên một con dốc, là điểm có nguy cơ cao sạt lở vào mùa mưa nên được đưa vào diện hỗ trợ để xây dựng nhà mới.

Đành rằng, tiêu một đồng tiền từ ngân sách đều phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt được quy định tại các Thông tư, Nghị định từ các cơ quan Trung ương; về tới địa phương lại tiếp tục có những quy định cụ thể phù hợp với đặc thù, tình hình của mỗi vùng miền.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 được Chính phủ thông qua từ đầu năm 2022 với mục tiêu phấn đấu hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chương trình này được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, giúp các hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng.

Năm 2022-2023, huyện Đakrông được phân bổ trên 266 tỷ đồng thực hiện các Chương trình MTQG nhưng đến cuối năm 2023 vốn sự nghiệp mới giải ngân được trên 11%. Huyện Đakrông đã chuyển trên 140 tỷ đồng năm 2022 và 2023 sang năm 2024 để giải ngân. UBND huyện Đakrông cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thực hiện dự án… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Câu chuyện thực tế đang xảy ra tại Quảng Trị cho thấy, những hộ nghèo giống như những người đang ốm yếu, và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững chính là phác đồ điều trị “chữa bệnh” cho những người nghèo. Đơn thuốc đã kê, tiền mua thuốc đã được cấp, nhưng để mua được “thuốc” lại quá nhiều thủ tục rườm rà.

Chắc chắn, sẽ còn nhiều địa phương đang lúng túng, loay hoay như Quảng Trị. “Cứu người như cứu hỏa”. Khi Chính phủ đã ban hành một chương trình mục tiêu đầy tính nhân văn như thế, sự vào cuộc gấp rút của chính quyền cơ sở sẽ giúp những hộ nghèo sớm được tiếp cận với “thuốc”, sớm ngày nào, quý giá ngày, để những cơ thể ốm yếu được “hà hơi”, “tiếp sức”. Điều đó quý giá vô cùng!