Trưởng thôn Lê Trạc Nguyện (thôn Cao Nhuận, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) ném hòn đất hết lực để áng chừng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp bởi đơn vị thi công đường Vạn Thiện - Bến En đổ đất, đá thải xuống ruộng. Theo ông Nguyện, đã 4 vụ sản xuất, nhiều người dân tại thôn Cao Nhuận, Cộng Hòa, làng Trù không thể canh tác trên thửa ruộng của mình do Công ty Huy Hoàn (đơn vị thi công có trụ sở tại Thanh Hóa) thi công cẩu thả.
“Khi thi công tuyến đường, họ đổ đất đá phong hóa xuống ruộng dù chưa xin ý kiến của người dân. Lãnh đạo xã, thôn đã thống kê và lập danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc đổ đất đá thải ra ruộng, đề nghị công ty bồi thường. Sau khi thôn, xã có ý kiến, Công ty Huy Hoàn mới thỏa thuận mượn đất và hứa hỗ trợ người dân mức kinh phí 5.000 đồng/m2. Thế nhưng khi làm xong đường, đơn vị không những không xử lý hết phần đất đá thải, mà còn không hỗ trợ hay bồi thường cho dân”, ông Nguyện nói.
Trong khi đó, người dân tại thôn Cao Nhuận đã "năm lần, bảy lượt" đề nghị chính quyền địa phương đấu mối với đơn vị thi công thực hiện hỗ trợ và hoàn trả lại mặt bằng để tái sản xuất, thế nhưng sau 2 năm, nguyện vọng của người dân vẫn chưa được xem xét, xử lý.
“Trước khi làm đường đại diện doanh nghiệp hứa mượn đất của dân vụ nào sẽ trả tiền vụ đó. Thế nhưng làm xong đường họ không trả tiền cũng bặt vô âm tín. Trưởng thôn, Chủ tịch UBND xã họp với dân đến gần chục lần để giải quyết kiến nghị nhưng vẫn chưa có kết quả”, một hộ dân (đề nghị giấu tên) tại thôn Cao Nhuận phản ánh.
Cũng theo ông Nguyện, có khoảng 100 héc ta đất sản xuất nông nghiệp tại thôn Cao Nhuận, Cộng Hòa, làng Trù, thị trấn Nông Cống có nguy cơ ảnh hưởng bởi hệ thống thủy lợi được đơn vị thi công hoàn trả không đồng nhất về nguyên tắc vận hành.
“Nước không thể tiêu thoát do nền cống cao hơn mặt mương. Do đó, hầu hết diện tích đồng đất tại các thôn nói trên sẽ đối diện với nguy cơ ngập úng nếu trời mưa lớn do nước không thể tiêu thoát. Người dân ngán ngẩm với cảnh đất canh tác bị vùi lấp và hệ thống tưới tiêu có vấn đề nên đã bỏ ruộng nhiều vụ”, ông Nguyện cho biết.
Tại hiện trường, lượng đất, đá thải được tập kết và tồn dư hàng trăm m3, cao hơn 1m, lấn sâu vào ruộng của người dân. Hàng nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp trong tình trạng khó cải tạo do bị nén chặt từ việc đổ đất, đá thải với khối lượng lớn. Một số vị trí mái taluy bị sạt trượt do mưa, tạo thành rãnh lớn. Một số họ dân lo ngại nếu trời mưa đất đá sẽ tràn ra ruộng, gây khó khăn cho sản xuất.
Tiếc rẻ vì cả khu ruộng tại thôn Cao Nhuận rộng hàng nghìn m2 bị bỏ vụ, cách đây không lâu, ông Phạm Hữu Dự (xã Vạn Thiện, Nông Cống) đã nhận lại một phần diện tích của các hộ dân để cải tạo, gieo cấy vụ xuân năm 2025. Tuy nhiên, chi phí để cải tạo ruộng đã ngốn của ông Dự cả chục triệu đồng. Bên cạnh đó, do hệ thống kênh mương không thể dẫn nước qua cống để phục vụ sản xuất, nên ông Dự buộc phải dùng máy bơm, hút nước từ ao để cấp cho ruộng lúa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí đơn vị thi công đường tận dụng đổ đất đá bóc phong hóa không thuộc quy hoạch bãi thải. Trong khi đó, tình trạng đất, đá thải được vận chuyển, tập kết tại khu vực ruộng của người dân diễn ra công khai trong suốt thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không có động thái xử lý quyết liệt, dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Văn Khiêu, Chủ tịch UBND xã Vạn Thiện cho biết, trên địa bàn xã có 19 hộ dân với diện tích khoảng 7.000m2 đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc đổ đất, đá phong hóa của đơn vị thi công.
“Chính quyền địa phương đã nhiều lần đôn đốc và gửi văn bản, đề nghị đơn vị thi công nhanh chóng xử lý hết phần đất, đá thải tại chân ruộng nhưng họ thực hiện khá chậm chạp. Hiện tại còn 6 hộ với khoảng 2.000m2 đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc đổ đất, đá chưa thể cải tạo, gieo cấy”, ông Khiêu cho hay.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Vạn Thiện đi Bến En dài 12 km có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 920 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 261 tỷ đồng. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình Giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư.