Thi nhân Ngô Như Mai |
Nội dung của truyện vui này tóm tắt như sau: Đầu năm 2000… Các báo chí xuất bản đều sổi nổi đăng tin tức quan trọng về máy “viết văn” dưới những đầu đề “giật gân” lớn…
Tờ Công thức trong bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sĩ máy!” đã giới thiệu như sau: “Nhờ áp dụng những khả năng mới nhất của khoa học điện tử, máy "viết văn" đã hoàn thành thoả mãn được nhu cầu văn nghệ ngày một tăng của loài người. Những sáng tác phẩm của nó, vừa kịp thời vừa minh hoạ đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống.
Mỗi giây đồng hồ máy đó có thể sản xuất được từ 7 đến 8.000 dòng văn thơ. Nếu dùng sức óc và tâm hồn người thì phải hàng ngàn văn nghệ sĩ với một trình độ sách vở rất cao, cặm cụi hàng trăm năm mới làm nổi… Do tính chất "Nhân văn" của máy nên ta tạo cho nó cái vỏ bọc ngoài, hình dáng một anh chàng: trẻ, khoẻ, đẹp, chỉ khác người "thật" là đứng nguyên một chỗ, không nói, cười, chạy nhẩy, nhất là không yêu đương lãng mạn lôi thôi…”.
Hơn một năm sau, hàng loạt văn sĩ máy, thi sĩ máy, kịch sĩ máy được tung ra thị trường. Một số cán bộ phụ trách về văn chương sính máy móc thi nhau mua về sử dụng. Còn văn nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt thì bị gạt ra ngoài: Nữ sĩ Trong Trắng ném bút làm nghề đỡ đẻ. Thi sĩ Mây Nước ra Bờ Hồ làm nghề bói Kiều tán dóc về thành phần giai cấp cho những người còn đầu óc mê tín dị đoan. Văn sĩ Đắng Văn Cay phải ra chợ giời làm nghề bán văn kiêm bán săm.
Một bộ phận văn nghệ sĩ tơi bời rối loạn. Ai cũng thù ghét lũ người máy mới ra đời kia, nhưng ai cũng chịu thua. Vì cứ công bằng mà nói thì “máy móc” quả là kịp thời sự, thông kinh sử, lại đúng khuôn phép, “tốt ăn tốt ở” hơn người thực ở cõi đời này.
Thi nhân Ngô Như Mai tiếp bạn yêu văn "Thi sĩ máy" |
Với truyện ngắn vui giả tưởng này, không lâu sau đó, tác giả gặp biết bao rắc rối. Bút danh Châm Văn Biếm được xác định rõ nhân thân là Ngô Huy Bỉnh, công tác tại Sở Báo chí Trung ương, còn có bút danh khác là Ngô Như Mai. Sau “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”, không chỉ riêng ông gặp rắc rối, mà một người khác có tên giống như vậy cũng liên lụy, đó là Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Trung ương Hoàng Như Mai (sau này là GS.NGND Hoàng Như Mai).
Giả vờ ... khỏe
Ngô Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh. Chữ Bỉnh tên ông được giải thích là viên ngọc. Ông sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý, tại Hải Phòng, còn quê ông ở Hưng Yên, sinh trưởng và học tập tại Hà Nội.
Xuất hành đầu xuân về Hòn Gai, tôi nhờ nhà thơ Trương Thiếu Huyền đưa đến thăm tác giả “Thi sĩ máy”. Nhìn con dốc Nhà Thờ dựng đứng, tôi thoáng có chút ngại ngần. Vượt qua đỉnh dốc thì vào nhà riêng của thi nhân Ngô Như Mai. Tiết xuân ấm áp, ông càng vui hơn khi có bạn văn chương đến chơi nhà. Những chuyện xưa cũ bao năm đã gói lại vào một vùng ký ức xa xăm, bây giờ sức khỏe là quý nhất với một người đang thập thững vào tuổi bách niên như ông. Ông kể, tối đến, 9-10 giờ thì đi ngủ. Từ 5-6 giờ sáng dậy, rồi đi bộ thể dục trên dốc Nhà Thờ. Hàng ngày vẫn xem tivi. Ngay trên bàn uống nước, tờ Báo Quảng Ninh gửi đều đặn ông vẫn theo dõi tin tức. Còn thời gian, ông lại đọc truyện cười, truyện ngụ ngôn.
Tôi hỏi thăm sức khỏe. “Giả vờ… khỏe”, ông đáp an nhiên tự tại. Có lẽ đó chính là liều thuốc tinh thần để ông luôn giữ được một tâm hồn tươi trẻ khi gánh trên lưng mình gần một thế kỷ thời gian với vài bận được đời sống quăng lên quật xuống.
Thi nhân Ngô Như Mai (đứng giữa) và đồng nghiệp báo Quảng Ninh (2009) |
Hơn 60 năm về trước, Ngô Như Mai từng tiên đoán có “Thi sĩ máy” thì bây giờ những “Thi sĩ máy” đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày hàng giờ. Những tin tức vừa kịp thời sự, vừa thông kinh sử đều có trên mạng Internet chỉ cần qua vài thao tác trên Google. Tôi mê mải ngắm “nhà tiên tri” Ngô Như Mai và nhà thơ Trương Thiếu Huyền đang cùng nhau lướt mạng để xem tin tức, xem cả bộ phim tài liệu “Tôi là ai” xây dựng chân dung thi nhân Ngô Như Mai. Không biết ông đang nghĩ gì, còn tôi lại nghĩ đến những người có tầm nhìn vượt thời gian của thế hệ ông. Họ đã thấy quá sớm. Và họ chịu nhiều thiệt thòi vì tầm nhìn vượt thời gian của mình.
Nhà báo say nghề
Sau truyện vui “Thi sĩ máy” trên Báo Nhân văn, từ năm 1958, Ngô Như Mai được điều về Quảng Ninh - hồi đó còn tên gọi Quảng Yên làm Báo Vùng mỏ (sau là Báo Quảng Ninh).
Sinh hoạt văn nghệ ở vùng mỏ, Ngô Như Mai lần lượt tham gia tờ nhật Báo Quảng Ninh - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh rồi tuần báo Hạ Long - tiếng nói của văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Ông kinh qua đủ vị trí từ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, thư ký tòa soạn, thậm chí có lúc còn được giao sửa mo-rát, chữa bản bông nhà in… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành.
Nhà báo Vũ Điều, nguyên Trưởng ban Kinh tế báo Quảng Ninh từng kể: “Tôi làm ở Ban Công nghiệp, dưới trướng của anh Như Mai, người say nghề như say thuốc lào vậy. Lúc nào anh Mai cũng ôm chiếc điếu cày khư khư trong túi. Lúc nào anh cũng hỏi chúng tôi về tin, bài và vấn đề tuyên truyền. Có thể nói hồn vía của anh Như Mai dồn vào nghề nghiệp, vào những chuyên mục tuyên truyền trên báo…”.
"Ngẫu hứng", tập thơ duy nhất của thi nhân Ngô Như Mai |
Thi nhân Ngô Như Mai, tác giả truyện vui “Thi sĩ máy”, đã thập thững tiến đến tuổi tròn trăm. Không còn ngày ngày dắt xe đạp lên xuống dốc Nhà Thờ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nữa, nhưng khi bạn văn chương hỏi thăm sức khỏe, “anh lão đa tình” ấy vẫn hóm hỉnh: “giả vờ… khỏe”. |