Chuyển biến tích cực
Bất động sản là ngành mũi nhọn đối với nền kinh tế, có độ lan tỏa cao, nhưng cũng luôn tạo ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã quyết tâm giúp thị trường bất động sản khôi phục. Rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, hệ thống ngân hàng cũng chung tay tham gia.

Thị trường địa ốc đang "ấm" dần nhưng chưa chuyển biến tích cực. Ảnh: Đình Du.
Mặc dù thị trường bất động sản đã và đang có tín hiệu tích cực từ đầu năm 2025 đến nay, nhưng để chuyển biến sang chu kỳ “vàng son” thì cần thêm thời gian. Trước việc Nhà nước chú trọng đẩy mạnh nhà giá rẻ, các chủ đầu tư đang có động thái ưu tiên xây dựng phân khúc phục vụ cho nhu cầu ở thực. Do đó, phân khúc này đã và đang được khoác chiếc “áo mới”, tín hiệu hồi phục rõ rệt, sức mua – bán dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư DKRA Group thông tin, trong quý I/2025, thị trường bất động sản TPHCM và các tỉnh lân cận phục hồi về sức mua. Bình Dương là địa phương có mức tăng trưởng nổi bật. Hiện có khoảng 113 dự án căn hộ, phần lớn nguồn cung đến từ các dự án được phê duyệt từ 5 năm trước. Thông tin sáp nhập một số khu vực hành chính, hạ tầng cải thiện, cùng các tín hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô góp phần tháo gỡ tâm lý e dè của nhà đầu tư. Chính sự cởi mở về tâm lý sẽ thúc đẩy sức tiêu thụ tăng dần trong những tháng còn lại của năm 2025.
Cần kích cầu sức mua
TPHCM và Bình Dương là hai thị trường chủ lực, chiếm tới gần 93% tổng lượng tiêu thụ căn hộ toàn khu vực. Đặc biệt, Bình Dương đang trở thành tâm điểm mới của thị trường, dự kiến sẽ duy trì vị thế này trong những năm tới 2026.
Về phân khúc đất nền, TPHCM và các tỉnh lân cận có khoảng 102 dự án đất nền được quy hoạch, với nguồn cung đạt 6.536 nền và lượng tiêu thụ đạt 430 nền, gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Nguồn cung tập trung chủ yếu tại ba địa phương: Long An, Bình Dương và Đồng Nai, chiếm khoảng 82% tổng cung sơ cấp toàn khu vực.

Thị trường đối diện với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Ảnh: Đình Du.
Về giá thứ cấp, một số khu vực ghi nhận biến động mạnh, đặc biệt là các khu vực có thông tin sáp nhập hành chính. Điển hình, tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, giá đất tăng khoảng 25% so với cuối năm 2024. Một số dự án trong tháng 3 vừa qua tăng giá đến 30%.
Tuy nhiên, các thông tin tăng giá đất ấy chỉ mang tính đầu cơ, dễ tạo nên “sốt ảo”, mang lại hệ lụy, có thể gây nên nỗi đau cho các nhà đầu tư…“đu đỉnh”.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, nguồn cung nhà ở tại TPHCM và các vùng phụ cận dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi. Thị trường tiếp tục đối diện với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, nhu cầu ở thực. Về sức cầu tiếp tục duy trì đà phục hồi, phân khúc căn hộ tiếp tục là đòn bẩy cho thị trường hồi phục.
Giá sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng dần trong quý II tới. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến tăng trong thời gian tới, nhưng vẫn chưa thể trở lại thời “vàng son”. Dự báo sức cầu ở mức trung bình, chưa có tín hiệu biến động mạnh. Chính vì vậy, các chính sách ưu đãi như chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê...các chủ đầu tư cần áp dụng hơn nữa để kích thích sức mua.