Lưu thông, tiêu thụ tốt hơn
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện nay tình hình kết nối, vận chuyển, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh có tiến triển hơn so với khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16. Một số địa phương đã thành lập Tổ tiêu thụ nông sản như huyện Châu Thành thành lập một tổ cấp huyện và huyện Châu Thành A thành lập 6 tổ cấp xã.
Các tổ này đã giúp kết nối tiêu thụ nông sản cho dân, giúp vận chuyển nông sản, giao nhận tại chốt. Các địa địa phương khác đã chỉ đạo Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên giúp thu hoạch, vận chuyện lại chốt giao hàng, tạo điều kiện cho thương lái thu mua tốt hơn.
Hiện nhiều mặt hàng đang giữ giá hoặc tăng nhẹ trở lại. Cụ thể, giá cá tra từ 21.000 - 22.500 đồng/kg (tùy loại), cá thát lát ở mức 45.000 - 60.000 đồng/kg, cá rô nuôi 34.000 – 38.000 đồng/kg, cá trê 35.000 - 50.000 đồng/kg, cá sặc rằn 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Nhiều đơn vị tại Hậu Giang cũng đang thu mua các mặt hàng thủy sản cho nông dân với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu chế biến. Tiêu biểu như Cơ sở Tân Phát thu mua cá thát lát trong dân trung bình mỗi ngày khoảng 1 tấn.
Từ 15/7 đến nay, đơn vị đã thu mua, tiêu thụ được hơn 33 tấn. Tương tự, HTX Kim Ngoan (huyện Vị Thủy) cũng đang thu mua các mặt hàng thủy sản cho nông dân để chế biến các sản phẩm cá thát tát tẩm gia vị, rút xương, làm chả cá thát lát tươi, lươn tươi tẩm gia vị và chế biến các loại cá khô…
Riêng HTX Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) đơn vị có xe vận chuyển đăng ký luồng xanh chở hàng đi TP. HCM tiêu thụ, trung bình 3 ngày đi một chuyến hàng khoảng 1 tấn. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay đã tiêu thụ được hơn 22 tấn, gồm chả cá thát lát chế biến thành phẩm như cá chả, cá thát lát rút xương, cá tẩm gia vị... và cá nguyên liệu.
Tại tỉnh Kiên Giang, hiện các huyện gồm U Minh Thượng, An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận, nông dân đang tập trung gieo, cấy vụ lúa thu đông trên nền đất nuôi tôm. Hầu hết các vuông nuôi đều được nông dân rút cạn nước để rửa mặn, nên sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi nước lợ trong khu vực cũng không còn nhiều.
Tại Kiên Giang, các mặt hàng thủy hải sản cũng đang tăng giá trở lại, nhờ nhiều huyện được công nhận vùng xanh, đã áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 gần một tuần nay. Giá cua biển tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Cụ thể cua tứ (4 con/kg) hiện có giá 130.000 đồng/kg; cua y (cua thịt) 150.000 đồng/kg, cua gạch son loại nhỏ 180.000 đồng/kg, loại lớn 250.000 đồng/kg. Giá tôm cũng đang tăng trở lại, cụ thể tôm sú loại 30 con/kg, giá 190.000 đồng/kg.
Để giúp nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp (Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang) đã kết nối tiệu thụ được gần 180 tấn nông sản và 30 tấn hải sản các loại sau gần 2 tháng hoạt động.
Không chỉ sử dụng các túi bán lẻ cho người tiêu dùng tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Trung tâm còn liên kết với Siêu thị Co.opmart Rạch Sỏi và Siêu thị CIC Rạch Sỏi cung cấp các mặt hành nông, thủy sản được cả chục tấn. Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp gói combo nông sản cho Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT được 2.200 túi đi tỉnh Bình Dương và TP. HCM tiêu thụ.
Nhiều mặt hàng thủy sản nước ngọt tăng giá
Tại TP Cần Thơ, giá các mặt hàng thủy sản nước ngọt được đánh bắt tự nhiên như cá lóc đồng và ếch đồng luôn ở mức cao gấp 2 - 3 lần so với cá lóc và ếch nuôi.
Chị Đặng Thị Ngọc Phương, thương lái bán cá ở chợ Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Trước thời điểm dịch Covid-19, giá cá lóc đồng tầm 120.000 - 140.000 đồng/kg, nhưng từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá cá lóc lại tăng giá mạnh. Cụ thể, cá lóc đồng con trên 0,5 kg trở lên, giá tầm 180 - 200 ngàn đồng/kg. Còn cá lóc đồng con trên 1kg giá phải 250 ngàn đồng/kg. Ếch đồng giá từ 130- 170 ngàn đồng… nhưng rất khan hiếm, ở các chợ ít khi có.
Theo chị Phương, giá các loại cá đồng tăng là do thực hiện giãn cách xã hội, không có người đi đánh bắt nên khan hiếm hàng, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng của người dân lại tăng.
Bên cạnh đó, mặt hàng nuôi như ếch, lươn, cá lóc và tôm càng xanh… cũng đã rục rịch tăng nhẹ ngay sau khi các tỉnh đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, giúp việc đi lại của nông dân và thương lái trở nên thuận lợi hơn, lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết: Đối với TP Cần Thơ có 2 mặt hàng chủ lực là lúa gạo và cá tra. Riêng mặt hàng cá tra hiện nay còn tồn đọng hơn 38.500 tấn đã tới cỡ thu hoạch nhưng phải chờ các nhà máy chế biến hoạt động trở lại để thu hoạch. Vì đa số các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ phải tạm ngưng hoạt động vì không đáp ứng các tiêu chí phòng dịch “3 tại chỗ”. Tỷ lệ tiêm vacxin Covid-19 cho công nhân ở các nhà máy thực hiện phương án “3 tại chỗ” hiện mới chỉ đạt 50%.
Theo ông Nhơn, từ đây đến cuối năm, để tháo gỡ khó khăn cho cá tra, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu vào cuối năm để không bị đứt gãy thị trường.
Dự kiến đến cuối năm, sản lượng thu hoạch khoảng 85.000 tấn, riêng cá tra gần 75.000 tấn. Trong khi giá cá tra hiện nay thương lái thu mua từ 20.500 - 21.000 đồng/kg, với giá này nông dân lỗ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Còn cá tra bán lẻ ở các chợ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Ngành nông nghiệp cùng Sở Công thương TP Cần Thơ đang hỗ trợ nông dân để kết nối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra để trong Quý IV/2021 ngành hàng này tìm được thị trường xuất khẩu tốt sẽ giúp giá cá tra tăng trở lại.