| Hotline: 0983.970.780

Giá một số nông sản rục rịch tăng trở lại

Thứ Hai 13/09/2021 , 18:23 (GMT+7)

Tại ĐBSCL, một số mặt hàng nông, thủy sản đang rục rịch tăng giá trở lại.

Thị trường trái cây "ấm" dần

Tại Long An, hiện việc đi lại đã được chính quyền các địa phương tạo điều kiện nên có phần thuận lợi hơn. Giá thanh long đã bắt đầu nhích lên, trên mức 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết: Những ngày qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương lái đi thu mua, nông dân thu hoạch nông sản. "Những người đã chích ngừa vacxin Covid-19 được đi lại sản xuất. Qua nắm bắt, tôi thấy đa phần người dân tham gia sản xuất ở huyện Châu Thành hiện đã đã được chích ngừa một mũi. Vì vậy hi vọng thời gian tới, tình hình sẽ dần khả quan hơn", ông Trịnh nói. 

Cũng theo ông Trịnh, hiện thanh long cũng đang vào thời điểm cuối vụ nên sản lượng rất hạn chế. Tuần này, dự kiến thu được khoảng 1.000 tấn, tuần sau thu khoảng 10.000 tấn nữa là hết vụ. Hiện người dân Long An cũng đang triển khai xông đèn cho thanh long vào vụ mới.

Giá trái thanh long tăng trở lại, hiện đạt trên 10.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Giá trái thanh long tăng trở lại, hiện đạt trên 10.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Tương tự thanh long, giá trái khóm (dứa) tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang những ngày qua cũng đã tăng cao trở lại nhờ các hoạt động kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được nới lỏng. Hiện giá khóm được các thương lái thu mua khoảng 6.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với 2 - 3 tuần trước.

Chị Kim Tuyến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trần Bình Minh ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, cho biết: Hiện vấn đề đi lại cũng dễ hơn trước. Thị trường tiêu thụ cũng ấm dần lên khi các chợ đầu mối ở TP. HCM hoạt động trở lại. Hiện đã có xe ở TP. HCM xuống địa bàn thu mua. Bên cạnh đó, thời điểm này sản lượng khóm cũng ít nên nguồn cung càng hạn chế, nên phần nào giá tăng. 

Cố gắng cầm cự, chờ khôi phục sản xuất

Dù khu vực xã Long Định (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chưa được xếp vào nhóm vùng xanh đối với dịch Covid-19, nhưng HTX Nông nghiệp Thuận Giàu ở ấp 2 cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch, phương án khôi phục sản xuất sau ngày 15/9.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Giàu, Giám đốc HTX cho hay: Hiện rau ăn củ, quả như bầu, bí, dưa leo, khoai mỡ… của HTX vẫn sản xuất bình thường, liên tục do tốn nhiều thời gian chăm sóc mới cho thu hoạch. Riêng các loại rau ăn lá thời gian bảo quản thấp, thị trường tiêu thụ chậm nên HTX đã giảm diện tích xuống còn khoảng 30%.

“Mình chờ quyết định sau 15/9 của Nhà nước như thế nào mới lựa chọn phương án tính tiếp, tại vì chỗ của mình tình hình dịch bệnh cũng phức tạp, đi lại vẫn khó khăn, nguy hiểm. Rau củ chỉ bán vô siêu thị, còn ở chợ truyền thống thì rất chậm. Hiện mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng 1,5 tấn rau củ cho các đầu mối tiêu thụ. Riêng bầu bí được siêu thị mua vô với giá từ 14.000 đồng/kg, giá này chưa tăng”, bà Giàu cho biết.

HTX Thuận Giàu đã chuẩn bị các phương án tái sản xuất sau dịch. Ảnh: Minh Đảm.

HTX Thuận Giàu đã chuẩn bị các phương án tái sản xuất sau dịch. Ảnh: Minh Đảm.

Trong khi đó, hiện một số loại thuỷ sản nước ngọt tại các cơ sở nuôi vẫn chưa tăng nhưng đã cơ bản ổn định, cắt được đà tụt giảm. Anh Cao Phú Khánh, Giám đốc HTX Thuỷ sản Long Thạnh (tỉnh Long An) cho biết: Hiện giá tại ao của bà con vẫn còn ở mức thấp. Cá trê vàng 43.000 đồng/kg, cá lóc 48.000 đồng/kg, cá rô 29.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân neo cá, khiến chỉ số thức ăn tăng. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng trên 100.000 đồng/bao nên người dân hầu như không có lời.

Theo khảo sát của các thành viên liên kết với HTX Long Thạnh tại ĐBSCL, hiện nhiều bà con đã bỏ ao do nuôi không lời. Trước tình hình này, để khôi phục sản xuất, HTX đang nghĩ đến việc tự sản xuất thức ăn bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giúp giảm giá thành nuôi để cầm cự.

HTX Chăn nuôi thuỷ sản Gò Công (thị xã Gò Công, Tiền Giang) có 30 thành viên chăn nuôi gà nòi lai Bình Định. Mỗi hộ nuôi tối đa 3.000 con/lứa. HTX cho biết hiện vẫn cung cấp ổn định cho các đầu mối, hoạt động sản xuất vẫn đang được duy trì.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX cho biết: “Từ đầu năm, chúng tôi đã ký hợp đồng sản xuất tiêu thụ với các đầu mối với giá gà mái 72.000 đồng/kg, gà trống 62.000 đồng/kg. Đợt dịch này, HTX đã thấm thía hơn yếu tố chất lượng, chỉ có liên kết sản xuất - tiêu thụ mới quyết định sự tồn tại của HTX. Chúng tôi đặt mục tiêu mọi sản phẩm sản xuất ra phải được tiêu thụ hết, chứ không chạy đua theo số lượng. Hiện HTX vẫn sản xuất theo các đơn đặt hàng đã ký với các đối tác trước đó”.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.