| Hotline: 0983.970.780

Đồng bằng sông Cửu Long:

Thích ứng biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra cho các nhà khoa học

Thứ Sáu 30/10/2020 , 11:50 (GMT+7)

Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề để các nhà khoa học đưa ra giải pháp giúp nông dân ĐBSCL sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Triều cường, nước biển dâng là nỗi lo lớn nhất của ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Triều cường, nước biển dâng là nỗi lo lớn nhất của ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Ngày 30/10, tại trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – Phân hiệu Vĩnh Long diễn ra Hội thảo chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu đã tạo ra các tác động kinh tế xã hội sâu rộng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc cung cầu hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng: Vừa qua, xâm nhập mặn với nồng độ 4‰ hơn 100km dẫn đến hàng chục ngàn ha lúa bị mất trắng. Các hậu quả này là chủ yếu của các hình thái biến đổi khí hậu, do lượng mưa giảm và nước biển dâng. ĐBSCL đóng góp 1/5 GDP của cả nước, cung cấp gần 60% sản lượng lúa và 40% lượng thuỷ sản.

Theo các nghiên cứu của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ngân hàng Thế giới, trong vòng 100 năm nữa, ĐBSCL sẽ thấp hơn mực nước biển 1m. Hiện nay, các nghiên cứu khảo sát ở Cà Mau mỗi năm sụt lún khoảng 1 - 1,5cm. Nỗi lo lớn nhất của ĐBSCL do biến đổi khí hậu gây ra là nước biển dâng.

Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh hơn liên tiếp các tháng mùa khô năm 2009, 2010, 2011, 2016 và 2019 độ mặn cao nhất trên các sông lớn của địa bàn. Hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ 5‰. Đặc biệt, mùa khô 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới vượt đỉnh năm 2016 và kéo dài đến tháng 5. Thiệt hại do thiên tai ở Vĩnh Long từ đầu năm đến tháng 8/2020 là 334 tỷ đồng.

GS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là nhiệt độ có xu thế tăng lên trong toàn khu vực với mức tăng từ 0,4 đến 1,6 độ C trên 61 năm. Lượng mưa có xu thế gia tăng từ 1,5-20% trong vòng 61 năm nhưng xu thế tăng mưa mùa đông, mùa xuân, giảm ở mùa hè và các tỉnh ven biển. Các hiện tượng cực đoan như số ngày nắng nóng kéo dài; xu thế nước biểng dâng từ 3,5-8,7mm/năm; hạn hán tăng từ 0,05-0,2 đơn vị/61 năm.

GS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn - Bộ Tài nguyên & Môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

GS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn - Bộ Tài nguyên & Môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Nước biển dâng là thách thức lớn nhất của đồng bằng châu thổ này. Nếu nước biểng dâng cao 100cm, sẽ có khoảng 38% diện tich có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%). Khi đó, ảnh hưởng của nước mặn thường xuyên nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Làng Sen, Trà Rai, Hà Tiên, Bãi Bồi, Đất Mũi trở nên kém bền vững hơn.

Bên cạnh đó, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, 1/3 “vựa thóc” của cả nước bị ngập, 85% dân cư cần được hỗ trợ về nông nghiệp, đất bị suy thoái, hiện tượng di dân làm xáo trộn quy hoạch đô thị. Ngoài ra, xói lởi bờ sông, bờ biển và giảm dòng chảy mùa khô cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm. (GS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn)

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, giải pháp căn cơ để nông sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu là bài toán khó. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, giải pháp căn cơ để nông sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu là bài toán khó. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của nhân dân. Tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến diện tích gieo trồng, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản. Thực tế đó đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược phát triển bền vững căn cơ đồng bộ.

Năm rồi thiệt hại không lớn nhờ sự chuẩn bị nhưng mặn cũng đã đến cầu Mỹ Thuận. Dự báo biến đổi khí hậu thì càng ngày càng gay gắt. Vì vậy, giải pháp căn cơ thế nào cần các nhà khoa học, cần nhiều ngành, kể cả cộng đồng tham gia cái này cho Vĩnh Long và ĐBSCL. Không thể trồng cây sầu riêng, cây chôm chôm, kể cả lúa vụ 3 thì trồng cây gì thích ứng với biến đổi khí hậu? Đây là bài toán rất là lớn, rất cần các nhà khoa học trả lời câu hỏi này với nhân dân.

(Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Xem thêm
Ông Hoàng Gia Long được giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 26/12/2024 giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2021-2026 cho ông Hoàng Gia Long.

Làm đường hư hỏng công trình thủy lợi, hơn 5 ha đất sản xuất bỏ hoang

YÊN BÁI Cả cánh đồng ruộng bậc thang rộng khoảng 5 ha của người dân thôn Khe Mạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bởi công trình thủy lợi bị hư hỏng do làm đường giao thông.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).