PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận xét: Trong thời gian qua nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được nông dân các nơi triển khai. Đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Một số mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái, đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch.
Thực tế ở ĐBSCL trong những năm qua với sự nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 120, cộng hưởng hiệu quả của các chính sách trước đây, nông nghiệp ĐBSCL tiếp tục chứng minh được vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Hiện nay, ĐBSCL đã hình thành các vùng SX tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Riêng diện tích liên kết SX lúa trên cánh đồng lớn trong vùng đạt trên 427.000 ha, chiếm 74% diện tích cánh đồng lớn của cả nước.
Các tỉnh, thành trong vùng đã hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi. Sự liên kết giữa các HTX nông nghiệp và DN ở nhiều địa phương chuyển hướng theo sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thích ứng với BĐKH. Nhiều địa phương hoạnh định kế hoạch, đánh giá thị trường để tổ chức SX, điều chỉnh quy mô và cơ cấu SX cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình SX thích ứng hơn với BĐKH được các viện, trường đại học chuyên ngành đẩy mạnh.
Về lúa gạo, hiện ĐBSCL có 41 bộ giống lúa SX thử, trong đó nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn. Trong 3 năm đã tăng được từ 54% lên 60% đối với giống lúa thơm, từ 65% lên 70% giống xác nhận. Về trái cây, SX những tổ hợp gốc ghép cây ăn quả chống chịu mặn, xây dựng được quy trình rải vụ, bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây ăn quả đặc hữu, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao. Về thủy sản, cơ bản đảm bảo giống cho khoảng 5.200 ha nuôi, sản lượng nuôi hàng năm khoảng 1,4 triệu tấn; SX được khoảng 29 tỷ con tôm giống, chiếm trên 23% sản lượng cả nước, đáp ứng trên 48% nhu cầu thả nuôi.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 5 năm tới các viện, trường sẽ tiếp tục nâng cao trình độ nghiên cứu, chọn tạo, ứng dụng tập trung vào 3 ngành hàng chủ lực chính, gồm: Lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản (cá tra, tôm nước lợ). Phấn đấu đến năm 2030 làm chủ nguồn giống trong nước có chất lượng, năng suất, hiệu quả thích ứng với BĐKH. Bộ NN-PTNT đang khẩn trương hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt là chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH gắn với xây dựng NTM vùng ĐBSCL đạt hiệu quả, chất lượng.
Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT chủ động vào cuộc, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH gắn với xây dựng NTM vùng ĐBSCL, phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai và nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH của vùng.
Tiếp theo Bộ NN-PTNT ban hành Kế hoạch theo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết, theo định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL “thịnh vượng, an toàn, bền vững”. Trong đó tập trung cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với BĐKH...