| Hotline: 0983.970.780

Thích ứng EUDR - góc nhìn từ một doanh nghiệp

Thứ Sáu 21/07/2023 , 06:28 (GMT+7)

Các doanh nghiệp sản xuất cao su ở Tây Nguyên sớm nắm bắt tinh thần của Quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR) và có biện pháp để sẵn sàng đáp ứng thay đổi này.

Các công ty cao su ở Tây Nguyên, trong đó có Công ty TNHH MTV cao su Ea H'leo đã có những đầu tư cho phát triển bền vững, sẵn sàng trước quy định mới của châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.

Các công ty cao su ở Tây Nguyên, trong đó có Công ty TNHH MTV cao su Ea H'leo đã có những đầu tư cho phát triển bền vững, sẵn sàng trước quy định mới của châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.

Đầu tư để phát triển bền vững

Các quy định của EUDR ảnh hưởng trực tiếp đến 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu, trong đó có cao su. Sớm nhận biết vấn đề này, ngay từ lúc Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất EUDR vào giữa tháng 11/2021, Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung giám sát, kiểm soát diện tích vùng trồng nhằm không gây mất rừng và làm suy thoái rừng.

Dựa trên định hướng này, Công ty TNHH MTV cao su Ea H'leo bước đầu thực hiện các biện pháp tích cực tại các vùng trồng nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Năm 2022, công ty hoàn thành chứng nhận FSC-CoC. Đây là chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm FSC, chứng minh doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến, kinh doanh… các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cao su Ea H’leo chia sẻ: “Trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, chúng tôi cam kết nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư để chinh phục thị trường khó tính”.

Theo ông Tuấn, công ty đã đề ra 3 giải pháp chính. Thứ nhất, phấn đấu nâng cao diện tích trồng cao su đạt các chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC, PEFC… Do đặc tính trắng đẹp, có thể làm được đồ nội thất cao cấp, gỗ cao su có thể nâng cao giá trị thêm khoảng 20% nếu có FSC. Cùng với đó, giá mủ cao su cũng sẽ tăng theo.

Tại Việt Nam, gỗ cao su còn khó lấy chứng nhận FSC cho vùng nguyên liệu. Vì thế, ông Tuấn hy vọng các cấp, các ngành quan tâm để ngành cao su có thể thực hiện điều này.

Biện pháp thứ hai của Công ty Cao su Ea H’leo là phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea H’leo. Trên cơ sở này, công ty sẽ tăng cường quản lý rủi ro liên quan tới các khía cạnh tuân thủ, hài hòa lợi ích đối với người dân bản địa trong các khâu của chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là định hướng của huyện Ea H’leo trong mục tiêu đưa địa bàn trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh tại cửa ngõ phía Bắc.

Hiện công ty đang thí điểm mô hình 60ha sản xuất ngô và khoai tây, trồng xen canh với cao su. Đây là các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn trên thị trường, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên nhưng còn khan khiếm về nguồn cung.

“Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, rằng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất cao su không thật cao so với các cây rau màu ngắn ngày. Do đó, công ty sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ cao, giúp tăng thu nhập người lao động và cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Công ty Cao su Ea H’leo, quá trình chuyển đổi này cần thực hiện một cách thận trọng bởi cần đi kèm với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, đồng thời phân tích thị trường, tìm hướng ra bền vững cho sản phẩm.

EUDR là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho các ngành hàng, trong đó có cao su, phát triển bền vững. Tâm niệm điều ấy, ông Lê Anh Tuấn cam kết công khai, minh bạch thông tin chi tiết từ tên sản phẩm, ngày, địa điểm, lượng sản xuất đến các bằng chứng không liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng, bằng chứng về tuân thủ với các yêu cầu của pháp luật Việt Nam như thủ tục đất đai hợp pháp, hoàn thành trách nhiệm về thuế, phí, tuân thủ quy định về chế biến, an toàn lao động…

Tây Nguyên là vùng có nhiều ngành hàng sẽ chịu ảnh hưởng của EUDR nên các địa phương rất quan tâm và có những giải pháp sớm cho vấn đề này. Ảnh: Tùng Đinh.

Tây Nguyên là vùng có nhiều ngành hàng sẽ chịu ảnh hưởng của EUDR nên các địa phương rất quan tâm và có những giải pháp sớm cho vấn đề này. Ảnh: Tùng Đinh.

Địa phương ủng hộ

Với EUDR, có 3 ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là gỗ, cao su và cà phê. Ở Tây Nguyên, cả 3 ngành hàng này đều đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là cao su và cà phê. Do đó, ngoài việc nắm thông tin về EUDR từ sớm, các địa phương ở đây cũng đã có nhiều chính sách, chiến lược để đảm bảo được các quy định về phát triển nông nghiệp bền vững.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk cho biết, địa phương có dư địa phát triển nông nghiệp rất tốt, đặc biệt là những cây công nghiệp vì có khoảng 80.000ha đất đỏ bazan. Đây là điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cao su, cà phê, tiêu, điều hay mới đây là mắc ca, sầu riêng.

"Vừa qua, khi châu Âu có quy định mới về các sản phẩm nông sản liên quan đến phá rừng hay xâm hại rừng (EUDR), địa phương đã nắm bắt và tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp thu mua, chế biến", ông Nguyễn Văn Hà cho biết.

Cụ thể, huyện đề xuất các công ty thu mua không tiếp nhận các nông sản có nguồn gốc liên quan đến đất rừng. Tuy nhiên, để giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện Ea H'Leo cũng đã có giải pháp để đảm bảo được quy định mới này của châu Âu.

Theo Chủ tịch UBND huyện, giải pháp này là địa phương đã xây dựng quy hoạch tổng thể cho toàn huyện, trong đó xây dựng các phương án sử dụng đất. Hiện nay, quy hoạch tổng thể của huyện Ea H'Leo đã được tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, ông Nguyễn Văn Hà cho biết thêm.

Từ đó, huyện đã điều chỉnh một số quỹ đất để tích hợp với quy hoạch của tỉnh cũng như quy hoạch của quốc gia. Theo ông Hà, sau khi điều chỉnh thì sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng của một số khu vực.

"Một số diện tích đất trước đây là đất rừng nhưng hiện nay không còn rừng nữa, chúng tôi sẽ xem xét để có thể chuyển đổi sang đất nông nghiệp", ông Hà lý giải.

Theo đó, người dân sẽ có thể yên tâm sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mà không phải lo lắng về việc sẽ vi phạm các quy định của châu Âu trong EUDR. Ngoài ra, điều này cũng giúp các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thể yên tâm thu mua các sản phẩm, không lo ngại về nguồn gốc liên quan đến rừng nữa.

Gấp rút đáp ứng VFSC

Ngoài chứng nhận FSC-CoC hoàn thành năm 2022, hiện nay, Công ty TNHH MTV cao su Ea H'leo đang xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ VFSC.

Trong đó, công ty đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát thực địa các nông trường sẽ xây dựng chứng chỉ, ví dụ như Nông trường EaSol, Nông trường EaRal, Nông trường EaHiao, Đội DlieYang. Nội dung bao gồm khảo sát các khu vực cất trữ thuốc bảo vệ thực vật, khu vực ven sông suối, xói mòn, khu vực nhà mủ, khu vực trồng xen.

Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân viên về các nội dung như khai thác gỗ tác động thấp, các quy định về an toàn lao động, xác định các hoạt động trái phép trong vườn cây, quản lý sử dụng hóa chất và an toàn khi sử dụng thuốc BVTV.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.