| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 16/10/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 16/10/2017

Thiên tai khủng khiếp và trách nhiệm của con người?

Thiên tai, đương nhiên là do trời. Nhưng với những thiệt hại trên, con người có phải chịu trách nhiệm không? Có, và trách nhiệm rất lớn nữa là đằng khác. 

Gần 100 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương, hàng trăm cột điện gẫy, đổ, 189 ngôi nhà bị sập, 1.216 ngôi nhà bị hỏng, bị tốc mái, 83.862 ha hoa màu, thủy sản mất trắng, 44.877 gia súc, gia cầm bị chết...Những con số thiệt hại quá lớn, quá kinh hoàng, chỉ trong vài ngày mưa, dù chỉ là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nỗi đau của những gia đình có người chết và mất tích, còn lâu lắm mới nguôi. Những ngôi nhà bị sập, bị hỏng, và cả diện tích hoa màu, thủy sản bị hư hại nữa...Phải nhiều tháng sau mới khôi phục được. Chưa hết, bão cũ vừa qua, bão mới lại lăm le đổ bộ, nguy cơ lũ chồng lũ đang hiển hiện trước mắt.

Thiên tai, đương nhiên là do trời. Nhưng với những thiệt hại trên, con người có phải chịu trách nhiệm không? Có, và trách nhiệm rất lớn nữa là đằng khác. Lũ ống, lũ quét, lụt lội...Có nguyên nhân trực tiếp là do phá rừng bừa bãi, khiến diện tích che phủ của rừng bị mất mỗi năm lại tăng theo cấp số nhân, rừng không còn khả năng giữ nước. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng, nhưng chỉ từ năm ngoái đến nay thôi, gần 2.000 vụ phá rừng, với diện tích hàng ngàn ha. Chỉ riêng ở Tây Nguyên thôi, từ năm 2016 đến nay, diện tích rừng đã giảm 11.000 ha. Và tình hình phá rừng vẫn đang hết sức phức tạp. Nếu không ngăn chặn một cách kiên quyết, thì chẳng bao lâu nữa “về cơ bản, chúng ta đã phá xong rừng”, như câu nói của dân gian.

Một trách nhiệm nữa của con người trước thiên tai, là chúng ta dự báo chưa đúng, chưa sát với tình hình mưa lũ, như văn bản của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa mới ban hành. Và trước lời phê bình đó, thì cũng như bao nhiêu vụ việc khác, “bài ca đổ lỗi” lại được cất lên. Rằng dự báo chưa đúng, chưa sát là do thiếu thiết bị, và do “ông trời mưa gió cực đoan, rất khó lường”.

Thật là những lý do “rất đúng quy trình”. Rõ khổ. Do ông trời “mưa gió cực đoan, rất khó lường” nên mới phải sinh ra cơ quan dự báo. Thiếu thiết bị đâu phải là lý do. Bởi ngoài cơ quan dự báo nội địa, còn có thể liên lạc, trao đổi, tham khảo những cơ quan dự báo trong khu vực và trên thế giới. Đổ tại thiết bị thiếu và ông trời, là những cách đổ tội dễ dàng nhất, nhưng cũng vô trách nhiệm nhất. Chưa hết, còn những lý do được đưa ra khiến dư luận phải bật cười, nhưng sau khi cười xong, thì lòng dạ người ta đắng ngắt. Đó là việc vỡ đê Bùi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Trong khi dân của mấy xã vùng đê vỡ, cho đến hôm nay, vẫn còn phải chui rúc trong những chiếc lều bạt dựng tạm trên cao, do nhà cửa bị ngập đến mái vì đê vỡ, thì chi cục trưởng chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội thản nhiên “Vỡ đê Bùi là vỡ có kế hoạch chứ hoàn hoàn không phải bất ngờ”.

Khủng khiếp chưa? Nói thế, tức là người ta đã có kế hoạch hẳn hoi về việc 'để' mấy vạn con người trong dòng nước lũ từ trước?

Hóa ra, thiên tai hoàn toàn không phải do trời.