Tỉnh Đồng Tháp có hơn 50km đường biên giới. Thời gian qua, dịch bệnh động vật vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Do đó, việc kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật nuôi.
Ngày 25/5/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị là: Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Trạm Thủy sản.
Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm đang tồn tại một số vướng mắc liên quan đến công tác chuyên môn và chức năng quản lý nhà nước. Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ năm 1993, khi Pháp lệnh Thú y ra đời, ngành thú y tỉnh rất quan tâm đến mạng lưới thú y cơ sở. Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành thú y đào tạo mạng lưới thú y cơ sở cho tất cả các xã, phường trong toàn tỉnh.
Nhờ đó, mạng lưới thú y cơ sở tại địa phương nắm bắt được toàn bộ hoạt động chăn nuôi như: thống kê đàn, lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng, điều trị, hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăn nuôi, xử lý dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ… Tất cả những công tác này, do mạng lưới thú y cơ sở đảm nhận, thực hiện tốt, nắm chắc tình hình. Đặc biệt, tiếp nhận thông tin kịp thời từ cơ quan cấp trên để có giải pháp xử lý khi xảy ra dịch bệnh.
Nhận định mạng lưới thú y cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt, ông Hiền đánh giá nếu không có mạng lưới thú y cơ sở vấn đề chăn nuôi, xử lý dịch bệnh hay các công tác liên quan đến công tác chăn nuôi của địa phương sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nhất là khi xảy ra dịch bệnh không có giải pháp xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.
Từ khi tỉnh Đồng Tháp thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, với trên 20 nhân sự. Trong đó có đầy đủ các thành phần, ngành nghề, nhưng riêng ngành chăn nuôi thú y lại ít cán bộ, do đó việc quản lý nhà nước không được thực hiện tốt.
Nói về nguyên nhân, ông Hiền cho rằng, những cán bộ này là viên chức, không phải công chức do đó không thực hiện được công tác quản lý nhà nước. Xét về chuyên môn ngành thú y, do ít nhân sự, ảnh hưởng đến công tác bám sát địa bàn.
Bên cạnh đó, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện ít gắn kết với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Do đó việc trao đổi thông tin giữa các bên cũng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, từ năm 2018 - 2021 mạng lưới thú y cấp xã đã không còn. Việc báo cáo của Trung tâm dịch vụ cấp huyện và Phòng NN-PTNT bị ảnh hưởng rất lớn, do không có số liệu.
“Do không có “chân rết” ở địa phương nên việc nắm bắt tình hình chăn nuôi, thú y còn hạn chế vì không đủ nhân lực, thiếu gắn kết với thú y cơ sở. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Trung tâm dịch vụ cấp huyện không thực hiện được”, ông Hiền nêu khó khăn.
Thực tế, hiện ở tỉnh Đồng Tháp không có Trạm chăn nuôi thú y cấp huyện, chỉ có nhân viên thú y cấp xã. Tuy nhiên, những cán bộ này lại trực thuộc UBND xã, là cán bộ không chuyên trách, do xã quản lý.
Vì thế, bị hạn chế khi thực hiện nhiệm vụ về công tác chăn nuôi, thú y, thủy sản. Do các cán bộ này đảm nhận thêm nhiều công việc khác của UBND cấp xã giao thực hiện. Trong khi nhiệm vụ trọng tâm về chăn nuôi, thú y, thủy sản lại không thể thực hiện đầy đủ. Hơn nữa, trường hợp huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh, những cán bộ trực thuộc xã nên cũng không thể thực hiện.
Riêng về chế độ chính sách cho mạng lưới thú y cơ sở cũng chưa có. Việc thông tin từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, không suôn sẻ như trước đây.
Do đó, ông Hiền kiến nghị, để mạng lưới thú y cơ sở phát huy hiệu quả, phải có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, giúp công tác quản lý được thông suốt.
Bên cạnh đó, cần có chính sách lương, phụ cấp thống nhất đồng bộ, như thế mạng lưới thú y mới mang lại hiệu quả thiết thực.