| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài 2] Phải làm thêm đủ thứ nghề

Thứ Tư 11/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Khánh Hòa Nhiều cán bộ thú y cơ sở tại Khánh Hòa phải tranh thủ ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc để làm thêm bốc vác, phụ hồ, đúc bi bê tông, giao bún… kiếm sống.

Nghề thú y cơ sở không đơn giản, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: KS.

Nghề thú y cơ sở không đơn giản, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: KS.

Nhọc nhằn nghề thú y cơ sở

Chúng tôi có dịp theo ông Nguyễn Lực (64 tuổi), thú y viên xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh đến một xóm ở thôn Lỗ Gia để tiêm phòng dại cho chó, mèo. Tại đây, nhiều gia đình đi vắng nên ông bảo với trưởng thôn sẽ quay lại vào buổi chiều để tiêm cho xong.

Ông Lực chia sẻ, trong công tác tiêm phòng đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, một số nơi người dân không phối hợp tiêm phòng cho gia súc, ông phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Chưa kể trên địa bàn, tập quán chăn nuôi không tập trung, quy mô nhỏ lẻ, người dân có thói quen thả rông gia súc nên việc tiêm phòng càng trở nên vất vả hơn.

“Nhiều khi tôi phải đi lại 2-3 ngày mới tiêm được đàn bò của một hộ dân. Vì họ thả bò đi ăn sáng sớm, chiều lại lùa về muộn”, ông Lực bày tỏ.

Ông Lực cho biết, công việc thú y cơ sở khá vất vả nên lớp trẻ không về xã làm. Ảnh: KS.

Ông Lực cho biết, công việc thú y cơ sở khá vất vả nên lớp trẻ không về xã làm. Ảnh: KS.

Theo ông Lực, toàn xã Suối Tiên hiện có trên 700 con gia súc, 320 con chó và trên 20.000 con gia cầm. Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, hàng năm, khi sắp đến đợt tiêm phòng, ông đều vận động, hướng dẫn bà con thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo hình thức cuốn chiếu.

Định kỳ ông Lực tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm 2 lần/năm, lần 1 từ tháng 3 - 4, lần 2 từ tháng 9 - 11. Vất vả nhất là vào những đợt mưa gió, điều kiện công việc có nhiều trở ngại, nhưng ông vẫn luôn cố gắng bám sát kế hoạch, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi người dân báo vật nuôi ốm, chết, ông luôn có mặt kịp thời để chữa trị, xử lý dịch bệnh nếu xảy ra.

“Nghề này không kể mưa nắng, đêm ngày, xa gần, khi người dân báo có vật nuôi bị ốm thú y cơ sở phải đến tận nơi kiểm tra, tìm nguyên nhân để chủ động phòng dịch bệnh. Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, làm việc trong môi trường độc hại vì thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải, động vật chết hôi thối, cũng như có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là cúm gia cầm”, ông Lực chia sẻ.

Chứng kiến những thao tác ông Lực thực hiện tiêm phòng mới thấy, đây là nghề không đơn giản, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc tiêm phòng cho vật nuôi không hề đơn giản, tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: KS.

Việc tiêm phòng cho vật nuôi không hề đơn giản, tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: KS.

Ông Lực kể, nhiều vật nuôi hung hãn, ông phải đối mặt với tai nạn bất ngờ trong quá trình tiêm phòng, chữa trị bệnh. Thực tế, ông từng bị chó cắn khi tiêm phòng cách đây vài năm trước, sau đó phải tiêm ngừa dại.

Thế nhưng, chuyện đó còn bình thường so với việc ông bị bò đá vào hông văng vài mét, nằm bất động, gây trọng thương nặng. Vụ việc này xảy ra hơn mười năm trước nhưng là nỗi ám ảnh vì đã khiến ông phải nằm viện hơn cả tháng trời để bó bột, uống thuốc, rồi bôi xoa thuốc cổ truyền, tốn rất nhiều tiền mới bình phục.

Trong khi đó, mức lương hàng tháng trước đây của thú y cơ sở trình độ trung cấp chỉ hơn 1,3 triệu đồng, còn từ 1/7/2024 tăng lên 2,7 triệu đồng sau khi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Do đó, ông Lực cho rằng, để bám trụ nghề này, thú y cơ sở phải yêu nghề. Tiếc là các lớp trẻ bây giờ học nghề thú y rất nhiều song chẳng ai về làm cán bộ thú ý xã. Cũng lẽ đó nên dù đã tuổi về hưu, cũng từng làm đơn xin nghỉ việc nhưng xã vẫn “níu kéo” ông Lực ở lại làm thêm cho địa phương.

Bốc vác, phụ hồ, đúc bi bê tông, giao bún,...

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diên Khánh cho biết, toàn huyện có 18 xã, thị trấn. Trước đây, nhân viên thú y cấp xã thuộc trạm, tuy nhiên từ năm 2018 đã chuyển về cho UBND xã quản lý. Hiện, các xã, thị trấn trên địa bàn đều có đầy đủ nhân viên thú y cấp xã.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diên Khánh xuống cấp, xập xệ. Ảnh: KS.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diên Khánh xuống cấp, xập xệ. Ảnh: KS.

Đây là lực lượng nòng cốt, được coi là “cánh tay nối dài” của ngành chăn nuôi thú y, có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu phòng chống, khống chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn mình quản lý, cán bộ thú y cơ sở còn tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi.

Cũng như hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vacxin phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn phụ trách.

Theo bà Hiếu, đối với những địa phương với số lượng gia súc, gia cầm lớn, phạm vi chăn nuôi rộng, địa điểm phân tán, nhân viên thú y cấp xã phải dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu địa phương nào quan tâm đến công tác thú y thì nhân viên thú y ở đó sẽ vơi đi được phần nào nỗi vất vả, nhọc nhằn.

Thú y cơ sở thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải, động vật chết hôi thối. Ảnh: KS.

Thú y cơ sở thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải, động vật chết hôi thối. Ảnh: KS.

Công việc khó khăn là thế nhưng chế độ lương của cán bộ thú y cơ sở không được tính theo bằng cấp mà chỉ được tính theo mức phụ cấp của chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị quyết 24/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 7/12/2023.

Do vậy, không đảm bảo thu nhập nên nhiều cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn huyện Diên Khánh phải tranh thủ ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc để làm thêm bốc vác, phụ hồ, đúc bi bê tông, giao bún, thu tiền điện thoại…để kiếm sống.

Như trường hợp anh Trần Bảo Quốc, cán bộ thú y xã Diên Hòa với 13 năm trong nghề thú y cơ sở đã nếm những vất vả riêng trong công việc. Nhất là, mỗi khi có việc cấp bách liên quan tới thú y, anh đều xắn tay vào việc bất kể ngày hay đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Thế nhưng nhìn lại khoản mức trợ cấp nhận hàng tháng, anh Quốc không tránh khỏi chạnh lòng.

Anh Quốc cho biết, lúc đầu mới vào làm nghề thu ý, anh nhận chưa tới 1 triệu/tháng. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, ai kêu công việc gì anh làm nấy như bồi bàn cho đám cưới, bốc xếp sắt thép, thậm chí phụ hồ. Đến năm 2016, nhờ mối quan hệ xã hội, anh bén duyên nghề đúc bi bê tông cho đến nay.

Thú y cơ sở được coi là 'cánh tay nối dài' của ngành chăn nuôi. Ảnh: KS.

Thú y cơ sở được coi là “cánh tay nối dài” của ngành chăn nuôi. Ảnh: KS.

Theo anh Quốc, do thuộc diện cán bộ không chuyên trách cấp xã nên anh chỉ làm 1 buổi trong ngày. Vì vậy, những lúc không bận rộn công việc thú y, anh lại tranh thủ đúc bi để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, anh còn mướn thêm người để cùng làm nghề đúc bi. Nhờ đó, giờ đây cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn, công việc thú y cơ sở cũng đỡ áp lực hơn về thu nhập.

Còn anh Nguyễn Tấn Huy, cán bộ thú y Bình Lộc hiện nay cũng phải làm thêm nghề bốc vác ngoài giờ hành chính để trang trải cuộc sống. Anh Huy cho biết, do mới về làm thú y cấp xã khoảng 2 năm nay nên người dân cũng ít kêu anh điều trị bệnh cho vật nuôi để kiếm thêm thu nhập. Do đó, ngoài công việc bốc vác, anh còn làm thêm mấy sào ruộng. Ngoài ra, những ngày nghỉ, anh còn phụ vợ làm bánh tráng mới đảm bảo chi tiêu cho gia đình.

Theo bà Hiếu, toàn huyện có 4 thú y cơ sở đã đủ tuổi về hưu, nhưng xã không kiếm được người thay thế nên đành vận động ở lại giúp việc. Có xã kiếm được nhân viên thú y thay thế, nhưng làm được 2 tháng thì nghỉ do công việc khá vất vả, nhưng thu nhập không đảm bảo. Bà cho rằng, nếu mức phụ cấp như hiện nay thì vài năm nữa khó tuyển thú y cấp xã.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.