Theo Sở Tài chính TP.HCM, việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, do giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ từ 2-4% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá trong thời gian vừa qua chủ yếu bị tác động bởi chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp (DN) và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại trong việc tái đàn trong thời gian qua. Do đó, hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong Chương trình Bình ổn thị trường chưa thể điều chỉnh giảm giá, mà các DN đang cố gắng hết sức để giữ giá ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cụ thể, đối với gạo, thời gian qua, dù tình hình thị trường có nhiều biến động với những yếu tố khách quan, bất khả kháng như dịch bệnh; giá xăng dầu có những đợt điều chỉnh giá liên tục đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, với nhiệm vụ góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, các DN luôn nỗ lực cắt giảm chi phí để giữ nguyên giá bán bình ổn.
Tại thời điểm hiện tại, dù giá xăng dầu có giảm nhưng các khoản chi phí khác như chi phí sản xuất, chi phí bán hàng vẫn đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm, bên cạnh đó, nguồn cung gạo đang giảm do vụ thu hoạch Đông Xuân kết thúc, vì vậy, các DN đề xuất giữ nguyên giá bán bình ổn đã đăng ký từ đầu Chương trình (ngày 1/4/2022).
Trong ngành trứng gia cầm thì chi phí xăng dầu chỉ chiếm 2,2% (bao gồm chi phí thu gom trứng và chi phí giao nhận đến hệ thống phân phối) trong cơ cấu giá thành, trong khi chi phí nguyên liệu, vật liệu chính chiếm 77% như thức ăn chăn nuôi cho gà, vịt tăng liên tục từ đầu năm đến nay dẫn đến trứng nguyên liệu cũng tăng liên tục (do thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nguồn nhập khẩu) dẫn đến nhiều người chăn nuôi khó cầm cự phải tạm nghỉ dẫn đến nguồn cung giảm. Giá trứng nguyên liệu vẫn đang tăng cao do tác động của giá thức ăn chăn nuôi. Do đó, các DN không thể giảm giá mà đang cố gắng giữ nguyên giá bán bình ổn để giảm áp lực lên người tiêu dùng.
Với giá bán bình ổn hiện nay, các DN đang chịu lỗ rất nhiều, cụ thể: giá trứng gà loại 1 là 31.500 đồng/chục, trứng vịt loại 1 là 37.000 đồng/chục, trong khi giá bán lẻ ngoài thị trường tại các điểm không bán hàng bình ổn thì trứng gà loại 1 đang giao động ở mức từ 35.000-37.000 đồng/chục, trứng vịt loại 1 đang giao động ở mức từ 40.000-45.000 đồng/chục.
Tương tự, đối với mặt hàng thịt gia cầm thì chi phí xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ từ 0,05-4% cơ cấu giá thành, trong khi chi phí nguyên vật liệu chính của các DN là gà lông và vịt lông chiếm tỷ trọng 80%. Từ tháng 5/2022 đến nay, giá nguyên vật liệu nông nghiệp, chăn nuôi tăng liên tục, cụ thể thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao từ 35%-37%, không có xu hướng giảm trong thời gian tới, dẫn đến giá gà lông, vịt lông tăng từ 18-30% nhưng các DN đã và đang cố gắng duy trì mức giá bình ổn đã đăng ký từ đầu Chương trình với mong muốn đồng hành cùng Thành phố, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Đối với thịt heo, trong cơ cấu hình thành giá bán thịt heo, giá xăng dầu chỉ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển sản phẩm thịt heo từ trang trại về nhà máy giết mổ và sản phẩm thịt từ nhà máy đến điểm phân phối nên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 2,38%-2,8%, trong khi giá thịt heo bị ảnh hưởng nhiều bởi giá heo hơi chiếm tỷ trọng 78% cơ cấu giá thành.
Hiện nay, dưới tác động của việc tăng giá thức ăn chăn nuôi, nguồn cung giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, giá heo hơi vẫn đang ở mức cao là 66.000 đồng/kg tăng 10% so với thời điểm điều chỉnh liền kề ngày 18/7 (giá heo hơi ở mức 60.000 đồng/kg). Các DN vẫn chưa thể điều chỉnh giảm giá, tuy nhiên các DN vẫn kết hợp với các hệ thống phân phối thực hiện linh hoạt các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, liên quan đến vấn đề thức ăn chăn nuôi, cần phải có thời gian lâu dài để giải quyết (quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng...). Vì vậy, hiện nay với vai trò quản lý giá trên địa bàn Thành phố, nhằm đảm bảo ổn định đời sống xã hội, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường, phục vụ nhu cầu trong nước; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác giám sát việc kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.