Trao đổi với NNVN, Cục Thú y khẳng định: Thịt nhập khẩu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mới đươc phép tiêu thụ trong nước.
Ứng phó kịp thời với thịt bẩn từ Brazil
Cụ thể, đối với việc kiểm soát thịt nhập khẩu từ 21 nhà máy sản xuất thịt mà các cơ quan chức năng của Brazil đang tổ chức điều tra vì nghi ngờ sử dụng chất gây mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y đã thực hiện ngay một số biện pháp sau: (1) Tổ chức họp trực tuyến khẩn cấp với tất cả các cơ quan thú y cửa khẩu và yêu cầu các đơn vị chỉ đạo tất cả các Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt chẽ thịt từ Braxin nhập khẩu vào Việt Nam; (2) Chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát ngay các lô hàng thịt từ Braxin nhập khẩu vào Việt Nam xem có nguồn gốc từ nhà máy nào của Brazil; (3) Nếu phát hiện sản phẩm thịt có nguồn gốc từ 21 nhà máy đang bị điều (theo danh sách của Đại sứ quan Brazil tại Hà Nội cung cấp) thì tạm dừng ngay việc kiểm dịch nhập khẩu, tiến hành niêm phong lô hàng và báo cáo về Cục Thú y để xử lý kịp thời.
Tiếp đó, ngày 23/3/2017 Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra vì nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và có hiệu lực từ ngày 23/3/2017; (2) Cục Thú y đã chỉ đạo ngay các cơ quan thú y cửa khẩu tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23/3/2017. Nếu phát hiện thịt và sản phẩm thịt của 21 nhà máy thì tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo ngay về Cục Thú y để tổng hợp, báo cáo Bộ NN-PTNT để xem xét, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của các cơ quan thú y cửa khẩu, cho đến hiện tại, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam. |
Đại sứ quán Brazil tại Hà Nội cũng đã khẳng định với Cục Thú y: Phía Brazil cũng đã ngay lập tức cấm 21 nhà máy sản xuất thịt đang bị điều tra không được lưu hành sản phẩm thịt ra thị trường trong và ngoài nước.
Lấy mẫu tất cả thịt nhập khẩu
Đối với thịt từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, theo đó các nhà máy sản xuất thịt của của các nước phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Tất cả các lô hàng thịt đông lạnh được nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và trên các thùng carton chứa đựng thịt đều có nhãn mác hàng hóa (ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thịt từ nước nào, ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản thịt,…); nếu sản phẩm thịt đạt yêu cầu theo quy định thì mới được làm thủ tục thông quan lô hàng. Sau khi làm thủ tục thông quan lô hàng đối với cơ quan Hải quan, theo quy định các doanh nghiệp nhập khẩu có thể bán trực tiếp thịt nhập khẩu cho các cơ sở kinh doanh thịt, nhà hàng,… hoặc vận chuyển về kho bảo quản bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và tiêu thụ dần;
Theo quy định, định kỳ Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu xây dựng kế hoạch giám sát các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu.
Theo đó, từ năm 2016, các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất tồn dư (chất kháng sinh, chất cấm) đối với thịt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam. Tổng số mẫu thịt đã lấy để xét nghiệm chất tồn dư là 221 mẫu thịt nhập khẩu để kiểm tra hàng nghìn lượt chỉ tiêu chất tồn dư (gồm có: Chất kháng sinh như Chloramphenicol, Oxytetracycline, Chlortetracycline, Tetracycline, Tylosin, Neomycin,…; chất cấm như Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine,….). Kết quả kiểm tra chỉ phát hiện có 01 mẫu thịt bò đông lạnh nhập khẩu (từ Hoa Kỳ) có hàm lượng Ractopamine, nhưng ở dưới ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
Đến năm 2017, các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất tồn dư (chất kháng sinh, chất cấm) đối với thịt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam để kiểm tra các chỉ tiêu chất tồn dư (gồm có: Chất kháng sinh như Chloramphenicol, Oxytetracycline, Chlortetracycline, Tetracycline, Tylosin, Neomycin,…; chất cấm như Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine,….). Tổng số mẫu đã lấy mẫu để xét nghiệm chất tồn dư là 60 mẫu. Kết quả có 02 mẫu thịt bò nhập khẩu (từ Hoa Kỳ) phát hiện có Ratopamin, nhưng ở dưới ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện tại, các cơ quan thú y cửa khẩu đang tiếp tục tăng cương lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu chất tồn dư trong thịt nhập khẩu từ tất cả các nước chứ không riêng Brazil.
Người tiêu dùng nên sử dụng thịt nhập khẩu rõ nguồn gốc Để tránh hiện tượng trà trộn thịt không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, Cục Thú y khuyến cáo người tiêu dùng nếu có nhu cầu sử dụng thịt nhập khẩu thì nên đến các Cty nhập khẩu, siêu thị, cửa hàng,… kinh doanh thịt nhập khẩu có uy tín để mua thịt; đồng thời cần xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ thịt (vì các thùng chứa đựng hoặc bao gói các loại thịt nhập khẩu đều có nhãn mác ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thịt) để tránh bị các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận thương mại, trà trộn thịt không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng sức khỏe tới người tiêu dung. |