Xã Thổ Châu hình thành từ lịch sử đau thương, mất mát quá lớn trong chiến tranh, đang được chính quyền, quân và dân cùng bắt tay xây dựng lại, trở thành hòn đảo xinh đẹp và là cửa ngõ quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế.
Những ngày đầu năm 2019, tôi đặt lịch để ra thăm xã đảo Thổ Châu. Theo lịch trình, ngày 4/1 tàu sẽ khởi hành nhưng cơn bão Pabuk (bão số 1) hướng vào vùng biển Tây đã khiến tàu phải hủy chuyến. Phải chờ 5 ngày sau tàu mới mở tuyến trở lại. Anh Nguyễn Xuân Thanh, Thuyền trưởng tàu khách Thổ Châu 09, cho biết: “Không chỉ chờ cho hoàn lưu bão tan hết, mà lịch trình thông thường là vậy, cứ 5 ngày mới có một chuyến tàu ra đảo và một, hai hôm sau sẽ quay trở lại. Nhưng lịch trình này hoàn toàn có thể thay đổi tùy tình hình thời tiết hay có người trên đảo bệnh nặng cần chuyển viện gấp”.
Tàu khách Thổ Châu 09 phương tiện duy nhất kết nối đảo với Phú Quốc, 5 ngày mới có 1 chuyến |
Thổ Châu có tổng diện tích tự nhiên 1.395,16ha, gồm 8 hòn đảo, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất có dân sinh sống. Xã chỉ có duy nhất một ấp Bãi Ngự, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của xã, cách thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) 101km, cách thành phố Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang, 220 km. Hiện không có tàu khách từ đất liền ra đảo, mà chỉ có tàu chở hàng. Bạn có thể “quá giang” tàu hàng ra đảo, nhưng mất rất nhiều thời gian và không an toàn. Tuy nhiên, một số “phượt thủ” vẫn thích chọn cách này để trải nghiệm.
Để đi ra đảo một cách chính thống, con đường duy nhất là phải ra đảo Phú Quốc, rồi từ đây mới khởi hành đi tiếp. Hiện chỉ có duy nhất chiếc tàu khách Thổ Châu 09 hoạt động trên tuyến. Đây là chiếc tàu sắt đã có thâm niên, khá cũ kỹ, thuộc Xí nghiệp bến xe tàu Kiên Giang. Để duy trì hoạt động của tàu, ngân sách tỉnh hàng năm vẫn phải bao cấp, nên giá vé khá bèo, nhưng bù lại chẳng có dịch vụ gì ngoài vài băng ghế ngồi.
5 ngày mới có một chuyến nên ngày có tàu cập bờ là lúc bến thuyền nhộn nhịp khác hẳn ngày thường |
Gần trưa, tàu khởi hành, tôi ngơ ngác chui vào khoang. Không người xếp chỗ, mạnh ai nấy tự tìm vị trí cho riêng mình. Hàng hóa, xe máy và hành khách chung một khoang khá lộn xộn. Võng mắc như khung cửi, bất kể chỗ nào có thể cột hai đầu dây được. Đa số họ là những người đã từng đi, tự trang bị võng cho riêng mình hoặc xuống trước để thuê. Còn những “ma mới” như tôi phải chen vào ghế ngồi.
Anh Thiện, thợ máy trên tàu bảo: “Hôm nay biển động (khoảng cấp 4 - 5) nên đi sẽ mệt đấy”. Đúng thật, vừa rời bến là mũi tàu bắt đầu bổ mạnh, lắc lưu trước những con sóng bạc đầu. Nhiều người biểu hiện mệt mỏi, say sóng, nôn ọe…
Hành trình chỉ hơn 100km nhưng phải mất hơn 6 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển. Do mới đi lần đầu, tôi không biết hải trình lại lâu đến thế nên không mang theo thức ăn gì, bụng đói meo cho tới tận chiều tối khi tàu cập bến. Nhiều người cũng chung cảnh ngộ như tôi, anh Hùng - một phượt thủ từ Hà Nội vào, chị Lan - một người dân từ Quảng Ngãi dẫn theo con nhỏ vào thăm chồng có tàu đánh bắt ngoài đảo… Nhưng nếu có mang theo thức ăn thì nhiều người cũng không thể nuốt nổi vì say sóng.
Theo lịch trình, tàu sẽ nghỉ một ngày ngoài đảo qua hôm sau mới quay về. Nhưng do có bệnh nhân cần chuyển viện gấp, hơn nữa, có thông tin bão số 2 đang hình thành trên biển, nên thuyền trưởng quyết định cho tàu rời cảng ngay sáng hôm sau.
Nói đến Thổ Chu là nhắc nhớ đến một biến cố lịch sử đau thương, bi thảm của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt (Khmer Đỏ). Vì vậy, khi đặt chân lên đảo, điều đầu tiên mà mọi người vẫn thường làm là đến thăm Đền thờ Thổ Châu, dâng hương tưởng niệm hơn 500 đồng bào bị quân Pôn Pốt xâm lược thủ tiêu vào năm 1975 và tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.
Lực lượng Biên phòng Thổ Châu tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đảm bảo an ninh trật tự |
Hôm tôi ghé, các anh chiến sỹ bộ đội Trung đoàn 152 đang tập trung quét dọn, làm vệ sinh, phát cỏ trong khuôn viên đền. Đây là việc làm thường xuyên, là hoạt động “uống nước nhớ nguồn” của các anh. Hơn nữa, theo thông tin được biết thì hôm sau sẽ có đoàn công tác của Hải quân vùng 5 và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Thổ Chu. Năm nào cũng vậy, đảo tiền tiêu này luôn được tiếp đón nhiều đoàn từ đất liền ra chúc Tết rất sớm, khi mà những cánh mai vàng vẫn còn trong nụ.
Thông qua anh Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu, tôi cố tìm lại những nhân chứng sống hiểu rõ về biến cố lịch sử đau thương tại hòn đảo này. Nhưng đây là điều quá khó, vì những cư dân từng sinh sống, làm ăn trên đảo Thổ Chu trong những ngày yên bình trước biến cố Khmer Đỏ nay không còn ai. Phần lớn người dân trên đảo hồi đó đã bị sát hại bởi bàn tay tàn bạo của bọn diệt chủng Pôn Pốt. Những người may mắn thoát nạn không ai dám quay lại đảo bởi ký ức quá kinh hoàng.
Đồn Biên phòng Thổ Châu |
Tôi đành phải tìm đến những vị cao niên trên đảo, họ là những hộ di dân đầu tiên ra đây sau khi hòn đảo đã được giải phóng. Ông Hai Giang (Lê Trường Giang) năm nay 65 tuổi và đã có gần 30 năm sinh sống trên đảo, cho biết: “Sau vụ thảm sát, một thời gian dài trên đảo chỉ có lực lượng bộ đội đóng quân. Mãi đến năm 1993, ba của tui là ông Lê Trắc (bí danh Tư Lùng), một cán bộ về hưu, người từng có thời gian dài làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn Campuchia trong những năm chiến tranh, dẫn 3 hộ dân đầu tiên ra đây lập nghiệp theo chính sách di dân của Chính phủ, có hỗ trợ kinh phí để sinh sống. Ông Trác đã thành lập chi bộ Đảng với 3 đảng viên và trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của đảo. Sau nhiều đợt đưa dân ra, trên đảo mới có được 100 hộ di dân theo chỉ tiêu”.
Theo ông Hai Giang, vào khoảng giữa tháng 5/1975, lợi dụng quân đội nhân dân Việt Nam vừa trải qua những trận đánh lớn để thống nhất đất nước, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã đưa quân chiếm đóng quần đảo Thổ Chu. Trên 500 người dân sinh sống ở đảo thời đó đã bị chúng bắt cóc đưa đi biệt tăm, đến tận bây giờ cũng không có thông tin gì.
Ông Hai Giang cho biết, trong số những người bị giặc Pôn Pốt bắt đưa đi, chỉ có duy nhất một hộ trốn thoát đó là gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ (Tư Sỹ). Do phần lớn người dân đều bị lùa xuống tàu cá đưa đi, khi tàu đầy, họ mới cho phép người dân xuống tàu nhỏ của gia đình buộc kéo theo sau. Trên đường đi, lợi dụng đêm tối, ông Tư Sỹ đã cắt dây thả trôi một đoạn rồi mới nổ máy quay đầu chạy về phía Việt Nam. Cũng chính nhờ vào cuộc tẩu thoát này mà tin tức về việc bọn Pôn Pốt đánh chiếm đảo, bắt cóc dân đưa đi mới được báo về đất liền. Bởi hồi đó, không có bất cứ phương tiện liên lạc nào giữa đảo và đất liền.
Gia đình ông Hai Giang, những hộ dân đầu tiên di dân ra đảo lập nghiệp |
Sau khi nhận được tin báo của dân, quân đội đã điều máy bay ra do thám thì phát hiện quần đảo Thổ Chu đã bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng. Lệnh đánh chiếm, cứu người dân, giải phóng đảo đã được Bộ Quốc phòng đưa ra và giao nhiệm vụ cho Quân khu 9 thực hiện. Tại Phú Quốc, một hội nghị quân sự đã diễn ra, thống nhất kế hoạch hiệp đồng tác chiến giải phóng đảo Thổ Chu.
Theo tư liệu lịch sử, thì trưa ngày 23/5/1975, tàu chở các lực lượng của ta gồm: bộ binh, hải quân, đặc công nước và du kích huyện đội Phú Quốc… từ cảng An Thới (Phú Quốc) xuất phát thẳng tiến ra Thổ Châu. Đến chiều tối thì quân ta tiếp cận được đảo và sáng sớm hôm sau thì chiến sự xảy ra. Chỉ sau 3 ngày, bộ đội ta đánh chiếm và giải phóng xong toàn bộ quần đảo; 200 quân Khmer Đỏ đã bị tiêu diệt, bắt sống 175 tên; lực lượng của ta có 1 chiến sỹ tử trận và hai sỹ quan bị thương.
Đền thờ Thổ Châu, nơi tưởng niệm hơn 500 thường dân bị Pôn Pốt thảm sát và chiến sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ đảo |
Sau khi thắng trận, bộ đội ta đã chia nhau đi tìm dân nhưng toàn đảo chỉ còn lại vài người. Họ may mắn được ở lại do bọn Pôn Pốt đã lùa dân xuống đầy tàu, không còn chỗ chứa. Theo lời kể của những người này thì chỉ sau thông tin miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, những người lính Hải quân Việt Nam Cộng hòa vừa rút đi khỏi hòn đảo được ít ngày thì quân Khmer Đỏ đã ra đánh chiếm đảo.
Trong những ngày chiếm đóng đảo, bọn Pôn Pốt đã bắt dân đưa đi thành nhiều đợt. Ngay buổi chiều mà ta xuất quân ra đánh chiếm lại đảo, cũng có một chuyến tàu chở rất nhiều hộ dân đi. Chiếc tàu này đã vụt qua mặt khi lực lượng của ta chuẩn bị tiếp cận đảo và thẳng tiến về phía vùng biển Campuchia. Nhưng tiếc rằng không có tin báo gì nên lực lượng của ta cứ tưởng là tàu đánh cá. Nếu chiếc tàu đó được chặn lại thì chắc chắn nhiều thường dân vô tội đã được cứu sống.
Trước khi bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng, Thổ Chu là hòn đảo thanh bình, bởi trong suốt hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến sự hoàn toàn không lan tới vùng đảo này. Vì vậy, đã có nhiều hộ dân ra đây để tìm sự an toàn và kiếm kế sinh nhai. Họ là dân tứ xứ, có người từ Rạch Giá ra, từ Cà Mau sang và cả các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi chạy tàu cá vào vùng biển Tây đánh bắt rồi bén duyên luôn với đảo.
Quần đảo Thổ Chu gồm có 8 hòn đảo. Những người dân ra đây từ rất sớm đã dựa theo những đặc điểm riêng của từng đảo để đặt tên cho dễ nhớ. Như Hòn Nhạn là nơi loài nhạn biển tập trung về ở và sinh sản. Hòn Từ do có nhiều cây khoai từ mọc hoang dại. Còn Thổ Chu là hòn đảo lớn nhất, có rất nhiều đất đỏ…
Cuộc sống thanh bình trên đảo Thổ Chu |
Đảo Thổ Chu có hai bãi cát là Bãi Ngự và Bãi Dong. Tương truyền rằng, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã chạy ra Phú Quốc và sau đó ra tận đảo Thổ Chu để lánh nạn, nên bãi biển này được đặt tên là Bãi Ngự (vua ngự trên bãi biển). Người dân sinh sống trên đảo phải chuyển bãi theo mùa, từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau (âm lịch) tập trung ở Bãi Ngự và từ tháng 5 đến tháng 8 chuyển sang Bãi Dong để tránh gió, bão.
Ngày trước, người dân trên đảo sinh sống bằng nghề biển và nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi vỗ đồi mồi để bán. Một số người đã trở nên giàu có, cách đây mấy chục năm đã xây được nhà tường kiên cố trên đảo. Nhưng rồi mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ trước tàn tay hung bạo của bọn diệt chủng Pôn Pốt chỉ trong một thời gian rất ngắn mà chúng chiếm đóng.
Theo ông Hai Giang, khi mới theo cha ra đây, mọi thứ trên đảo đều rất khó khăn, phải lội nước từ tàu lên bãi vì không có cầu cảng, đi lại theo đường mòn, ban đêm đốt đèn dầu leo lét, mua con bù lon sửa máy cũng phải chạy vào đất liền… Còn nếu bị bệnh thì chỉ biết lạy ông trời cho khỏi chứ chẳng có thầy thuốc, trạm xá đâu mà đi khám. Tiếp lời chồng, bà Dung vợ ông Giang bảo, nhà ở phía Bãi Ngự nhưng theo mùa tàu lại đậu bên Bãi Dong, mang được bao gạo từ tàu lên phải vượt rừng, băng ngang ngọn đồi mấy km, chứ có đường đâu mà chạy xe máy như bây giờ.
Nguồn thu nhập của người dân Thổ Châu chủ yếu từ khai thác hải sản, nuôi trồng và dịch vụ |
“Theo chính sách di dân, mỗi hộ ra đây được cấp 10 mét đất bề ngang mặt biển và 20 triệu đồng làm vốn đóng tàu đi biển. Nhưng số vốn này chỉ đóng được tàu nhỏ, không thể vươn xa. Tui phải hùn 3 hộ lại mới đóng được chiếc tàu lớn, để chạy dịch vụ vào đất liền chở lương thực, thực phẩm ra ăn cũng như cung cấp cho dân trên đảo. Ai muốn ra, vào thì tui cho quá giang chứ không thu tiền, nhưng cực lắm, phải đi hết một ngày, một đêm mới tới bờ”, ông Hai Giang nhớ lại.
Không chỉ chạy tàu dịch vụ, gia đình ông còn khẩn hoang đất đồi, làm chỗ trồng các loại rau xanh, bầu, mướp. “Tui trồng nhiều loại rau, một phần nhà ăn, còn lại chủ yếu bán cho bộ đội, lúc đó lực lượng công binh đang tập trung xây dựng hạ tầng, đường sá khá đông. Chứ hồi đó các hộ dân còn ít lắm. Tàu đánh bắt ở nơi khác đến họ đậu ngoài xa vì tâm lý vẫn còn lo sợ. Từ từ quen dần họ mới vào bãi buôn bán cá, rồi cuộc sống mới sung túc dần lên”, ông Hai Giang nhớ lại thời kỳ đầu ra đảo lập nghiệp.
Một góc đảo Thổ Chu |
Dù cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự chung sức, chung lòng của chính quyền, quân và dân đã và đang bắt tay xây dựng xã đảo Thổ Châu ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, từ chỗ chỉ có hơn chục hộ di dân ban đầu, đến nay toàn xã có 618 hộ, với 2.070 nhân khẩu. Thu nhập của người dân trên đảo chủ yếu đến từ nghề biển, với 76 chiếc tàu đánh bắt; nuôi trồng thủy sản có 38 hộ với 52 lồng bè, dịch vụ hậu cần nghề cá và buôn bán tạp hóa… Dù thu nhập còn khiêm tốn, năm 2018 trung bình mới đạt 24 triệu đồng/người/năm nhưng toàn xã hiện chỉ có 13 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo.
Xe cứu thương thuộc trạm xá quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sỹ và người dân trên đảo |
Cuộc sống trên đảo hiện nay cũng khá đầy đủ, tiện nghi, máy phát điện chạy 24/24 giờ, mạng viễn thông có cả 4G, trạm xá quân dân y kết hợp, trường học cấp 1 và 2… Từ cầu cảng ở Bãi Ngự bước lên đảo là gặp chợ xã, nhà cửa xây dựng khang trang, tập trung buôn bán khá tấp nập, từ các mặt hàng phục vụ dân sinh cho đến các dịch vụ vui chơi, giải trí chẳng thua kém gì các xã trong đất liền.
Cũng như nhiều xã khác trên cả nước, Thổ Châu đang trên đường phấn đấu trở thành xã đảo nông thôn mới. “Đề án chi tiết xây dựng nông thôn mới của xã đã được phê duyệt và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Đến nay, xã đã đạt được 14/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí, để Thổ Châu thực sự trở thành xã nông thôn mới, với mục tiêu mang lại cuộc sống no ấm, sung túc hơn cho người dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lập nêu quyết tâm.
“Từ Chi bộ cơ sở đầu tiên chỉ có 3 đảng viên được thành lập năm 1993 và đến năm 2008 xã đã thành lập Đảng bộ, hiện nay có 68 đảng viên, sinh hoạt ở 5 Chi bộ. Tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng xong đề án nâng xã Thổ Châu lên thành huyện Thổ Châu. Mọi thủ tục, trình tự dưới cơ sở đã xong, đang chờ Trung ương trình Quốc hội để thông qua. Nếu được thành lập thì Thổ Châu sẽ là huyện đặc thù, không có các đơn vị hành chính trực thuộc. Khi được nâng lên thành huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển; củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo chủ quyền biển đảo, bảo vệ vững chắc trên biên giới vùng biển Tây Nam của Tổ quốc”, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu Nguyễn Trường Vũ (ảnh). |