“Chia tay” nỗi ám ảnh
Trước kia, khi ảnh hưởng biến đổi khí hậu chưa tác động mạnh, vùng biển ở xã bãi ngang Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) còn hiền hòa lắm. Thậm chí biển còn “hiến” đất cho người dân ở đây xây dựng nhà cửa. Thế nhưng trong vòng 30 năm trở lại đây, khi biến đổi khí hậu hoành hành, biển bỗng trở nên hung hãn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở đây.
Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu bắt đầu hoành hành, trực tiếp ảnh hưởng đến những địa phương ven biển. Từ đó, biển bắt đầu xâm thực. Trước đây biển “cho” đất liền bao nhiêu đất thì nay lấy lại bấy nhiêu. Vào những mùa mưa bão, lớp nhà của người dân xã Nhơn Hải ở phía trước biển luôn bị sóng biển uy hiếp, tính mạng và tài sản của người dân như treo trên đầu ngọn sóng.
“Từ thời gian biển bắt đầu xâm thực đến nay, xã Nhơn Hải đã bị mất đến 3 lớp nhà phía trước biển, đồng nghĩa biển đã “gặm” mất của Nhơn Hải vào sâu đến 20m đất”, ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, nhớ lại.
Trước thực trạng trên, từ năm 2009, khu tái định cư Nhơn Hải được hình thành trên vùng đất cao phía trong, sau đó chính quyền địa phương vận động những hộ dân trong vùng nguy hiểm di dời vào để ổn định cuộc sống.
Cơn bão số 5 xảy ra vào cuối năm 2019 đã làm thay đổi hoàn toàn ý thức của người dân sống trong vùng nguy hiểm ở xã Nhơn Hải. Bão số 5 đã khiến sóng biển đánh sập cả trăm mét tuyến kè biển, làm sập 5 nhà dân và làm hư hại, uy hiếp nhà của hơn 100 hộ khác. Sau đó, chính quyền địa phương các cấp ở Bình Định quyết định đưa 116 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm vào danh sách phải di dời. Đứng trước sự đe dọa của thiên tai, lần này, những hộ dân nằm trong diện di dời tuân thủ răm rắp.
“Tỉnh có chủ trương đất đổi đất, thu hồi diện tích bao nhiêu thì cấp lại bấy nhiêu, tài sản trên đất thì bồi thường theo thỏa thuận. Do đó, những hộ dân trong diện di dời phấn khởi. Từ năm 2020, khu tái định cư tiếp nhận 168 hộ, tính đến thời điểm này đã có 150 hộ thực hiện di dời , một số hộ đang xây dựng nhà cửa”, ông Đỗ Cao Thắng cho hay.
Ổn định nơi ở mới, vẫn giữ được nghề cũ
Xã bãi ngang Nhơn Hải hiện có 1.345 hộ dân với 5.400 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ hộ dân làm nghề đánh bắt thủy sản gần bờ chiếm đến 65%, số còn lại làm nghề nuôi trồng thủy sản, làm dịch vụ cơ khí sửa chữa tàu cá và làm các dịch vụ phục vụ du lịch biển. Trong số những hộ dân Nhơn Hải di dời về khu tái định cư có không ít hộ làm nghề biển, tuy nhiên, chuyện di dời không làm ảnh hưởng gì đến nghề nghiệp.
Về khu tái định cư xã Nhơn Hải, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Minh Quang (SN 1975), người đang sở hữu chiếc ghe mang số hiệu BĐ 10412 TS (20CV) làm nghề lưới cản chuyên đánh bắt gần bờ, để hỏi xem sau khi di dời về khu tái định cư nghề nghiệp của anh có bị trắc trở gì không. Khi chúng tôi đến nhà, anh Quang vừa đi biển về, tuy còn mệt mỏi nhưng anh vẫn tiếp chúng tôi với vẻ mặt vui vẻ, hồ hởi.
Anh Quang kể, nghề lưới cản của anh chủ yếu đánh bắt cá hố ở ngư trường gần bờ, cách bờ nhiều nhất là 20 hải lý, chiều hôm trước ra khơi, sáng hôm sau về. “Trước đây, nhà tôi ở thôn Hải Bắc, nằm sát biển. Mỗi chiều đến chỉ cần bước mấy bước là ra đến biển, leo lên thuyền thúng bơi ra ghe để cùng với 6 bạn thuyền mở chuyến đánh bắt, rất thuận tiện. 1 đêm ra khơi mỗi bạn thuyền được chia 500 ngàn đồng, cuộc sống khá ổn định. Bây giờ, mỗi buổi chiều phải từ khu tái định cư di chuyển vài trăm mét để ra đến biển, ban đầu, theo thói quen thì có hơi bất tiện, nhưng sau rồi quen dần, bởi đoạn đường này không xa là mấy. Về đây ở, nhà cửa vững chãi, không còn lo thiên tai uy hiếp, lại vẫn giữ được nghề cũ nên tôi thấy cuộc sống của gia đình ổn định hơn rất nhiều”.
Theo anh Quang, trước đây, vào mùa mưa bão, mỗi đêm ra khơi là vợ ở nhà lo lắng cho sinh mạng của anh đang “treo trên đầu” những con sóng. Còn ở ngoài biển anh cũng không an tâm đánh bắt, bởi lo mưa bão sẽ uy hiếp tính mạng người vợ và 3 đứa con, bởi nhà anh nằm trong vùng nguy hiểm. Bây giờ về đây, gia đình anh được sống trong căn nhà 65m2, điện nước ổn định, mùa mùa bão vợ con anh cứ yên tâm ngủ không lo sóng biển ập vào.
“Để thực hiện di dời, tôi được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, cộng với tiền vợ chồng tôi làm ăn dành dụm bấy lâu nay và vay mượn thêm tôi làm căn nhà kiên cố mất 400 triệu đồng. Cuộc sống ổn định trong căn nhà vững chãi làm tôi yên tâm làm ăn hơn”, anh Quang bộc bạch.
Hoặc như anh Trần Văn Sơn (SN 1973), trước kia gia đình anh ở mặt biển thôn Hải Nam, nằm trong vùng thường xuyên bị sóng biển uy hiếp trong những mùa mưa bão. Khi còn ở mặt biển, gia đình anh Sơn làm dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Về khu tái định cư, anh Sơn được Nhà nước cấp 165m2, bởi diện tích đất bị thu hồi của anh khá rộng. Dựa vào lợi thế có diện tích đất rộng, anh Sơn tiến hành xây dừng nhà hàng 2 tầng với kinh phí 1,4 tỷ đồng để rồi gia đình anh tiếp tục làm dịch vụ du lịch.
“Tôi dự định sau khi xây dựng xong nhà hàng, tôi sẽ sắm 1 chiếc xe trung chuyển khách du lịch đi dạo dọc biển sau khi bờ kè Nhơn Hải xây dựng hoàn thành vào tháng tới đây, sau đó xe sẽ đưa khách về nhà hàng ăn uống. Di dời về khu tái định cư đã mở ra cho tôi hướng làm ăn mới”, anh Sơn bộc bạch.
“Những hộ dân di dời về khu tái định cư toàn bộ đều xây dựng được nhà ở kiên cố, rộng rãi, sinh hoạt thoải mái, cuộc sống được an toàn hơn. 70% hộ dân di dời về đây làm nghề biển vẫn giữ được nghề cũ, 30% còn lại làm nghề kinh doanh mua bán phục vụ du lịch rồi cũng sẽ phục hồi lại nghề cũ, bởi khu tái định cư cách mặt biển chẳng bao xa”, ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải.