Dịch tả lợn Châu Phi là thời cơ vàng để ngành chăn nuôi gia cầm bứt phá sau một thập kỷ. |
Theo số liệu công bố của thế giới, hiện cơ cấu các loại thịt trong các bữa ăn tại Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… thịt lợn chiếm khoảng 30 - 35%, thịt gia cầm (chủ yếu là thịt gà) chiếm 30 - 35%, còn lại là thịt bò và các sản phẩm thủy sản.
Trong khi đó, theo số liệu Cục Chăn nuôi, trong rổ thực phẩm tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, thịt lợn vẫn chiếm tới 65% trong cơ cấu thực phẩm, thịt gia cầm chiếm xấp xỉ 20%, thịt trâu bò khoảng 5%, còn lại là thủy hải sản.
Với cơ cấu rổ thực phẩm quá nghiêng về thịt lợn như hiện nay vô hình chung khiến ngành chăn nuôi tại Việt Nam mất cân đối, thực tế chứng minh việc tăng trưởng quá nóng ở ngành chăn nuôi lợn đã gây hệ lụy to lớn về môi trường và dịch bệnh trong suốt thời gian qua, điển hình là dịch tả lợn Châu Phi.
Không phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển trên thế giới lại chọn sản phẩm thịt gia cầm làm thực phẩm chủ yếu trong các bữa ăn, bởi khoa học đã chứng minh, việc ăn các sản phẩm thịt trắng (gà, cá) có lợi cho sức khỏe con người hơn so với thịt đỏ (lợn, bò).
Hơn nữa, so với lợn hay bò, chăn nuôi gia cầm cần diện tích chăn nuôi nhỏ hơn, thời gian quay vòng nhanh hơn, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ít hơn. Đặc biệt, áp lực gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia cầm nhỏ hơn rất nhiều so với chăn nuôi lợn, bò bởi không phát sinh nước thải.
Theo số liệu thống kê của Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi tính đến thời điểm hiện tại khiến Việt Nam phải tiêu hủy gần 6 triệu đầu lợn, sản lượng xấp xỉ 400.000 tấn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng thịt của Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năm 2019 ngành gia cầm Việt Nam tăng trưởng khoảng 13%, thủy sản 6,7% và gia súc trên 5%, chưa đủ bù đắp được lượng thiếu hụt thịt lợn do dịch tả lợn Châu Phi.
Bởi theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thị phần thịt lợn giảm 1% gia cầm phải tăng 5% hoặc gia súc lớn (trâu, bò) phải tăng 10% mới đủ bù đắp vào khoảng trống.
Như vậy, có thể thấy việc ngành chăn nuôi lợn chắc chắn sẽ còn rất khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian dài sắp tới là cơ hội vàng để ngành chăn nuôi gia cầm đầu tư nâng cao năng lực, năng suất sản xuất, tăng trưởng, phát triển bền vững bắt kịp xu thế và cơ cấu chăn nuôi của các nước phát triển.