Theo tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), các ứng dụng kỹ thuật hay còn gọi công nghệ hạt nhân còn đặc biệt có ý nghĩa trong việc quản lý tài nguyên đất và nước, tăng khả năng chống chịu của các hệ thống nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn với nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cho tất cả mọi người.
Bằng chứng cụ thể và sinh động nhất là công nghệ hạt nhân đã giúp người dân ở vùng khó Nigeria trồng dưa chuột, đến việc giúp các nước như Algeria, Cameroon và Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, cho phép họ khai thác được lợi thế so sánh và xuất khẩu trái cây đạt giá trị cao. Ngoài ra, thời gian qua Việt Nam còn ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ hạt nhân trong việc chọn tạo giống cây trồng, thu được nhiều bước tiến đáng kể, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Đây chính là lý do tại sao FAO và Hiệp hội Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đang nỗ lực gấp đôi các cam kết hợp tác, nhằm mang lại những thành quả mới mẻ và đột phá hơn trong suốt sáu thập kỷ qua.
Theo đó, vào ngày 31/10 vừa qua, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc và người đồng cấp IAEA Rafael Mariano Grossi đã ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sáng tạo, nhằm cung cấp các hỗ trợ nâng cao và hiệu quả hơn cho các quốc gia thành viên cũng như hàng triệu người dân trên thế giới.
“Hãy nỗ lực hợp tác để tận dụng tối đa các thành quả của kỹ thuật hạt nhân hòa bình vì lợi ích của nông dân và người tiêu dùng”, ông Khuất nói, đồng thời cho biết trong lộ trình tiếp theo thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc huy động nguồn lực chung và thực hiện các hoạt động liên quan đến môi trường biển, khoa học vật lý và hóa học và sức khỏe con người…
FAO và IAEA đã cùng nhau điều hành các phòng thí nghiệm, nghiên cứu phát triển kể từ năm 1964, thông qua các hoạt động tại Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân trong Nông nghiệp và Thực phẩm.
Theo đó, một trong những thành tựu có giá trị là việc sử dụng cảm biến Neutron tia vũ trụ để theo dõi độ ẩm của đất, góp phần cải thiện quản lý đất đai, cũng như tối ưu hóa sản lượng nông nghiệp và thực phẩm thông minh với khí hậu.
Ngoài ra, vacxin cũng là một lĩnh vực quan trọng khác khi các nhà khoa học của IAEA đã giúp phát triển vacxin cho chiến dịch do FAO khởi xướng nhằm thanh toán bệnh dịch Rinderpest (là một bệnh dịch do virus truyền nhiễm trên gia súc lớn, như trâu bò và một số loài động vật móng guốc hoang dã. Bệnh dịch nguy hiểm này có triệu chứng nổi bật là sốt, lở miệng, tiêu chảy, hoại tử bạch huyết, với tỷ lệ tử vong cao).
Hiện trung tâm nghiên cứu này đang tiếp tục phát triển ra loại vacxin bức xạ cho vật nuôi ở Ethiopia (quốc gia xuất khẩu hơn một triệu đầu gia súc mỗi năm), có thể vô hiệu hóa vi sinh vật gây bệnh trên đàn gia súc cũng như loại trừ các rủi ro khi tiêm phòng.
Hay một sáng kiến lớn khác của trung tâm là nghiên cứu các phương cách tận dụng hệ vi sinh vật thực vật của chuối và cây trồng để cho phép chúng chống lại bệnh héo rũ Fusarium, một mối đe dọa chính đối với ngành sản xuất chuối mà hơn 400 triệu người dân trên thế giới đang dựa vào làm sinh kế.
Các chủ đề thú vị khác mà công nghệ hạt nhân có thể đóng góp là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật cần thiết cho thương mại và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc sản để chống gian lận thực phẩm.
“Những thành tựu của công nghệ hạt nhân có tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nông dân, nhà sản xuất đến người tiêu dùng, từ phòng thí nghiệm đến đồng ruộng và nhà bếp”, theo ông Khuất Đông Ngọc.