| Hotline: 0983.970.780

Thời của thực phẩm thay thế đang rộng mở

Thứ Ba 23/02/2021 , 10:22 (GMT+7)

Khi dân số Trái đất đạt 10 tỷ người, cộng với biến đổi khí hậu sẽ tăng áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và buộc con người phải tìm nguồn thực phẩm thay thế…

Và để vượt qua những thách thức này, có nghĩa là nhân loại cần phải bắt đầu sáng tạo ra các phương thức sản xuất lương thực mới ngay từ bây giờ.

EU bật đèn xanh cho côn trùng vào siêu thị

Theo Euronews, côn trùng ăn được có thể sớm tràn vào các siêu thị ở châu Âu và trở thành một phần trong chế độ ăn hàng ngày của chúng ta trong vài tháng nữa.

Bước đột phá này diễn ra sau khi Cơ quan An toàn và Thực phẩm châu Âu (EFSA) vào tháng trước công bố một ý kiến ​​khoa học kết luận rằng “sâu bột vàng sấy khô là an toàn cho con người”.

Đây là lần đầu tiên EFSA- cơ quan độc lập của EU giám sát chuỗi thực phẩm, đưa ra bản đánh giá đầy đủ về danh mục thực phẩm thay thế có nguồn gốc từ côn trùng. Mặc dù hiện quyết định này vẫn đang nằm trong tay của Ủy ban châu Âu, cơ quan có thẩm quyền cho phép công bố cái gọi là thực phẩm thay thế mới vào thị trường chung châu Âu (EU).

EU đang tiến đến ủng hộ thực phẩm thay thế thịt nuôi truyền thống từ côn trùng để bảo vệ môi trường. Ảnh: The Beet

EU đang tiến đến ủng hộ thực phẩm thay thế thịt nuôi truyền thống từ côn trùng để bảo vệ môi trường. Ảnh: The Beet

Theo luật hiện hành của EU, bất kỳ loại thực phẩm nào không được tiêu thụ "đáng kể" trước thời điểm tháng 5 năm 1997 thì đều được coi là thực phẩm mới. Danh mục này bao gồm thực phẩm thay thế đến từ các nguồn mới, các chất mới được sử dụng trong thực phẩm và các cách thức và công nghệ mới để sản xuất thực phẩm.

Trong trường hợp Ủy ban châu Âu đồng ý phê chuẩn cho sâu bột vàng, người tiêu dùng khối này sẽ sớm có thể tìm thấy các thành phần của nó trong thức ăn nhanh, đồ ăn nhẹ, bánh quy và nhiều sản phẩm chế biến khác. Tuy nhiên, những ác cảm sâu xa đối với sâu bọ cũng có thể là rào cản ngăn không nó được chào đón trong các nhà bếp của châu Âu, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo một nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) được thực hiện trên 11 quốc gia EU cho thấy: "Khoảng xấp xỉ 10,3% người tiêu dùng cho biết sẵn sàng thay thế thịt bằng côn trùng, trong khi 76,8% nói không và 12,9% không chắc chắn".

Trước đó các lựa chọn thực phẩm thay thế thịt làm từ thực vật, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt làm từ thực vật đã có mặt trên thị trường nhiều năm qua đã được người dân chấp nhận nhiều hơn. "Tôi nghĩ chúng ta phải tạo ra những món ăn ngon và có mùi vị ok. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng, nhất là khi họ ăn một chiếc bánh mì kẹp sâu bột thì đó phải là một món ngon", Lies Hackelbracht, chủ sở hữu chuỗi TOR Royal, công ty sản xuất côn trùng nói với Euronews.

Một nghiên cứu tương tự của BEUC cho thấy 2/3 người tiêu dùng cho biết, sẵn sàng thay đổi thói quen ăn uống vì lý do môi trường, với hơn 40% người được hỏi khẳng định đã ngừng ăn thịt đỏ hoặc giảm lượng tiêu thụ.

Điều này cũng khiến cho nông dân chia sẻ sự lạc quan bởi họ nhìn thấy những cơ hội sinh lợi còn ở phía trước. Alexander Maroy, chủ sở hữu trang trại côn trùng Nusect tại Bỉ nói: “Tôi nghĩ trong vòng vài năm nữa ngành này sẽ phát triển và điều rất quan trọng là giờ đây nó đã được luật pháp ủng hộ. Do đó chúng ta có thể tự tin hơn để cho côn trùng trở nên phổ biến”.

Vài năm qua, thịt đỏ đã trở thành mục tiêu bị chỉ trích dữ dội khi nhận thức về biến đổi khí hậu ngày một gia tăng trên khắp thế giới, nhất là khi hoạt động chăn nuôi được biết chiếm 14,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính mà phần lớn trong số này đến từ hoạt động chăn nuôi gia súc để lấy thịt và sữa.

"Khi dân số thế giới đạt 9 tỷ người thì chúng ta sẽ không thể ăn thịt, vì vậy phải tìm kiếm các nguồn khác có nhiều protein và nó có thể là ở thực vật, nhưng cũng có thể ở côn trùng", Hackelbracht nhận định.

Mặc dù mật số các loài côn trùng đang bị suy giảm nhưng ngành công nghiệp côn trùng vẫn lạc quan rằng, với lợi ích dinh dưỡng của chúng và nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thực phẩm giàu protein, sẽ thúc đẩy ngành này phát triển trong những năm tới.

Dự đoán số lượng người dân châu Âu chuyển đổi sang tiêu thụ thực phẩm thay thế từ côn trùng sẽ tăng vọt trong thập kỷ tới, đạt khoảng 390 triệu người vào năm 2030.

Tại trang trại của mình, ông Maroy đang nuôi hàng loạt các loại sâu bọ, bao gồm cả sâu bột, dế và châu chấu. Hiện tại, sản phẩm của trang trại này mới chỉ được sử dụng làm thức ăn gia súc nhưng ông tin rằng, khi EU chấp thuận thêm nhiều sản phẩm mới cho người tiêu dùng hơn, người dân sẽ dần thích ứng khẩu vị mới và cởi mở đón nhận các món ăn từ côn trùng.

Thực phẩm thay thế là xu thế tất yếu

Không chỉ ở châu Âu, hiện một số khởi nghiệp ở châu Á cũng đạt được những bước tiến trong ngành thực phẩm thay thế, bằng cách khám phá ra những tiềm năng từ các nguồn protein bền vững như côn trùng, rong biển và tảo.

Ngoài côn trùng, tảo và rong biển cũng được coi là nguồn thực phẩm thay thế lý tưởng cho nhân loại. Ảnh: ERN

Ngoài côn trùng, tảo và rong biển cũng được coi là nguồn thực phẩm thay thế lý tưởng cho nhân loại. Ảnh: ERN

Theo đó việc tìm kiếm nguồn protein hợp khẩu vị bền vững hơn so với thịt từ vật nuôi truyền thống là việc tương đối đơn giản bởi suy cho cùng, con người đã ăn ấu trùng từ hàng nghìn năm và các sản phẩm thịt được làm từ thực vật gần đây đã gây bão cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Tuy nhiên, thách thức quan trọng không nằm ở việc tạo ra các loại thực phẩm mới, mà ở việc sử dụng các loại thực phẩm thay thế này làm thành phần trong các loại thực phẩm vốn đã phổ biến và đảm bảo chúng vừa bổ dưỡng vừa ngon.

Hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đang tận dụng công nghệ cao trong cuộc chạy đua phát triển thực phẩm thay thế bền vững, hiệu quả về mặt chi phí cho thị trường đại chúng. Điển hình là công ty NovaMeat của Tây Ban Nha đã sử dụng quy trình công nghệ in 3D để chất chiết xuất dưỡng chất từ ​​hạt đậu và rong biển bắt chước các theo các thớ thịt bò hoặc thịt gà, tạo ra một miếng bít tết trông y như thật.

Ngoài ra còn có một lĩnh vực canh tác phân tử tương đối mới, trong đó thực vật được thao tác ở cấp độ phân tử để sinh ra các chất tương tự như protein động vật và tạo ra các phân tử sinh học động thực vật độc đáo…

Theo số liệu của hãng Meticulous Research và Barclays, thị trường côn trùng còn rất nhiều dư địa để phát triển, ước tính sẽ đạt gần 8 tỷ USD vào năm 2030 với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 25%.

Khởi nghiệp EnerGaia tại Thái Lan đã tham gia trồng tảo xoắn- loại vi tảo có giá trị dinh dưỡng cao, được bán ở dạng bột để làm mì ống, sau khi các nghiên cứu mới cho rằng, tảo mới là tương lai của thực phẩm thay thế, và Trung Quốc dự kiến ​​sẽ dẫn đầu thị trường này trong những thập kỷ tới. Bằng chứng là tập đoàn Touyun Tech - hãng bao bì khổng lồ của nước này đã thành lập một công ty con để hợp tác với một doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ để sản xuất vi tảo quy mô thương mại.

Bánh burge kẹp sâu bột đã không còn xa lạ khi một số khởi nghiệp ở châu Âu đã tiên phong. Ảnh: Getty

Bánh burge kẹp sâu bột đã không còn xa lạ khi một số khởi nghiệp ở châu Âu đã tiên phong. Ảnh: Getty

Năm ngoái, các nhà khoa thuộc một số phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã thiết lập một chương trình lập bản đồ bộ gen của 10.000 loài nguyên sinh, trong đó có tảo. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có khoảng 400 loài đơn bào này được công bố dữ liệu bộ gen, điều này là cơ sở cho các ý tưởng về quy mô của dự án.

Ngoài ra rong biển cũng là một sản phẩm được đánh giá có tiềm năng cao, nhất là ở châu Á-nơi đang thống lĩnh thị phần này đang được các nhà đầu tư mạo hiểm châu Âu để mắt tới.

Theo trang Asia Focus, ngành công nghiệp thực phẩm thay thế đang thay đổi nhanh chóng và đúng hướng. Nếu nhìn vào những thành tựu đạt được chỉ trong vài năm vừa qua sẽ rất thú vị khi hình dung ra chúng ta sẽ ăn những loại thực phẩm mới nào trong vài thập kỷ tới.

Hãng Asia Insect Farm Solutions, có trụ sở tại Singapore đã khuyến khích việc sử dụng châu chấu trong thực đơn bởi những loài côn trùng này hầu như không cần nước hoặc đất, và chỉ thải ra một phần nhỏ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với lợn hoặc bò, nhưng lại chứa lượng protein tương đương với thịt bò. Hiện công ty này đã trữ lạnh châu chấu và chế biến chúng thành dạng thực phẩm bột để sử dụng làm bánh quy, bánh mì, đồ ăn nhẹ và mì ống…

(AsiaFocus; Euronews)

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.