Người tiên phong
Khởi nghiệp độc đáo từ cách nay gần 5 năm của bà Olympia khi mở công ty Goterra, trụ sở tại Canberra (Úc) không những giúp công ty Goterra liên tục giành các giải thưởng lớn tầm cỡ mà còn giúp thế giới hoạch định một chiến lược quản lý chất thải, đồng thời tạo ra loại thức ăn chăn nuôi thay thế mới bền vững.
“Ý tưởng thành lập công ty Goterra được hình thành khi tôi muốn có một trang trại gia cầm chăn thả và thức ăn của chúng không phải là các nguồn truyền thống lại có giá cả phải chăng.
Trên thực tế thì các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp vừa đắt đỏ (chiếm tới 70% chi phí sản xuất vì 90% nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu) và không phải là một lựa chọn bền vững.
Với sự trợ giúp của Google, tôi phát hiện ra côn trùng có thể được sử dụng làm thức ăn thay thế nên khởi nghiệp này ra đời”, bà Olympia chia sẻ.
Theo đó, việc lập ra công ty Goterra chính là một thí nghiệm để nghiên cứu cách thức quản lý chất thải bền vững và tạo ra một nguồn thức ăn chăn nuôi là ấu trùng. Kết quả là Goterra đã sinh lợi từ việc bán thức ăn chăn nuôi cho người nuôi trồng thủy sản, lợn gà hoặc thú cưng… Hiện công ty này cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô và tìm kiếm thêm các thị trường mới.
“Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội để quản lý nguồn chất thải thực phẩm khi nó đang là vấn nạn hiện nay theo cái cách mà chưa bao giờ được thực hiện trước đây khi cùng lúc đạt được hai mục tiêu: vừa giảm lượng rác thải và vừa giảm được mật độ xe gom rác vẫn thường xuyên xuất hiện khắp nơi. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi đã sử dụng chính côn trùng để quản lý lượng chất thải thực phẩm này và tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi thay thế”, bà Olympia nói.
Cả ngày bên… giòi bọ
5h00: Tôi đến nhà kho rộng 280 mét vuông của công ty ở Fyshwick, trung tâm thành phố Canberra và bắt đầu 10 giờ miệt mài bên 7 cộng sự. Để tạo ra côn trùng làm nguồn thức ăn chăn nuôi, yêu cầu đầu tiên là phải rất ít đất- điều này phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay.
5h30: Tôi đi kiểm tra một vòng nhà kho, xem lượng trứng của ruồi lính đen trong chuồng đẻ sau khi chúng giao phối. Ruồi lính đen là một loài ngoại lai không giống như nhặng, chúng không có miệng và không cần ăn khi trưởng thành nên chúng không là nguồn lây truyền bệnh dịch. Trong khi đó, ấu trùng của chúng lại rất phàm ăn và thực sự là một cỗ máy nghiền phân hủy rác hữu cơ hiệu quả.
Mỗi con ruồi cái có thể đẻ tới 600 ấu trùng trên các máng gỗ, sau đó trứng được gom hằng ngày và chuyển đến khu vực ấp nở.
8h30: Chúng tôi cho ấu trùng vào các phòng nuôi được kiểm soát nhiệt độ tương tự như nhà kính nhằm kích thích năng suất tối đa theo nhu cầu mùa vụ. Do ruồi lính đen là loài côn trùng ở vùng cận nhiệt đới và sẽ không giao phối hoặc đẻ trứng nếu thời tiết quá lạnh và chúng có thể chết khi trời quá nóng. Tương tự, giòi cũng không thể phát triển tốt trong môi trường quá lạnh hoặc có thể chết vì nắng nóng.
Ấu trùng ruồi lính đen được cho ăn chất thải, bao gồm thực phẩm dư thừa từ công sở, nhà hàng, bã cà phê, nho và chất thải nông nghiệp như vỏ lúa mì, phụ phẩm rượu vang... Lũ ấu trùng sau đó sẽ nhanh chóng chuyển đổi những thứ này thành chất dinh dưỡng.
Theo tính toán, mỗi tấn ấu trùng phải cần tới 5 tấn chất thải thực phẩm cho mỗi chu kỳ sinh trưởng 14 ngày để tạo ra 200kg bột ấu trùng và 250kg phân ấu trùng, hai thành phần quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng protein của giòi. Tuy nhiên điều chúng tôi quan tâm trước hết chính là việc xử lý chất thải, bởi chúng tôi quản lý được ấu trùng giống như nông dân quản lý mùa màng của mình và sau đó tạo ra nguồn protein chất lượng tốt hơn.
10h30: Khi ấu trùng đã phát triển trong giai đoạn 12 ngày thành nhộng và hoàn thành nhiệm vụ phân hủy chất thải được đưa đến phòng xử lý khử trùng để làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
13h:00: Kiểm tra khu sản xuất sâu bột, ấu trùng bọ cánh cứng với chu kỳ sáu tuần để hoàn thành vòng đời của chúng từ trứng đến ấu trùng và cho thu hoạch ấu trùng mỗi tuần một lần. Giá trị protein trung bình của hai loại côn trùng này được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi dao động từ 40-55%, tương đương với các chất bổ sung protein thức ăn cho gà hiện nay.
15h: Vệ sinh tổng thể trang trại theo quy trình hoàn chỉnh đạt chứng nhận HACCP.
17h: Kiểm tra quá trình thu gom chất thải và phân loại đánh giá.
19h: Rời trang trại sau khi check email các đơn hàng để lên kế hoạch kinh doanh, đảm bảo mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày hôm sau.