Thời điểm này, TP. Cần Thơ đang bước vào mùa mưa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, công tác phun tiêu độc khử trùng được ngành chức năng đặc biệt đẩy mạnh.
Từ ngày 30/9 - 25/10, các địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ tiến hành ra quân đồng loạt tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã sử dụng khoảng 2.000 lít thuốc sát trùng và huy động 240 người tham gia phun xịt.
Trong khi đó, yếu tố thời tiết cũng đang gây ra nhiều bất lợi cho cán bộ thú y khi rơi trúng đợt cao điểm ra quân. Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ đánh giá, việc tiêu độc khử trùng đợt 2 này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do mưa nhiều cộng với triều cường lên cao. Ngành chức năng khó chủ động được thời gian thực hiện phun xịt.
Tính đến ngày 10/10, quá trình tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn thành phố đạt trên 44% trong tổng số 549 xã, phường, thị trấn có hoạt động chăn nuôi. Tương đương trên 13.000 hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ. Ngành chăn nuôi và thú y thành phố đang tận dụng và tranh thủ mọi người nguồn lực để kịp tiến độ đề ra.
Tận dụng những ngày thời tiết nắng ráo, cán bộ chăn nuôi, thú y ở các địa phương trên địa bàn thành phố, phối hợp với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ cơ sở giết mổ, chủ động tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ.
Gia đình ông Nguyễn Minh Giảng, khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt có đàn heo khoảng 60 con. Được nhà nước hỗ trợ hóa chất để tiêu độc khử trùng, ông Giảng rất phấn khởi. Theo ông Giảng, ngoài các đợt tiêu độc khử trùng do ngành chức năng triển khai, định kỳ hàng tuần, gia đình ông cũng chủ động phun xịt, khử khuẩn chuồng trại để giảm mật độ vi khuẩn có hại, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi.
Quận Thốt Nốt là địa phương có số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm khá lớn của TP. Cần Thơ, với khoảng 2.000 hộ. Tổng đàn heo của địa phương lên đến 10.000 con, đàn bò khoảng 250 con và gia cầm là 181.000 con. Hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu nhập cho người dân nơi đây. Do đó, các hộ chăn nuôi rất ý thức vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Với trang trại nuôi 1.800 con vịt bán thịt, để hạn chế dịch bệnh xảy ra, bà Trần Thị Kim Loan, chủ trang trại Út Loan ở phường Tân Hưng chú ý mỗi lứa vịt đều được tiêm vacxin. Bên cạnh đó, định kỳ đều xử lý sát trùng chuồng trại bằng vôi và phun xịt khử khuẩn. Hơn nữa, sau mỗi lứa vịt được xuất bán, bà Loan đều cho nhân viên xử lý vệ sinh chuồng trại để tránh mầm bệnh.
Còn tại cơ sở giết mổ của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư thương mại dịch vụ Hưng Phú ở phường Tân Hưng, mỗi ngày sau khi nhập heo về hoặc sau mỗi đợt giết mổ, các nhân viên tại đây đều thực hiện quy trình xịt khuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.
Đến thời điểm này, các phường trên địa bàn quận Thốt Nốt đã thực hiện tiêu độc, khử trùng cho khoảng 30% cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Ông Trần Hiếu Liếu, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y quận đánh giá, các hộ nuôi cũng như trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều có cách làm rất chủ động. Chuẩn bị sẵn thuốc tiêu độc khử trùng để tự phun xịt chuồng trại, cơ sở định kỳ hằng tháng, hằng ngày.
Ngoài ra, cũng tuân thủ tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, 4 năm trở lại đây trên địa bàn quận Thốt Nốt không ghi nhận dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.
Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn TP. Cần Thơ có tổng đàn gia cầm trên 2,1 triệu con, đàn heo hơn 128.000 con và đàn bò cũng xấp xỉ 4.290 con.
Thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2023”, ngành chức năng thành phố sẽ thực hiện phun xịt khử trùng khu vực chăn nuôi cho khoảng 35.000 hộ và 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.