| Hotline: 0983.970.780

Thơm ngon chè vụ đông

Thứ Ba 19/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, những nương chè của nông dân Thái Nguyên vẫn trổ búp, vươn lên xanh tốt trong vụ đông.

Những nương chè vươn lên xanh tốt trong vụ đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những nương chè vươn lên xanh tốt trong vụ đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kinh nghiệm "thúc" chè ra búp quanh năm

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nương chè của nông dân Thái Nguyên trổ búp vươn lên xanh tốt trong vụ đông - vụ có thời tiết không thuận lợi cho cây chè phát triển. Để có được kết quả này, người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để “thúc” chè ra búp quanh năm, qua đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, đồng thời cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo kinh nghiệm sản xuất của người dân địa phương, nguồn nước tưới chính là yếu tố quan trọng quyết định tới năng suất của chè vụ đông bởi thời tiết mùa này ít mưa, trong khi đó, cây chè lại đòi hỏi độ ẩm cao để có thể sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Để sản xuất chè vụ đông có hiệu quả, ngay từ đầu mùa, gia đình bà Lê Thị Thanh (xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã chủ động đào ao, tích nước để tưới cho chè đều đặn. Ngoài ra, bà Thanh còn lấy rơm rạ phủ lên trên mặt luống chè để giữ ẩm, hạn chế sự bốc hơi nước của đất.

Theo người dân, mặc dù sản xuất chè vụ đông vất vả hơn, năng suất cũng giảm so với chè chính vụ nhưng bù lại giá bán lại cao hơn, chè cũng ít bị sâu bệnh.

Nguồn nước tưới chính là yếu tố quan trọng quyết định tới năng suất của chè vụ đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nguồn nước tưới chính là yếu tố quan trọng quyết định tới năng suất của chè vụ đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Trước đây khi chưa làm chè vụ đông, mỗi năm nhà tôi chỉ thu hoạch được 6 lứa chè, nhưng giờ đây đã tăng lên 8 lứa. Vụ đông tôi sẽ thu hoạch được khoảng 6 tạ chè búp tươi, tuy giảm 2 tạ nhưng giá bán tăng thêm từ 1,5 - 2 lần so với chính vụ”, bà Thanh chia sẻ.

Bên cạnh nguồn nước tưới, một trong những yếu tố quan trọng khác trong sản xuất chè vụ đông là khâu bón phân. Ông Ngô Văn Hợi, Giám đốc HTX chè Phúc Thành (xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) cho biết, thay vì vãi phân trên mặt luống, người dân nên vùi phân dưới đất để hạn chế tình trạng rửa trôi, đồng thời giúp đẩy nhanh tốc độ hấp thụ chất dinh dưỡng của cây chè.

“Tuân thủ quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên của HTX đều có sổ nhật ký để ghi chép từng thời điểm bón phân trên nương chè. Bà con cũng lắp đặt hệ thống tưới bằng van xoay tự động khi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học”, ông Hợi cho hay.

Phát huy lợi thế chè vụ đông

Theo thống kê, Thái Nguyên hiện có trên 22.500ha chè. Xác định chè là cây trồng chủ lực, có thế mạnh, nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển cây chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Tại các vùng chè trọng điểm, mỗi ha chè bà con đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán lại cao hơn chè chính vụ từ 2 - 3 lần.

Chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao gấp 2 - 3 lần chính vụ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao gấp 2 - 3 lần chính vụ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhận thấy sản xuất chè vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã cùng chính quyền các địa phương đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây mới một số công trình hồ, đập để đảm bảo cung cấp nước tưới.

Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất chè vụ đông theo hướng an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục khuyến khích bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè vụ đông. Thái Nguyên đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 12.500ha, chiếm 51% tổng diện tích chè toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.