| Hotline: 0983.970.780

Thông mã vĩ 'nhả vàng', giúp hàng trăm đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo

Thứ Tư 13/06/2018 , 06:20 (GMT+7)

Từ lâu, các huyện vùng cao của tỉnh biên giới Lào Cai luôn gắn liền với hình ảnh đồi thông mã vĩ xù xì, sừng sững hiên ngang giữa núi rừng. Khai thác nhựa từ cây thông mã vĩ giúp hàng trăm hộ dân xóa đói, giảm nghèo...

10-32-05_1
Người dân cạo nhựa thông mã vĩ

Ở những vùng đất chỉ có đá, khô hạn và cằn cỗi đó, thông mã vĩ như một lá phổi xanh, phòng hộ ở vùng thượng nguồn, giữ mạch nước ngầm. Đặc biệt, việc khai thác nhựa từ cây thông mã vĩ giúp hàng trăm hộ dân xóa đói, giảm nghèo.

Ông Lê Xuân Hữu, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà) cho biết, trong các loại thông lấy nhựa thì thông mã vĩ (hay thông đuôi ngựa) thuộc loại đẳng cấp nhất. Nhựa thông mã vĩ với hàm lượng colophan và các tinh chất khác, duy nhất được dùng trong công nghiệp sản xuất bo mạch điện tử cho các loại thiết bị cao cấp như điện thoại, màn hình tinh thể lỏng đời cao, hiện đại. Ngoài ra, nhựa thông mã vĩ được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp hóa mĩ phẩm và các sản phẩm kết dính.

Cây thông mã vĩ là loài có sức chống chịu cao, sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất khô cằn, bị thoái hóa, rửa trôi mạnh. Là loài cây gỗ lớn, đa mục đích, sống lâu năm, sinh trưởng chiều cao đạt tới 25m, đường kính thân cây có thể đạt tới 60cm. Gỗ thông mã vĩ có tỷ trọng khá cao, thuộc loại gỗ tương đối tốt và lõi phân biệt. Gỗ cây có sợi cellulô dài, được dùng cho sản xuất giấy, ngoài ra còn làm gỗ trụ mỏ, cột điện, gỗ bao bì.

Tại các huyện vùng cao, biên giới Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương do đất đồi núi có độ dốc lớn, bị rửa trôi mạnh, khô hạn, cằn cỗi nên từ những năm 90 của thế kỷ trước, tỉnh Lào Cai đã chủ trương trồng thông mã vĩ tại để làm rừng phòng hộ. Được sự hỗ trợ từ các chương trình như 661, 327, tại huyện Bắc Hà đã có hàng trăm ha thông mã vĩ, đạt 20 – 25 tuổi, đang vào kỳ cho thu hoạch nhựa khá tốt.

Từ tháng 4/2017, một doanh nghiệp đã về Bắc Hà khảo sát diện tích rừng thông mã vĩ, thông quá ngành chức năng đã ký kết trực tiếp với người dân để khai thác nhựa. Theo đó, đơn vị này trả 13,5 nghìn đồng/cây/năm. Trong đó, người dân được hưởng 70% (9,5 nghìn đồng), còn lại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hà hưởng để chi phí giám sát và hướng dẫn kỹ thuật khai thác.

Gia đình anh Giàng Seo Lồng, dân tộc Mông ở thôn Sử Séo Chải, xã Nậm Mòn (huyện Bắc Hà) nhận khoán bảo vệ hơn 5ha rừng thông mã vĩ với Hạt Kiểm lâm Bắc Hà. Nhờ cách làm trên, năm 2017, anh thu được gần 40 triệu đồng từ bán quyền khai thác nhựa cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, vợ chồng anh còn được tập huấn kỹ thuật khai thác và đi cạo nhựa thuê, thu thêm hàng chục triệu đồng. “Mình thích cách làm này, vì rừng vẫn là của mình mà lại có tiền bán nhựa và cạo nhựa khoán cho công ty. Mình sẽ bảo vệ rừng đang có tốt hơn và trồng thêm rừng thông mã vĩ mới”, anh Lồng phấn khởi nói.

10-32-05_3
Năm 2018, diện tích thông khai thác nhựa được mở rộng

Còn anh Đặng Văn Đoàn, dân tộc Dao ở thôn Nậm Trì Trong, xã Bảo Nhai (cùng huyện Bắc Hà) đi nhận cạo nhựa thuê cho công ty theo phương thức khoán sản lượng. Dừng tay cạo trên cánh rừng thông mã vĩ xanh tốt ở tiểu khu 172, xã Bảo Nhai, anh Đoàn cho biết, nhận khoán cạo nhựa hơn 9 nghìn cây thông tranh thủ lúc nông nhàn. Kỹ thuật cạo nhựa thông không khó, hai ngày cạo một lần (tùy theo thời tiết nắng hay mưa). Sau khoảng 10 – 12 ngày thì giao sản phẩm nhựa cho công ty và nhận tiền theo khối lượng. Tính bình quân, mỗi ngày công lao động anh Đoàn kiếm được 250 nghìn đồng.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hà, sau thời gian 9 tháng khai thác (từ tháng 4 – 12/2017), người dân các xã Bảo Nhai, Na Hối, Nậm Mòn và doanh nghiệp này đã tiến hành khai thác nhựa thông mã vĩ với tổng diện tích hơn 45ha. Bình quân mỗi cây đạt hơn 1,6kg nhựa, tổng sản lượng nhựa đạt 616kg, trị giá 331 triệu đồng. Được biết, trong năm 2018, doanh nghiệp này đã và đang tiếp tục cùng người dân mở rộng diện tích khai thác nhựa, với mục tiêu đạt sản lượng cao hơn, đồng thời bảo vệ rừng phòng hộ theo đúng quy định.

Ông Lê Xuân Hữu khẳng định, từ việc chia sẻ lợi ích cho các hộ nhận khoán trong việc khai thác nhựa, đã tạo nguồn thu giúp bà con nông dân xóa nghèo, có cuộc sống tốt hơn. Đồng thời tạo động lực để họ thường xuyên kiểm tra, giám sát diện tích rừng được giao nhận khoán, hạn chế cháy rừng và thả rông gia súc gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

 

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm