| Hotline: 0983.970.780

Thông tin khan hiếm phân DAP chưa chính xác

Thứ Tư 03/03/2021 , 14:20 (GMT+7)

Tổng cầu phân bón DAP của Việt Nam xung quanh 1 triệu tấn/năm, trong đó ba nhà máy trong nước công suất 810.000 tấn nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Hiện công suất 3 Nhà máy DAP sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 80% tổng nhu cầu DAP hàng năm của Việt Nam. Ảnh: DDV.

Hiện công suất 3 Nhà máy DAP sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 80% tổng nhu cầu DAP hàng năm của Việt Nam. Ảnh: DDV.

Nguồn cung DAP trong nước đáp ứng 80%

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón DAP trong nước dao động khoảng 800.000 - 1 triệu tấn/năm. Trong những năm qua, nguồn cung phân bón DAP đến từ hai nguồn là sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Về nguồn cung DAP nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sản lượng DAP nhập khẩu năm 2020 tăng 15,7% so với năm 2019. Riêng tháng 01/2021 nhập khẩu tăng 334% so với cùng kỳ, nửa đầu tháng 2 nhập khẩu tăng 137,4% so với cùng kỳ.

Về năng lực sản xuất trong nước, hiện tại tổng công suất thiết kế của các nhà máy DAP trong nước là 810.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty Cổ phần DAP Vinachem (DAP Đình Vũ 330.000 tấn/năm), Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem (DAP Lào Cai 330.000 tấn/năm) và Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang (DAP Đức Giang 150.000 tấn/năm).

Năm 2020, do khó khăn về thị trường vẫn đang trong tình trạng dư cung, nên  hai nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai chưa huy động hết công suất, để giảm hàng tồn kho, hai đơn vị này phải tìm thêm thị trường xuất khẩu.

Lãnh đạo DAP Vinachem cho biết, sản lượng DAP Đình Vũ sản xuất trong 2 tháng đầu năm 2021 hiện đạt trên 46.000 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng về sản lượng tương ứng.

Kế hoạch các tháng 3 và 4, lãnh đạo DAP Vinachem khẳng định vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 - 26.000 tấn. Do đó, cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, DAP Đức Giang nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 - 50.000 tấn/tháng.

Có dấu hiệu găm hàng thổi giá?

Khảo sát tại các một số khu vực trọng điểm Đồng Bằng Sông Cửu Long cho thấy, thời điểm hiện tại nhu cầu sử dụng phân bón DAP của nông dân thực tế không tăng so với những năm trước đó, chưa kể tác động tiêu cực của dịch bệnh đã khiến nhu cầu về dài hạn đang tiếp tục bị suy giảm.

Thông tin cho rằng phân bón DAP khan hiếm chưa hoàn toàn chính xác. Thực tế, do tình hình dịch bệnh, khó khăn trong việc huy động phương tiện vận tải và cước vận chuyển tăng, nên đã dẫn đến chuỗi cung ứng phân bón đã bị gián đoạn cục bộ tại một số thời điểm.

Tình hình thị trường từ tháng 11/2020 đến nay, do diễn biến giá các nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất DAP là lưu huỳnh (S) và amoniac (NH3) đã tăng đột biến. Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 11/2020 đến tháng 02/2021), giá lưu huỳnh về đến các nhà máy sản xuất DAP đã tăng gấp hơn 2 lần (từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn), tương đương với mức tăng 113 USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4%, tương đương với mức tăng 102 USD/tấn.

Điều này đã khiến cho giá thành DAP sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng 1,509 triệu đồng/tấn. Mặc dù giá thành sản xuất tăng do giá nguyên liệu tăng như nêu ở trên, nhưng đến tháng 2/2021, DAP Đình Vũ mới chỉ điều chỉnh đơn giá bán tăng thêm 900.000 đồng/tấn (chịu thiệt 0,6 triệu đồng/tấn) để góp phần bình ổn giá trong nước.

Nguồn cung mặt hàng phân bón DAP trong nước đang rất dồi dào nên lí do khan hiếm khiến giá tăng mạnh có dấu hiệu của việc găm hàng, thổi giá. Ảnh: DDV.

Nguồn cung mặt hàng phân bón DAP trong nước đang rất dồi dào nên lí do khan hiếm khiến giá tăng mạnh có dấu hiệu của việc găm hàng, thổi giá. Ảnh: DDV.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến giá DAP cũng như hầu hết giá các mặt hàng phần bón khác là ure, kali tăng giá là do giá nguyên liệu cho sản xuất phân bón DAP trên thế giới tăng (lưu huỳnh, amoniac, quặng apatit, dầu khí) dẫn đến giá DAP trên thế giới tăng và giá DAP trong nước tăng theo. Tuy nhiên, giá DAP có tăng đột biến như tại Việt Nam hiện nay hay không cần xem xét một cách đầy đủ.

Theo thông tin chúng tôi khảo sát được, hiện giá DAP Trung Quốc 64% nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai 2 tháng đầu năm 2021 dao động từ 350 - 375 USD/tấn. Với giá nhập khẩu như trên, cộng thêm các chi phí tiêu thụ hợp lý, giá giao dịch bán lẻ khi đến tay bà con nông dân thực tế khó vượt quá 12 triệu đồng/tấn.  

Từ những thông tin trên, cho thấy rằng ngoại trừ yếu tố tăng giá do nguyên liệu đầu vào tăng, nguồn cung phân bón DAP tại thị trường nội địa là rất dồi dào. Vì vậy, không loại trừ yếu tố lợi dụng giá phân bón thế giới tăng, các đại lý đang tích trữ hàng, đầu cơ đẩy giá lên.

Thực tế, tại nhà máy DAP Đình Vũ, mặc dù các đại lý đã trả hết tiền mua hàng, nhưng lượng hàng gửi lại các kho nhà máy của đại lý vẫn còn khá lớn (trên 20.000 tấn). Do đó, việc giá DAP nhập khẩu hiện nay lên tới 15.000 - 16.000 đồng/kg là dấu hỏi lớn?.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần DAP Vinachem khẳng định, doanh nghiệp đã chủ động điều tiết đủ nguồn hàng cho hệ thống đại lý, phân phối của đơn vị. Tình hình giá phân bón tăng đột biến chỉ là trong ngắn hạn, bởi nguồn cung trong nước rất dồi dào, chưa kể nguồn cung nhập khẩu. Nên thời gian gần đây có thông tin cho rằng đang xuất hiện tình trạng thiếu hụt DAP trong nước, khiến cho giá bán tăng thẳng đứng là thông tin cần phải được kiểm chứng. Không loại trừ yếu tố đầu cơ, “té nước theo mưa” đẩy giá của các nhà phân phối tại thị trường nội địa.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giá phân bón DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai đang được bán tại cổng nhà máy cuối tháng 2, đầu tháng 3 trung bình 9.200 - 9.700 đồng/kg tùy chủng loại, thậm chí nhiều lô phân bón DAP Đức Giang đã ký hợp đồng từ trước đang được giao cho đại lí với giá chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg, trong khi đó giá mặt hàng DAP nhập khẩu hiện đang tăng mạnh lên 15.000 - 16.000 đồng/kg, gấp đôi và gấp rưỡi giá DAP sản xuất trong nước.

Xem thêm
Bệnh thối đen hoa lan và cách phòng trị

Hoa lan là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao và thu hoạch quanh năm, tuy nhiên rất hay bị bệnh nhất là bệnh thối đen gây thiệt hại lớn cho nhà nông...

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?