![Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Ảnh minh hoạ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/14/hoc-sinh-211174-104039_926-112728.jpg)
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Ảnh minh hoạ.
Ngày 14/2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực thi hành.
Ngay từ khi ban hành vào ngày 30/12/2024, Thông tư này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi những quy định mới nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong hệ thống giáo dục.
Theo quy định của Thông tư 29, các trường tiểu học không được tổ chức dạy thêm, ngoại trừ các hoạt động bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên giảng dạy tại các nhà trường cũng không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền nếu đối tượng là học sinh mà họ đang phụ trách theo kế hoạch giáo dục chính thức. Ngoài ra, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, tuy nhiên vẫn có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở dạy thêm hợp pháp.
Thông tư cũng quy định rõ ràng rằng việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ không được thu tiền của học sinh. Nếu tổ chức hoặc cá nhân muốn mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường và có thu phí, phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với giáo viên đang công tác tại các trường học, nếu có nhu cầu tham gia giảng dạy ngoài nhà trường, họ phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian tham gia.
Việc ban hành Thông tư 29 được xem là một bước đi mạnh mẽ nhằm xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm có thu tiền trong trường học - một vấn đề đã tồn tại hàng chục năm và gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Trên thực tế, không ít phụ huynh đã phản ánh tình trạng giáo viên ép buộc học sinh học thêm dưới hình thức "tự nguyện". Do đó, quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một môi trường giáo dục công bằng, không gây áp lực học tập không cần thiết cho học sinh.
Một vấn đề cũng được quan tâm là việc đảm bảo kinh phí cho các hoạt động ôn tập, phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh hỗ trợ tài chính cho các trường học, nhằm đảm bảo giáo viên có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảng dạy mà không phải phụ thuộc vào các khoản thu từ dạy thêm.
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ hôm nay (ngày 14/2). Hàng loạt tỉnh, thành cũng đã cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Việc triển khai Thông tư 29 được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực học tập không cần thiết đối với học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo ra một môi trường học đường lành mạnh, công bằng hơn cho tất cả học sinh trên cả nước.