| Hotline: 0983.970.780

Thu hoạch và sơ chế cà phê

Thứ Sáu 18/11/2011 , 09:55 (GMT+7)

Đến tháng 10/2011, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2010 tăng 6% về lượng và 60,6% về giá trị. Tuy có sản lượng lớn nhưng cà phê VN vẫn chỉ bán được giá thấp do chất lượng kém, không đồng đều.

Làm thế nào để người trồng cà phê có lợi nhuận cao hơn? TS Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã có những khuyến cáo xung quanh việc thu hoạch và sơ chế cà phê.

Hỏi: Tại sao cà phê VN luôn có tiếng là cà phê chất lượng thấp?

Trả lời: So với các nước trồng cà phê trên thế giới, Tây Nguyên chúng ta có lợi thế lớn về đất đai, khí hậu nên tiềm năng năng suất cao hơn. Tuy nhiên có đến 80% diện tích cà phê của chúng ta được hộ nông dân trồng nhỏ lẻ, phân tán ở vùng xa dân cư, không thuận lợi về giao thông và đa số người trồng cà phê còn có mức sống khiêm tốn nên chưa có điều kiện để xây dựng sân phơi, lò sấy nên thường thu hoạch và sơ chế không đảm bảo yêu cầu. Bởi vậy cà phê của ta vẫn có chất lượng thấp mặc cho nhiều năm nay đã có nhiều tiến bộ.

Hỏi: Trong khâu thu hoạch hiện người trồng cà phê đang mắc những thiếu sót gì?

Trả lời: Đấy là thu hoạch không đúng độ chín, thu hoạch khi quả còn xanh. Cây cà phê thường ra hoa làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 15-20 ngày nên đúng ra cũng phải thu hoạch làm 3 đợt. Nhưng do sức ép về trật tự trị an và giá công lao động tăng cao khi vào mùa thu hoạch nên bà con thường chỉ thu hoạch 2 lần bằng cách tuốt khi vườn cà phê mới chín được khoảng 30%. Việc tuốt cà phê như vậy làm lẫn lộn cà phê chín, sắp chín và đang còn xanh và đó là nguyên nhân chính đưa đến chất lượng thấp.

Mặt khác khi thu hoạch lần 2, bà con thường gom, quét những quả cà phê rơi rụng đổ lẫn vào, mà cà phê rơi rụng này có chất lượng rất thấp nên cần được thu gom và sơ chế riêng. Việc thu hoạch xanh cũng làm giảm năng suất cà phê rất lớn. Điều tra cho thấy nếu thu hoạch khi 70% quả chín thì năng suất giảm 5%, thu hoạch khi có 50% quả chín thì năng suất giảm 8-10%.

Hỏi: Trong vườn cà phê thường có nhiều kiến đỏ, kiến đen làm cho công tác thu hoạch rất khó khăn. Nhiều nông dân thường lấy mỡ trộn với thuốc bôi lên thân, cành cà phê trước thu hoạch. Nên chăng?

Trả lời: Với kiến đỏ thì không đáng ngại vì chúng dễ đuổi và cắn cũng không đau nhiều. Còn kiến đen vừa cắn đau, lại vừa có tổ dưới đất và dùng đất xây thành đường hầm để di chuyển trên mặt đất, lên thân cành cà phê bởi vậy rất khó xua đuổi chúng nên việc diệt kiến như vậy chỉ là trong trường hợp bất khả kháng vì kiến quá nhiều.

 Tuy nhiên không nên diệt làm nhiều lần, tận diệt kiến đen vì quan sát thấy rằng vườn nào không có kiến đen thì vườn ấy bị ve sầu tấn công. Trứng ve sầu được đẻ trên cành cà phê và là món ăn khoái khẩu của kiến đen nên khi không còn kiến thì trứng sẽ nảy nở sinh sôi và tàn phá bộ rễ rất khó khôi phục.

Hỏi: Có cách nào khắc phục hiện tượng thu hoạch cà phê xanh này?

Trả lời: Việc đầu tiên thuộc về chính quyền là làm sao để hạn chế thấp nhất nạn trộm, cướp cà phê. Bà con cũng đang có sáng kiến là thu hoạch theo cây. Cây nào chín nhiều trước thì tuốt trước. Cách làm này hạn chế được một ít nhưng vẫn không cơ bản. Hiện Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã có những giống chín sớm, chín trung bình, chín muộn nên nếu trồng mới bà con có thể trồng theo cách mỗi giống mỗi hàng để khi thu hoạch theo hàng để giảm áp lực về sân phơi và công lao động khi thu hoạch. Nếu được như vậy thì chất lượng cà phê sẽ được cải thiện rõ rệt.

Hỏi: Nhiều hộ nông dân áp dụng cách xay dập quả cà phê trước lúc phơi để mau khô. Vậy cách làm này có nên nhân rộng không?

Trả lời: Xay dập cà phê trước lúc phơi đúng là mau khô hơn nhưng đây là cách làm phản khoa học, một trong những nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cà phê bởi vì khi xát như vậy có quả chỉ bong vỏ, có quả bị bễ, có quả bị bong cả vỏ thóc. Với một mớ hỗn độn như vậy thì không thể có chuyện quả cà phê có độ ẩm đồng đều sau khi phơi. Mặt khác, việc làm vỡ, nứt nhân cà phê sẽ là cơ hội cho nấm mycotoxin, aflatoxin xâm nhập tiết ra chất độc hại gây nên bệnh ung thư mà tất cả các nhà chế biến cà phê đều sợ hãi.

Hỏi: Để giảm nhiệt, giảm lượng hạt đen nhiều hộ nông dân thường tưới nước để làm giảm nhiệt độ đống cà phê. Cách làm này có hiệu quả.

Trả lời: Khi sân phơi bé, lượng cà phê nhiều nên phải phơi dày nên nhiệt độ lên cao và sẽ làm đen hạt cà phê làm giản phẩm cấp. Việc tưới nước như vậy sẽ làm giảm nhiệt độ nên sẽ giảm được tỷ lệ hạt đen.

 Tuy nhiên với kiểu thu hoạch tuốt như đã nói ở trên thì sẽ có quả chín quá, quả đang còn xanh nên khi tưới nước rất dễ bị thối nhũn gây nên mùi vị lạ cho cà phê nên thường bị đánh tuột chất lượng. Tốt nhất là nên tải đều theo luống và xới đảo nhiều lần, ít nhất 2-3 lần/ngày. Muốn có chất lượng cao thì không còn con đường nào khác là phải phơi (hoặc sấy) chậm nhất 24 giờ sau thu hoạch, phơi đưa độ ẩm xuống 12,5 – 13% (cắn nhân cà phê vỡ mà không có dấu răng) và xay ngay. Không dùng bao bì phân bón (cho dù đã được giặt), bồn từng chưa xăng dầu và hóa chất để đựng cà phê nhân.

Hỏi: Việc phun kali trước thu hoạch có làm cà phê chín đều hơn không?

Trả lời: Không nên. Cà phê muốn chín đều là phải sử dụng phân bón cân đối ngay từ đầu vụ. Phân bón chuyên dùng cho cà phê NPK 16.8.16 +TE của Bình Điền là sản phẩm rất thích hợp cho cà phê.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm