| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi đất làm thủy điện Bá Thước 1 nhưng không đền bù cho dân

Thứ Ba 14/02/2023 , 08:33 (GMT+7)

Có 6.000m2 trong tổng số hơn 20ha đất được chính quyền thu hồi để giao cho Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa làm thủy điện nhưng không đền bù cho dân.

Hàng nghìn m2 đất chưa đền bù

Hồ sơ của NNVN có được cho thấy, năm 2014, Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU969015 với diện tích 207.142m2 để thực hiện dự án Thủy điện Bá Thước 1 (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2017.

Tuy nhiên, sau khi dự án đi vào hoạt động, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Quyền lợi của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được đảm bảo.

Theo đó, trong tổng số 207.142m2 diện tích đất được thuê làm dự án thủy điện, còn 6.673,13m2 đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa đền bù cho người dân trong diện bị thu hồi.

Nhiều hộ dân chưa được đền bù đất tại Dự án Thủy điện Bá Thước 1. Ảnh: Quốc Toản.

Vị trí thuộc quy hoạch Dự án Thủy điện Bá Thước 1. Ảnh: Quốc Toản.

Cụ thể, các hộ gia đình chưa được đền bù gồm: Hộ gia đình ông Phạm Văn Long (235,5m2 đất ở), Lục Văn Giáp (291,2m2 đất ở), Bùi Văn Mong (486,1m2 đất ở) và ông Lục Văn Nguyễn.

Trong số các hộ dân nói trên, hộ gia đình ông Lục Văn Nguyễn có diện tích đất nằm trong diện thu hồi lớn nhất (hơn 5,6 nghìn m2 đất rừng sản xuất, và 661,87m2 nằm trong mặt bằng hiện trạng sử dụng đất của thủy điện). Như vậy, tổng diện tích đất mà gia đình ông Nguyễn sẽ được hưởng đền bù là 6.311m2.

Mặc dù chưa thu hồi, đền bù cho các hộ dân nói trên, nhưng năm 2014, Hội đồng giải phóng mặt bằng Công trình thủy điện Bá Thước 1, 2 và Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thời điểm đó lại xác nhận đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ gia đình đảm bảo các quy định.

Tiếp đó, cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa bao gồm cả diện tích của các hộ dân chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về việc này, UBND huyện Bá Thước khẳng định: “Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, thẩm định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có thiếu sót, chưa phù hợp. Việc hội đồng giải phóng mặt bằng và Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa xác nhận đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ gia đình đảm bảo các quy định là chưa chính xác, chưa đúng với tình hình thực tế và hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng với các hộ gia đình”.

dat thuy dien

Nhiều hộ dân nằm trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa nhận được quyền lợi. Ảnh: Quốc Toản.

Phân tích về tính pháp lý trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để làm dự án thủy điện, Luật sư Trần Đức Phượng (đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc điều tra, làm rõ nhiều khuất tất trong việc đền bù này.

“Trước khi giao đất cho dự án thủy điện, Nhà nước phải có quyết định thu hồi đất và bồi thường cho người dân. Nếu người dân chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ thì có quyền chưa giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước. 

Theo phản ánh trên, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có diện tích đất chưa đền bù thì cần kiểm tra lại hồ sơ đền bù. Có thể thấy rõ, hồ sơ bồi thường và hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp thuê có dấu hiệu được tạo dựng giả tạo, trái quy định pháp luật. Thậm chí, có thể xảy ra trường hợp chiếm đoạt tiền bồi thường nhưng không chi trả cho người dân”, Luật sư Trần Đức Phượng phân tích.

Giám đốc Công ty thủy điện lạm quyền?

Thay vì thực hiện trách nhiệm đền bù và phối hợp với chính quyền để di dời người dân đến khu vực mới, thì đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh lại tự ý quy hoạch, đổi đất để bố trí tái định cư cho người dân trong diện đền bù. 

Cụ thể, ngày 15/12/2016, ông Đỗ Duy Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thời điểm đó đã đại diện doanh nghiệp ký biên bản đổi đất với hộ ông Lục Văn Nguyễn (hộ ông Nguyễn đổi đất từ đồng Kế, thuộc vực kênh xả của thủy điện, lên khu vực ruộng Yến và ruộng Vặn (xã Thiết Kế) tương ứng với diện tích 6.311m2. 

Theo thỏa thuận này, Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa sẽ bàn giao mặt bằng cho ông Nguyễn và cải tạo đất để hộ gia đình này canh tác và hoàn thiện hồ sơ đất theo như giấy tờ cũ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hộ ông Lục Văn Nguyễn vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vị trí đã đổi.

Đáng nói là, phần diện tích đất mà đại diện công ty này ký biên bản đổi cho gia đình ông Lúc Văn Nguyễn được chính quyền UBND xã Thiết Kế xác nhận là thuộc phạm vi quy hoạch, sử dụng đất của dự án Thủy điện Bá Thước 1, đã được giải phóng mặt bằng.

luc

Ông Lục Văn Nguyễn vẫn chưa nhận được đền bù tại diện tích 6.311m2. Ảnh: Quốc Toản.

Nói về tính pháp lý trong việc đổi đất trên, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định: "Việc doanh nghiệp thỏa thuận đổi đất với người dân trong trường hợp này là trái pháp luật và không có giá trị, bởi đất được Nhà nước thu hồi giao cho doanh nghiệp thì nghiêm cấm giao dịch như trên".

Việc nhập nhèm trong đền bù dự án thủy điện đặt người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo đó, sau khi chấp thuận việc đổi đất, gia đình ông Lục Văn Nguyễn vừa không được đền bù 6.311m2 đất, vừa không phải là chủ sử dụng hợp pháp cho phần đất đã đổi (phần đất đổi thuộc quy hoạch thủy điện, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Dù các bên có liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đền bù cho một số hộ dân, nhưng UBND huyện Bá Thước vẫn yêu cầu Công ty Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Thiết Kế xây dựng phương án xử lý dứt điểm tình trạng bị người dân xây dựng các công trình nhà ở, công trình phụ trái phép trên diện tích đất thuộc thủy điện. Di dân ra khỏi khu vực vi phạm, tháo dỡ công trình đã xây dựng, hoàn trả lại mặt bằng...

Về nội dung trên, trao đổi với NNVN, ông Ngọ Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, do sự việc đã diễn ra khá lâu nên huyện đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát lại nội dung phản ánh. 

Công trình Thủy điện Bá Thước 1 được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 6/3/2014 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU969015 ngày 4/7/2014, diện tích 207.142m2, thời hạn thuê đất đến năm 2078; hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Công trình đã triển khai xây dựng từ năm 2014 và hoàn thành đi vào hoạt động từ năm 2017.

Tuy nhiên, hiện nay, Dự án Thủy điện Bá Thước 1 và 2 đã thuộc sở hữu của Tập đoàn Bitexco do phía Hoàng Anh Gia Lai đã bán lại.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.