| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập tăng 5 lần nhờ mô hình nông nghiệp thông minh

Thứ Năm 30/06/2022 , 09:31 (GMT+7)

HÀ TĨNH Dự án SIPA đã hỗ trợ, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân nhiều địa phương ở Hà Tĩnh với những mô hình nông nghiệp thích ứng, dựa vào hệ sinh thái.

TS Nguyễn Quang Tân (đứng), Điều phối viên Quốc gia của ICRAF tại Việt Nam, chia sẻ kết quả Dự án SIPA Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

TS Nguyễn Quang Tân (đứng), Điều phối viên Quốc gia của ICRAF tại Việt Nam, chia sẻ kết quả Dự án SIPA Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hơn 3.500 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi

Vừa qua, Hội thảo “Chia sẻ thông tin về kết quả Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh” (Dự án SIPA Hà Tĩnh) đã được tổ chức tại TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).

Trong khuôn khổ dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã được chọn là tỉnh thí điểm thực hiện sản xuất nông nghiệp thích ứng dựa vào hệ sinh thái thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương. Các hoạt động ở Hà Tĩnh do Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam và các đối tác cấp tỉnh tại Hà Tĩnh thực hiện.

Dự án đã triển khai từ năm 2020 đến tháng 6/2022 tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang. Đã có hơn 3.500 hộ gia đình với hơn 14.000 người tham gia triển khai 5 mô hình nông lâm kết hợp trong khuôn khổ dự án. Đó là phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp, nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng, trồng hành tăm thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hữu cơ, nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ và trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi.

Hội thảo trưng bày triển lãm ảnh do chính nông dân chụp lại các mô hình, sản phẩm của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội thảo trưng bày triển lãm ảnh do chính nông dân chụp lại các mô hình, sản phẩm của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo bà Lê Thị Tầm, Giám đốc Dự án SIPA Hà Tĩnh, thông qua việc tham gia dự án, sinh kế của các hộ dân đã được cải thiện rõ rệt. Thu nhập của nông dân sau khi tham gia dự án tăng gấp 2 - 5 lần so với những mô hình cũ.

Cụ thể, mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, mô hình trồng hành tăm luân canh với cây họ đậu cũng mang về nguồn thu 80 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, mô hình nuôi ong lấy mật giúp bà con tăng thêm thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng mỗi năm.

“Ngoài ra, 1ha diện tích trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi bò đã góp phần giảm chi phí thức ăn chăn nuôi cho bà con. Chúng tôi rất phấn khởi khi đã góp phần hồi sinh những vũng đất thoái hóa và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nơi đây”, bà Lê Thị Tầm bày tỏ.

Song song với Dự án SIPA, Hà Tĩnh cũng lồng ghép các kết quả và phương pháp tiếp cận vào một số chương trình đang được triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể là các chương trình như Cải tạo vườn tạp, Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2022 - 2025, Chương trình Kết nối tiêu thụ sản phẩm và Chương trình Chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Các sản phẩm trong mô hình của Dự án được trưng bày tại Hội thảo. Phạm Hiếu.

Các sản phẩm trong mô hình của Dự án được trưng bày tại Hội thảo. Phạm Hiếu.

Dự án SIPA Hà Tĩnh được tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức trong khuôn khổ hỗ trợ của quỹ Sáng kiến khí hậu Quốc tế và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phê duyệt vào ngày 3/9/2019.

Các hoạt động nối tiếp dự án tại Hà Tĩnh trong thời gian tới sẽ được lồng ghép vào các chương trình của địa phương với mục tiêu nhân rộng mô hình tới hơn 17.000 nông hộ.

Nhiều sinh kế thiết thực từ Dự án SIPA

Trong khuôn khổ Dự án SIPA Hà Tĩnh, từ tháng 8 đến tháng 9/2021, 31 cán bộ xã, huyện đã được tập huấn về cách thiết kế, quản lý vườn nông lâm kết hợp theo hướng hữu cơ. Từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, nhóm cán bộ xã, huyện trên đã triển khai 14 lớp tập huấn cho 560 nông dân.

Nông dân tham gia được hướng dẫn lựa chọn và trồng cây ăn quả kết hợp với các cây trồng khác trên chính khu vườn của mình. Việc lựa chọn đối tượng cây trồng dựa trên sở thích của nông dân, các chính sách tạo điều kiện ở huyện và tham vấn với cán bộ địa phương, chuyên gia về cây ăn quả. Trong khóa đào tạo, nông dân và cán bộ kỹ thuật đã đến thăm hai vườn ươm cây ăn quả để học cách đánh giá cây giống dựa trên các chỉ tiêu về chất lượng.

Mô hình trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi của Dự án. PH.

Mô hình trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi của Dự án. PH.

Cùng với đó, tháng 4/2022, dự án đã cung cấp hơn 50.000 cây giống cho hơn 2.200 nông hộ. Các cán bộ kỹ thuật cấp huyện, tỉnh, những người đã được dự án đào tạo đã hướng dẫn nông dân cách trồng và chăm sóc cây con, tham khảo hướng dẫn kỹ thuật từ các ấn phẩm do nhóm dự án và chuyên gia về cây ăn quả của Viện Nghiên cứu Rau quả.

Dự án cũng đã giao hơn 6.300 gói chế phẩm sinh học cho hơn 3.000 nông hộ. Các hộ này đã làm theo các hướng dẫn kỹ thuật và đã sản xuất ra chế phẩm sinh học từ cám gạo.

Tại Hà Tĩnh, dự án cũng đưa ra khái niệm trồng theo đường đồng mức và hướng dẫn các nông hộ trồng dứa Queen, cỏ Guinea dọc theo đường đồng mức để kiểm soát xói mòn đất, tăng thêm thu nhập và làm thức ăn cho gia súc.

Kết quả, trong năm 2020 - 2021, trải qua nhiều đợt nắng nóng, cỏ Guinea được trồng tại vườn của các hộ tham gia dự án vẫn xanh tốt dù không được chăm sóc nhiều. Sau khi cho gia súc ăn, số lượng còn thừa được bán, đạt doanh thu khoảng hơn 56 triệu đồng/ha/năm.

Dự án cung cấp các giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương. Ảnh: TĐ.

Dự án cung cấp các giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương. Ảnh: TĐ.

Dự án cũng đã giới thiệu phương pháp phủ đất bằng phụ phẩm cây trồng, lá cọ và trồng cỏ lạc dại góp phần cải thiện chất lượng đất và giảm sự bốc hơi nước, mất đất do hạn hán và mưa lũ. Các nông hộ cũng được hướng dẫn sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh học đối với sâu bệnh như vôi, bẫy côn trùng, che cây bằng lưới và bao trái bằng túi giấy.

Bên cạnh đó, Dự án cũng thành lập các tổ tiết kiệm thôn bản và các khoản vay cho các nhóm nông nghiệp. Tính đến tháng 1/2022, 24 nhóm đã được thành lập và đi vào hoạt động với 592 thành viên. Các nhóm này đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 274 triệu đồng, trong đó 235 triệu đồng được dùng làm khoản vay cho 58 thành viên để thực hiện nông nghiệp thông minh với khí hậu, chủ yếu để thiết lập nông lâm kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi gia súc như gà, trâu, lợn và sử dụng chất thải để làm phân bón trong ruộng vườn của họ.

Cán bộ dự án hướng dẫn người dân trồng dứa trên đường đồng mức. Ảnh: PH.

Cán bộ dự án hướng dẫn người dân trồng dứa trên đường đồng mức. Ảnh: PH.

Ngoài ra, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, dự án đã hỗ trợ trên 900 hộ bán 527,5 tấn sản phẩm gồm bưởi, cam và nhiều loại cây trái đến người tiêu dùng, các cửa hàng nông sản. Giá bán trung bình cao hơn ít nhất 30% so với khi không có sự hỗ trợ của dự án. Cụ thể, giá bán trung bình của cam và bưởi có hỗ trợ của dự án là 22.000 đồng/kg và 24.000 đồng/kg so với 9.900 đồng/kg và 15.000 đồng/kg khi không có hỗ trợ.

Theo TS. Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên ICRAF tại Việt Nam, 3 dự án do ICRAF và các đối tác của Dự án SIPA Hà Tĩnh xây dựng đã được nhà tài trợ phê duyệt.

“Các dự án này sẽ kế thừa và được nhân rộng kết quả triển khai tại Hà Tĩnh sang các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung khác. Tổng ngân sách huy động được hơn 20 tỷ đồng và thời gian triển khai các dự án từ năm 2022 đến năm 2025”, TS Nguyễn Quang Tân thông tin.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm