| Hotline: 0983.970.780

Nông dân làm nông nghiệp hiện đại

Mở rộng mô hình nông nghiệp thông minh

Thứ Ba 05/04/2022 , 08:23 (GMT+7)

Thái Nguyên đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước đối với sản xuất chè cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1ha chè.

Từ rau, quả trong nhà lưới

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định và giữ vị trí là ngành sản xuất quan trọng, không chỉ là “bệ đỡ” của nền kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định xã hội, đặc biệt trong bối cảnh của dịch Covid-19 kéo dài. Trong đó, nhiều mô hình nông nghiệp thông minh tại các địa phương của tỉnh đã khẳng định hiệu quả.

Thời điểm đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh và các địa phương trong tỉnh bị hạn chế. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để sản xuất và phục vụ thị trường nhiều loại rau quả, anh Nguyễn Anh Tuấn (37 tuổi, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ) đã quyết định đầu tư 1 tỷ đồng để mua 5.000m2 đất tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ) và gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới trồng dưa lưới, nho các loại và dâu tây.

Vườn nho hạ đen và dưa lưới của anh Nguyễn Anh Tuấn thu hút nhiều người đến mua vé tham quan. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Vườn nho hạ đen và dưa lưới của anh Nguyễn Anh Tuấn thu hút nhiều người đến mua vé tham quan. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Do nhà lưới được đầu tư đồng bộ, chuẩn công nghệ Israel, các giống nho quý đã được trồng thành công tại huyện Đại Từ, cho năng suất và chất lượng tốt, như: Nho ngón tay đen (Mỹ), Hạ Đen (Nhật Bản), Nho đỏ Ninh Thuận và Nho 126 (Việt Nam). Hiện nay, vườn nho đã trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm và mua sản phẩm tại vườn của nhiều khách trong tỉnh, nho luôn “cháy hàng” dù giá bán 100 nghìn đồng/kg, khá cao so với thị trường. Tương tự như vậy, các giống dâu tây New Zealand và Hana - Nhật Bản cũng được du khách ưa chuộng. Riêng dưa lưới luôn có giá bán 50 nghìn đồng/kg.

Anh Tuấn cho biết, mặc dù đầu tư ban đầu cao nhưng nông nghiệp thông minh đòi hỏi rất ít công lao động, cụ thể như vườn rau quả của anh diện tích tới 5.000m2 nhưng chỉ cần duy nhất một lao động thường xuyên. Chỉ vào những thời điểm phải thụ phấn cho cây, hoặc thời điểm thu hoạch rộ thì mới phải thuê thêm lao động để chăm sóc, thu hái. Công việc vận hành nhà lưới phải do đích thân anh thực hiện.

Tại xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới của anh Hoàng Đình Lập, 29 tuổi không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp nông dân vùng miền núi được tiếp cận với nông nghiệp công nghệ cao.

Được UBND huyện Định Hóa hỗ trợ làm nhà lưới năm 2019, anh Lập đưa vào trồng các loại dưa lưới, dưa lê siêu ngọt, dưa chuột và các loại rau xanh. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ hiện đại vào trồng các loại dưa đạt năng suất và chất lượng, hiệu quả gấp đôi so với trồng ngoài điều kiện tự nhiên. Hiện, sản phẩm của HTX được đưa vào một số cửa hàng nông sản sạch và nhiều đầu mối tiêu thụ lẻ, dù bán với giá khá cao so với thị trường nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua.

Nhà lưới trồng rau củ quả sạch của gia đình ông Nguyễn Văn Toán (xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) cũng là mô hình được nhiều nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập. Với mong muốn thay đổi tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ông Toán đã mạnh dạn đầu tư sản xuất rau quả an toàn theo hướng nông nghiệp hiện đại.  Theo đánh giá của ông Toán thì rau quả trồng trong nhà lưới phát triển tốt, không sâu bệnh, bớt nhiều công lao động nhờ có giàn tưới tự động.

Từ mô hình này, huyện vùng cao Võ Nhai đang tiếp tục nhân rộng, tiến tới phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá và mang tính bền vững.

Đến trồng rau quả không cần đất

Là một trong những mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh đầu tiên của Phổ Yên và cũng là của tỉnh Thái Nguyên, gia đình chị Nguyễn Thu Huyền ở xã Minh Đức đã đi đầu trong phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, trồng rau không cần đất.

Hiện, vườn rau thủy canh trong nhà lưới của gia đình chị có diện tích trên 1.000m2, hàng tháng thu hoạch khoảng gần 5 tấn rau ăn lá các loại, cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Chị Huyền cho biết, trước đây gia đình trồng thử nghiệm hơn 200m2 rau trong nhà lưới. Đến năm 2017, tiếp tục đầu tư hơn 700 triệu đồng mở rộng hơn 800m2 để trồng rau thủy canh, nâng tổng diện tích lên hơn 1.000m2.

Vườn rau thủy canh trồng trên giá thể của chị Vũ Thị Hội được khách hàng bao tiêu đặt mua toàn bộ sản phẩm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng. 

Vườn rau thủy canh trồng trên giá thể của chị Vũ Thị Hội được khách hàng bao tiêu đặt mua toàn bộ sản phẩm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau thủy canh chỉ tốn nhiều công ở giai đoạn đưa hạt giống vào ươm, còn khi đã thành cây con thì việc chăm sóc không đáng kể bởi, không phải tưới nước, bón phân, làm cỏ, phun thuốc… Tuy phương pháp thủy canh đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, chi phí đầu tư cũng rất lớn, song tỷ lệ cây sống đạt 100% do chủ động được nguồn nước, chất dinh dưỡng, ánh sáng, tránh được các tác nhân gây sâu bệnh. Chất dinh dưỡng được phân chia đều nhau nên các loại rau thủy canh phát triển nhanh và đồng đều, thời gian bảo quản được lâu hơn so với rau thông thường. Hầu hết sản phẩm rau của gia đình làm ra đều được vận chuyển đi tiêu thụ tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể tại Hà Nội.

Tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, nhiều người biết đến khu vườn thông minh của gia đình chị Vũ Thị Hội. Với diện tích 500m2 nhà lưới đưa vào canh tác khoảng 5 năm nay, chị Hội chia sẻ chi phí đầu tư hoàn thiện hệ thống thuỷ canh tối thiếu cũng cần 400 triệu đồng, có thể khai thác trong vòng 7-9 năm. Gia đình chị kết hợp trồng rau thủy canh xen với hữu cơ. Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Để thực hiện phương pháp này, gia đình chị đã làm bể dinh dưỡng tuần hoàn, hệ thống giàn thủy canh ngang… đáp ứng đẩy đủ điều kiện cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rau.

Do toàn bộ chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước nên có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng, rau phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp 2 lần so với truyền thống. Bên cạnh đó, rau cũng không bị bám bụi bẩn và không bị sâu bệnh, hình thức và chất lượng đều hơn hẳn. Mặt khác các chi phí công lao động giảm do không phải thực hiện một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới, tưới và thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm đã thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu. Hiệu quả dễ thấy nhất là rau phát triển trong mọi điều kiện thời tiết, những thời điểm thị trường khan hiếm rau do mất mùa bởi mưa bão hay rét đậm rét hại thì nhà chị vẫn đều đặn có rau phục vụ bà con. Trung bình, rau xà lách 25 ngày/lứa, giá bán từ 30 nghìn - 40 nghìn đồng/kg, rau cải 30 - 32 ngày/ lứa. So với tất cả các loại rau ăn lá, rau cải là hiệu quả nhất.

Cùng với việc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên đang được thành lập, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm chủ động trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần xây dựng NTM và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Nhiều đặc sản OCOP ở Hưng Yên độc đáo, khó 'đụng hàng'

Những đặc sản OCOP dưới đây chỉ Hưng Yên mới sản xuất hàng hoá theo quy mô làng nghề truyền thống, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn trở lên.