| Hotline: 0983.970.780

Thu nửa tỷ đồng mỗi tháng từ vườn hoa hồng cổ

Thứ Sáu 08/05/2020 , 09:40 (GMT+7)

Đam mê hoa hồng cổ, anh Trọng lặn lội khắp nơi sưu tầm, mang về chăm sóc. Sau nhiều năm, vườn cây trở nên phong phú, giúp gia đình thu về nửa tỷ mỗi tháng.

Vườn của gia đình anh Phạm Văn Trọng có khoảng 20 nghìn chậu hồng cổ với 100 loại khác nhau. Ảnh: Minh Hậu.

Vườn của gia đình anh Phạm Văn Trọng có khoảng 20 nghìn chậu hồng cổ với 100 loại khác nhau. Ảnh: Minh Hậu.

Đam mê hồng cổ thụ

Khu vườn rộng 7.000m2 bên quốc lộ 20 ở xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) được anh Phạm Văn Trọng đặt hoa hồng san sát. Trong vườn, từ cây lớn đến cây nhỏ đều có hoa bung nở, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Với tay lên kiểm tra nụ của cây hồng đào 50 năm tuổi, anh Trọng tỏ vẻ tâm đắc: “Cây này quý. Tôi gọi nó là cây ngũ phúc vì có 5 cành lớn tỏa ra 5 hướng. Tuổi cao, thân sần sùi nhưng chồi non vẫn mơn mởn, hoa nở đều và đẹp lắm. Có người đến thăm, thấy thích nên ngỏ ý trả giá gần trăm triệu đồng nhưng tôi chưa bán”.

Anh Phạm Văn Trọng quê gốc Nam Định và có niềm đam mê hoa hồng cổ từ nhỏ. Nông dân 37 tuổi cho hay, từ hơn chục năm trước, anh đã bắt đầu sưu tầm các giống hoa quý ở trong và ngoài nước rồi đưa về trồng.

Lúc làm vườn ở Hà Nội, lúc lại đưa về quê Nam Định rồi có khi lại vào tận Sài Gòn mở trang trại. Nhưng rồi, đến năm 2017, anh quyết định chuyển hướng, lên huyện Đức Trọng, nơi giáp ranh với xứ hoa Đà Lạt và bỏ ra 500 triệu đồng thuê đất, đặt hoa.

Ở vùng Đức Trọng có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp để phát triển các loại hoa, đặc biệt là hoa hồng.

Anh chia sẻ: “Những gốc hồng Sapa, Hà Nội hay các quốc gia khác như Pháp, Anh, Bỉ, Thái Lan… khi đưa về đây đều rất hợp. Cây già cỡ nào, héo hon cỡ nào mang về dưỡng cũng bén rễ nhanh, cho chồi non mạnh và trổ hoa đẹp. Chắc cả Việt Nam, thậm chí cả thế giới mới có một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm như thế này”.

Anh Trọng sở hữu nhiều gốc hồng có tuổi đời cao, quý hiếm. Ảnh: Minh Hậu.

Anh Trọng sở hữu nhiều gốc hồng có tuổi đời cao, quý hiếm. Ảnh: Minh Hậu.

Vừa bước đi giữa những chậu hoa cao quá đầu người, nông dân này chỉ tay điểm cây vừa nói: “Cây này hồng bạch Thái Lan, cây kế là hồng vàng Shell ở Anh, còn phía trong là hồng đào của Ý…”.

Dừng chân bên gốc hồng bạch xếp 60 năm tuổi, anh Trọng cho biết, đây là một trong những gốc mà anh yêu thích nhất. Cây vươn cao, chắc chắn, phía trên cành lá, hoa lan tỏa tạo thành hình nấm, phong thái cổ thụ.

“Cây từng được một gia đình ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trồng và chăm sóc. Khi đến thăm, tôi rất thích nhưng lúc đầu gia chủ không bán. Sau nhiều lần bàn bạc, họ mới để tôi bứng cây. Đưa về trồng, cây đẹp nên có khách đã đặt mua với giá 350 triệu đồng. Chủ mới mua cây nhưng gửi lại tôi chăm sóc”, anh Trọng thủ thỉ.

Theo chủ vườn, để có được những cây hồng quý, anh đã phải lặn lội nhiều nơi, kết giao với nhiều người trong giới cây cảnh. Có những gốc hồng cổ, khi đặt vấn đề, chủ nhà có thể bán ngay vì khoản tiền cao.

Tuy nhiên, cũng có những gốc gia chủ quý, muốn gìn giữ như một thành viên trong gia đình thì dù trả giá lên bao nhiêu vẫn không thể đạt được “hợp đồng”.

Anh tâm sự: “Có lần, đến nhà người dân sở hữu nhiều gốc hồng cổ và hỏi mua nhưng người ta không chịu. Tôi nài nỉ mãi, người ta mới chịu ‘chia sẻ’ một gốc trong số đó”.

Kiếm nửa tỷ đồng mỗi tháng

Sưu tầm hồng cổ là đam mê nhưng anh Trọng vẫn hướng đến kinh doanh để phát triển kinh tế. Hiện tại, trong vườn của anh có khoảng 20 nghìn chậu hồng cổ từ vài chục năm đến 60 năm tuổi.

Theo chủ vườn, có khoảng 100 loại hồng khác nhau và tùy vào nguồn gốc, độ tuổi, dáng… mà giá trị cũng khác nhau. Loại phổ biến nhất là hồng cổ, cao từ 2-4m, có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi gốc.

Mỗi tháng, từ việc chăm sóc và bán cây hoa cho khách hàng, chủ vườn thu về 500 triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mỗi tháng, từ việc chăm sóc và bán cây hoa cho khách hàng, chủ vườn thu về 500 triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

“Hiện nay, tôi có một số giống ngoại đã thuần với khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. Những loại này, tôi nhân giống và chăm sóc rồi cung cấp cho thị trường”, nông dân 37 tuổi thổ lộ và cho biết thêm, mỗi tháng, việc bán hoa hồng cổ các loại giúp gia đình anh thu về nửa tỷ đồng. Khách hàng của vườn là những người chơi hoa, giới doanh nhân, nhà vườn… ở khắp nơi trên cả nước. 

Theo chủ vườn, cùng là hoa hồng nhưng cách chăm sóc hoa hồng cổ thụ khác với hồng khai thác bông để bán. Để hồng cổ khỏe mạnh, hoa đẹp, anh trọng chú tâm vào làm giá thể với 50% trấu, 30% đất và 20% xơ dừa, phân hoai mục. Đây loại giá thể vừa thoát nước nhanh vừa giữ ẩm tốt và cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.